Liên kết website

Dự thảo Nghị định quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp

31/05/2023

Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về dự thảo Nghị định quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp để trình Chính phủ ban hành.

Hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp gắn liền với quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế của đất nước. Song hành cùng với hội nhập về ngoại giao, kinh tế quốc tế, an ninh, chính trị, hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp làm cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam được toàn diện hơn, tạo cơ sở pháp lý cho hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực khác của Việt Nam. Quá trình hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 09/12/2009 về hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp với những nguyên tắc, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp trong hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp và Kết luận số 73-KL/TW ngày 20/5/2020 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW. Theo đó, Ban Bí thư giao Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp.

Cùng với đó, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra phương hướng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hợp tác quốc tế về pháp luật, theo đó “Tiếp tục đổi mới hợp tác quốc tế về pháp luật theo hướng chủ động, tích cực, tận dụng hiệu quả các quy tắc, luật lệ quốc tế và tham gia các hoạt động của cộng đồng khu vực và quốc tế; chủ động đề xuất sáng kiến, cơ chế hợp tác trên nguyên tắc cùng có lợi, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới, nhằm tạo ra sự thay đổi về chất lượng công tác hợp tác quốc tế về pháp luật. Nghiên cứu giải pháp gia tăng sự hiện diện của chuyên gia pháp luật Việt Nam trong các thiết chế luật pháp quốc tế”.

Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2023, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 113/2014/NĐ-CP ngày 26/11/2014 của Chính phủ về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật. Việc xây dựng dự thảo Nghị định nhằm cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng về hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan trong việc đề xuất, triển khai thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp cũng như tăng cường các biện pháp để đảm bảo các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật được đúng định hướng, chủ trương của Đảng và Nhà nước; làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan có liên quan và thực hiện phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương trong quyết định, thực hiện và quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật phù hợp với thực tiễn.

Hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp bao gồm các hoạt động có sự tham gia hoặc được tài trợ bởi đối tác nước ngoài có toàn bộ hoặc một phần nội dung về pháp luật và cải cách tư pháp theo quy định. Cơ quan, tổ chức thực hiện hợp tác chủ động đề xuất, thực hiện và quản lý các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp phù hợp với nhu cầu của Việt Nam, chủ trương, định hướng của Đảng về đối ngoại, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và quy định pháp luật có liên quan.

Nội dung hợp tác quốc tế pháp luật và cải cách tư pháp bao gồm các hoạt động: Xây dựng pháp luật; Thi hành pháp luật; Chia sẻ, nâng cao kiến thức, năng lực trong lĩnh vực pháp luật; Cải cách tư pháp (hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp, cơ quan thi hành án, bổ trợ tư pháp, đào tạo các chức danh tư pháp và nghề tư pháp).

Hình thức hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp gồm: ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; xây dựng và thực hiện các dự án, phi dự án; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn hoặc các khóa bồi dưỡng về pháp luật và cải cách tư pháp; trao đổi chuyên gia pháp luật, văn bản, tài liệu pháp luật và cải cách tư pháp.
Trong vòng 30 ngày sau khi kết thúc hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp, cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan trung ương của các tổ chức và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ động chia sẻ thông tin, kết quả hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách thuộc phạm vi quản lý của cơ quan mình theo một trong các hình thức: Đăng tải thông tin, kết quả hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp trên cổng thông tin điện tử; In ấn, phát hành các ấn phẩm về kết quả hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật...

Bộ Tư pháp đang tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về dự thảo Nghị định quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp tại địa chỉ đường link: https://moj.gov.vn/dtvb/pages/chi-tiet.aspx?itemid=623 (thời hạn hết ngày 15/7/2023)./.
Đỗ Thị Nhẫn
  Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: