Nhận thức rõ vai trò quan trọng trong việc truyền thông các chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; nhằm nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh niên về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật và phổ biến, giáo dục pháp luật, Trung ương Đoàn đã ban hành Công văn số 11046-CV/TWĐTN-BTG ngày 11/11/2022 chỉ đạo các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc và các cơ quan báo chí thuộc Trung ương Đoàn về việc triển khai thực hiện Đề án 407/QĐ-TTg; Hướng dẫn số 12-HD/TWĐTN-BTG ngày 07/4/2023 về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong thanh thiếu nhi năm 2023 chỉ đạo các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc triển khai, xây dựng kế hoạch theo dõi, nắm bắt tình hình dư luận nói chung và dư luận trong thanh niên về việc lấy ý kiến dự thảo các chính sách có tác động lớn đến xã hội; định kỳ tổng hợp xây dựng báo cáo đảm bảo nắm bắt kịp thời tình hình dư luận, nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên, cũng như những khó khăn, vướng mắc của thanh niên liên quan đến nội dung dự thảo các bộ luật. Đây cũng là căn cứ để các cấp bộ đoàn nắm được tình hình dư luận trong thanh niên đối với dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật khi triển khai xin ý kiến rộng rãi trong toàn nhân dân để tổng hợp và báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đoàn.
Các cấp bộ Đoàn tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật trong thanh thiếu nhi với các hình thức đa dạng thông qua các phong trào, chương trình của đoàn. Thông qua tổ chức các hội nghị, buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội, nói chuyện chuyên đề, các cuộc thi, hội thi, các buổi toạ đàm, diễn đàn, các buổi liên hoan văn hoá văn nghệ, các hình thức sân khấu hóa, Đoàn Thanh niên các cấp khéo léo lồng ghép các thông tin tuyên truyền về Luật Thanh niên, Luật Giao thông đường bộ, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật đất đai sửa đổi, Luật dân sự,… đến đối tượng thanh thiếu niên, đồng thời tổ chức nghiên cứu, thảo luận và tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo các Luật và Luật sửa đổi.
Căn cứ Hướng dẫn tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam năm 2022 và năm 2023 của Trung ương Đoàn, trong đó chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tổ chức phổ biến nội dung chính sách, quy định mới, sửa đổi và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, thanh niên, thiếu niên. Các hình thức tuyên truyền được tổ chức phong phú như pano, áp phích, xây dựng video clip, infographic về Ngày pháp luật, tổ chức các cuộc thi trực tuyến, hội thi, phiên tỏa giả định, ngày hội thanh niên với pháp luật,…
Hệ thống báo chí trực thuộc Trung ương Đoàn đều có chuyên mục Pháp luật; các tờ tin thanh niên của các tỉnh, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc đều dành thời lượng, tần suất phù hợp để kịp thời tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Trong năm 2022, để truyền thông dự thảo các văn bản Luật như Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi),… Trung ương Đoàn đã chỉ đạo các báo chí trực thuộc như Báo Tiền phong, Báo Thanh niên, Tuổi trẻ, Tuổi trẻ Thủ đô đăng tải các bài viết về tính cấp thiết của việc sửa đổi Luật, các nội dung cơ bản, điểm mới của các dự thảo Luật để phổ biến cho toàn thể nhân dân nói chung và đối tượng thanh thiếu niên nói riêng. Bên cạnh đó, các báo đều chú trọng thu thập ý kiến phản hồi của bạn đọc và có những bài viết phản ánh ý kiến của nhân dân đối với các dự thảo luật, từ đây góp thêm cơ sở để cơ quan soạn thảo Luật tiếp thu ý kiến phản biện của nhân dân trong quá trình hoàn thiện, sửa đổi Luật. Việc giáo dục pháp luật trên các báo, tạp chí, nhà xuất bản và tờ tin của Đoàn thanh niên đã thực sự thu hút sự quan tâm và có tác dụng phổ biến, giáo dục pháp luật cao tới đông đảo thanh thiếu niên và nhân dân.
Trong năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023, Đoàn Thanh niên vẫn duy trì đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong hệ thống các cấp bộ đoàn nhằm thông tin, phổ biến kịp thời các nội dung pháp luật tới thanh thiếu niên tại địa phương
[1].Trong các buổi sinh hoạt chi đoàn, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên phổ biến, thông tin về các văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình xây dựng có liên quan đến quyền lợi của đoàn viên, thanh niên để đoàn viên, thanh niên tại địa phương nắm được và có những ý kiến, thảo luận, góp ý và tập hợp gửi đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền tiếp nhận.
Qua hơn 01 năm triển khai thực hiện Đề án 407, công tác truyền thông chính sách đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận, các cấp bộ Đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật bằng nhiều hình thức phong phú trực tiếp và trực tuyến, thông qua các mô hình đa dạng, mới mẻ, hấp dẫn, phối hợp cùng các cơ quan báo chí, kênh truyền thông mạng xã hội của tổ chức Đoàn đã truyền thông được các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật có tác động lớn trong quá trình xây dựng tới rộng rãi đội ngũ cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên và người dân cả nước. Ngoài kết nối hệ thống hành chính, Trung ương Đoàn còn có hệ thống kết nối trên không gian mạng từ Trung ương đến cơ sở để đăng tải thông tin định hướng đồng loạt. Đây là một ưu điểm lớn để truyền thông các chính sách lớn một cách nhanh chóng, đồng bộ, kịp thời và hiệu quả.
Để nâng cao chất lượng công tác truyền thông chính sách trong thời gian tới, Trung ương đoàn sẽ (i) tiếp tục chỉ đạo các tỉnh thành đoàn, đoàn trực thuộc và các cơ quan báo chí trong hệ thống Đoàn tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Đề án 407; (ii) phát huy tối đa các kênh truyền thông số của Trung ương Đoàn và các cấp bộ Đoàn trong việc truyền thông chính sách, đặc biệt tập trung khai thác ứng dụng Thanh Niên Việt Nam để đăng tải và thu thập các ý kiến đóng góp của Đoàn viên, thanh niên về các văn bản quy phạm pháp luật có tác động lớn trong quá trình xây dựng; (iii) Phối hợp với các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật xây dựng tài liệu, nội dung truyền thông dự thảo chính sách bảo đảm đầy đủ, ngắn gọn, dễ hiểu, hình thức phong phú, sinh động để đăng tải trên Cổng/Trang Thông tin điện tử của các cấp bộ Đoàn từ Trung ương, địa phương, các kênh báo đài để phục vụ hoạt động truyền thông dự thảo chính sách; (iv) Phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật của Đoàn về kiến thức, kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách để thực hiện truyền thông chủ động, linh hoạt, hiệu quả./.
[1] Điển hình: Sơn La hiện có 369 báo cáo viên của đoàn các cấp, 471 đội tuyên truyền măng non với trên 5000 tuyên truyền viên. Bình Định hiện có 160 báo cáo viên cấp tỉnh, 341 báo cáo viên cấp huyện, 504 tuyên truyền viên. Gia Lai hiện có 2372 tuyên truyền viên trong đó có 1281 tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc thiểu số, già làng, trưởng bản. Bình Dương hiện có 41 báo cáo viên cấp tỉnh, 2143 báo cáo viên cấp huyện, 3653 tuyên truyền viên pháp luật hoạt động hiệu quả.