Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đã khẳng định tầm quan trọng của công tác truyền thông dự thảo chính sách trong việc thực hiện chủ trương của Đảng tại Văn kiện Đại hội XIII là “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; nâng cao chất lượng, tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường công khai, minh bạch, tạo đồng thuận xã hội trong quá trình thực hiện khi văn bản được ban hành, đồng thời tăng cường hiểu biết pháp luật, ý thức tuân theo pháp luật của người dân. Thực hiện nhiệm kỳ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027” (ban hành kèm theo Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022), Bộ Tư pháp đã tổ chức biên soạn và đăng tải Tài liệu hướng dẫn kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách trên Trang Thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật (pbgdpl.moj.gov.vn). Để triển khai Tài liệu này, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tập huấn về kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách cho báo cáo viên pháp luật trung ương, công chức pháp chế các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương nhằm nâng cao kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách cho đội ngũ này.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe Tiến sĩ Vũ Hoài Phương, Giảng viên Khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền giới thiệu “Kỹ năng xây dựng tài liệu truyền thông dự thảo chính sách thông qua một số tài liệu truyền thông trực quan”, trong đó tập trung vào kỹ năng xây dựng đồ họa thông tin (infographic) về dự thảo chính sách; xây dựng video clip truyền thông dự thảo chính sách; đồng chí Đỗ Thị Thanh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp giới thiệu “Kỹ năng cung cấp thông tin, tiếp nhận, xử lý thông tin góp ý và phản hồi ý kiến góp ý đối với dự thảo chính sách”.
Các đại biểu dự Hội nghị còn được nghe đồng chí Phan Hồng Nguyên thông tin về tình hình 1 năm triển khai Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”, trong đó đánh giá kết quả đã đạt được và xác định những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong tổ chức truyền thông dự thảo chính sách qua thực tiễn 1 năm thực hiện Đề án, đồng thời, đồng chí Phan Hồng Nguyên đã nêu một số nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp và đề xuất, kiến nghị với các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương cần triển khai trong thời gian tới.
|
|
Qua việc tham dự Hội nghị, các báo cáo viên pháp luật trung ương, công chức pháp chế các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương được nâng cao kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách, cũng như nắm bắt thông tin về kinh nghiệm, cách làm hay, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, qua đó tham mưu tổ chức thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ được giao. Thời gian tới, Bộ Tư pháp tiếp tục tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách tại 3 miền cho các địa phương./.
Nguyễn Thùy Nhung
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật