Liên kết website

Khảo sát, nghiên cứu về chuyển đổi số trong công tác tiếp cận pháp luật tại Hoa Kỳ và Canada

10/07/2023

Thực hiện Quyết định số 977/QĐ-TTg ngày 11/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” và Quyết định số 944/QĐ-BTP ngày 07/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Đoàn công tác đi Hoa Kỳ và Canada, trong các ngày từ 26/6/2023 đến ngày 05/7/2023, Đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh dẫn đầu đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu về chuyển đổi số trong công tác tiếp cận pháp luật tại Hoa Kỳ và Canada.

1. Tại Hoa Kỳ, Đoàn đã có các cuộc làm việc với Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, Thư viện Quốc hội; thăm và làm việc với Trường Luật thuộc Trường Đại học Columbia, Hiệp hội Luật sư Hoa kỳ (ABA) và Văn phòng Công ty Luật Nishimura&Asahi tại New York; thăm và làm việc với Đại sứ quán nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Hoa Kỳ và Phái đoàn Thường trực nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Liên Hợp quốc.
Kết quả khảo sát, nghiên cứu cho thấy Quốc hội, Chính phủ Hoa Kỳ rất quan tâm đến công tác tiếp cận pháp luật của người dân. Theo đó, với đặc điểm là quốc gia đa sắc tộc, đa ngôn ngữ, trình độ và khả năng tiếp cận pháp luật không đồng đều giữa các thành phần trong xã hội, Chính phủ Hoa Kỳ đã triển khai nhiều mô hình, cách làm về truyền thông, phổ biến pháp luật, đưa pháp luật đến với người dân phù hợp với từng đối tượng, trong đó tập trung trọng điểm việc tăng cường thông tin pháp luật cho người dân trên Internet bằng việc đẩy mạnh chuyển đổi số. Để kịp thời điều chỉnh các hình thức phổ biến pháp luật, Chính phủ Hoa Kỳ đã tiến hành khảo sát, đo lường, đánh giá sự hiểu biết của người dân đối với hệ thống pháp luật, khả năng tiếp cận pháp luật.
 
Bên cạnh đó, Chính phủ Hoa Kỳ cũng triển khai các cơ chế hợp tác với các tổ chức xã hội như Hiệp hội Luật sư, các Đoàn Luật sư, các Trường Đại học về Luật danh tiếng nhằm phát huy sự tham gia, hỗ trợ của giới học giả, luật sư, các chuyên gia về pháp luật. Theo đó, thông qua Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ (ABA) và các Trường Đại học, Chính phủ đã huy động được nguồn lực xã hội hóa từ giới luật sư, học giả, sinh viên cũng như các công ty luật và doanh nghiệp tham gia vào quá trình truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật; thực hiện số hóa dữ liệu pháp luật, xây dựng các phần mềm tra cứu thông tin về các lĩnh vực pháp luật cụ thể trên các cổng, trang thông tin điện tử, cũng như bố trí đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp hỗ trợ người dân tìm kiếm thông tin pháp luật theo nhu cầu. Các cơ chế này đã thúc đẩy sự tham gia và thể hiện trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp vào các hoạt động truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật vì cộng đồng; góp phần huy động, chia sẻ nguồn lực cho Chính phủ.
Một số hình ảnh Đoàn công tác làm việc tại Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, Trường Đại học Comlumbia và Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ; Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ và Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp quốc

2. Tại Canada, Đoàn đã có các cuộc làm việc với các cơ quan: Bộ Các vấn đề toàn cầu, Bộ Tư pháp; thăm và nghiên cứu mô hình hoạt động của Cơ quan thông tin và giáo dục pháp luật cộng đồng tại Tỉnh bang Ontario (CLEO) và Mạng lưới giáo dục tư pháp Ontario; thăm và làm việc với Đại sứ quán nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Canada.
 
Tương tự với Hoa Kỳ, công tác tiếp cận pháp luật của người dân cũng được Chính phủ Canada quan tâm, tổ chức thực hiện bài bản, phát huy được sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ. Công tác truyền thông pháp luật, tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân được Bộ Tư pháp Canada và cơ quan tư pháp địa phương thực hiện bằng nhiều hình thức với việc phát huy hiệu quả công cụ truyền thông và chuyển đổi số. Đặc biệt, đối với đối tượng là người nghèo, đối tượng yếu thế và người dân tộc bản địa, công tác tiếp cận pháp luật được Bộ Tư pháp Canada điều phối, giao cho cho các địa phương thực hiện thông qua một hoặc một số tổ chức xã hội do chính quyền địa phương chỉ định (như mô hình của Cơ quan thông tin và giáo dục pháp luật cộng đồng tại Tỉnh bang Ontario – CLEO, Mạng lưới giáo dục tư pháp Ontario). Điểm nổi bật trong mô hình của CLEO và Mạng lưới giáo dục tư pháp Ontario là hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý, giải đáp pháp luật trên cơ sở là đầu mối liên kết với các cơ quan, tổ chức (Luật sư, các cơ quan pháp luật, cơ quan nhà nước…) nhằm giúp đỡ những người gặp vấn đề về pháp lý. Thông qua CLEO, các vấn đề pháp lý, các điều luật phức tạp được giải thích, hướng dẫn bằng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu, gần gũi với đời sống của người dân. Bên cạnh đó, CLEO cũng sắp xếp, lựa chọn các chủ đề pháp lý mà người dân thường gặp phải để giải đáp trên Cổng Thông tin điện tử/Trang Web và hệ thống trả lời box-chat (đối với những câu hỏi chuyên sâu và phức tạp hơn).
Hình ảnh Đoàn công tác làm việc với Bộ Tư pháp và Cơ quan thông tin và giáo dục pháp luật cộng đồng tại Tỉnh bang Ontario, Mạng lưới giáo dục tư pháp Ontario
 
Thông qua chương trình làm việc tại hai nước, Đoàn công tác đã tiếp thu được nhiều kinh nghiệm hay trong công tác truyền thông pháp luật, tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân; trên cơ sở đó sẽ nghiên cứu, chọn lọc những cách làm hiệu quả, phù hợp với điều kiện của Việt Nam để tham mưu triển khai, áp dụng nhằm thực hiện hiệu quả Đề án Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân theo Quyết định số 977/QĐ-TTg ngày 11/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Đề án Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo Quyết định số 979/QĐ/TTg ngày 12/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ; đặc biệt là tham mưu xây dựng Đề án Chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đồng thời, thông qua các cuộc làm việc đã góp phần tăng cường hiểu biết, thúc đẩy hợp tác thực chất, hiệu quả trong công tác tác tư pháp và pháp luật giữa Bộ Tư pháp Việt Nam với Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, Bộ Tư pháp Việt Nam với Bộ Tư pháp Canada, nhất là trong bối cảnh Việt Nam – Hoa Kỳ kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện, Việt Nam – Canada kỷ niệm 50 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, qua đó mở ra các cơ hội hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới.
Trần Văn Tùy
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: