Triển khai thực hiện Đề án, tiếp nối chuỗi hoạt động khảo sát trực tiếp thực trạng việc đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại các tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Sóc Trăng, ngày 16/12/2022, tại tỉnh Quảng Ninh, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo khảo sát thực trạng việc đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Hội thảo do ông Phan Hồng Nguyên - Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) chủ trì.
Đồng chí Nguyễn Chính Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh tham dự và phát biểu tại Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có các đại biểu là cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan quản lý Nhà nước (Sở Lao động, Thương binh và Xã Hội, Ban Dân tộc tỉnh, đại diện các Phòng Tư pháp...), các tổ chức chính trị - xã hội (Đoàn Luật sư tỉnh, Hội Luật gia tỉnh), tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên cơ sở; một số người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Phan Hồng Nguyên cho biết, đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ quản lý nhà nước quan trọng, là cơ sở để tham mưu giải pháp nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Ngày 04/4/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó Chính phủ giao Bộ Tư pháp ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 10/3/2018, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 03/2018/TT-BTP ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Qua việc sơ kết thực hiện Thông tư số 03/2018/TT-BTP, bên cạnh kết quả đã đạt được, việc triển khai Thông tư còn những tồn tại, hạn chế, đồng thời một số quy định trong Thông tư bộc lộ bất cập cần được nghiên cứu, đề xuất việc hoàn thiện. Chính vì vậy, thực hiện Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, để đổi mới việc đánh giá hiệu quả hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 797/QĐ-TTg ngày 12/8/2022 phê duyệt Đề án "Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật". Đề án xác định 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là: (i) Nghiên cứu, khảo sát hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; (ii) Ban hành Khung tiêu chí đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nội dung Khung tiêu chí gồm tiêu chí chung và tiêu chí riêng, bảo đảm linh hoạt, có thể áp dụng đánh giá cho từng hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cụ thể gắn với đối tượng, lĩnh vực, vấn đề, thời gian, không gian cụ thể; (iii) Tổ chức thực hiện đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; (iv) Huy động nguồn lực xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; (v) Tổng kết, rút kinh nghiệm, nghiên cứu đề xuất định hướng hoàn thiện thể chế về đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Để hoạt động khảo sát hiệu quả, thực chất, đồng chí Phan Hồng Nguyên đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ lưỡng Đề cương nội dung khảo sát; bên cạnh đó, tập trung trao đổi về thực trạng đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và đề xuất định hướng, cách thức đổi mới việc đánh giá hiệu quả theo tinh thần Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư.
Để thuận lợi trong việc trao đổi, thảo luận, các đại biểu tham dự được sắp xếp thành 02 nhóm: (i) Nhóm đại biểu là cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và (ii) Nhóm đại biểu là tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên cơ sở; đại diện người dân, doanh nghiệp tại một số đơn vị cấp xã.
Tại Hội thảo đã có hơn 20 lượt ý kiến phát biểu, trao đổi, thảo luận về thực trạng đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL tại các cơ quan, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh và đề xuất ý kiến xây dựng các tiêu chí, phương án, cách thức thực hiện đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL phù hợp trên địa bàn tỉnh và xây dựng Khung tiêu chí đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL trong thời gian tới. Phần lớn các ý kiến tại Hội thảo đều cho rằng nên xây dựng khung tiêu chí đánh giá theo lĩnh vực pháp luật, nhóm đối tượng, địa bàn cụ thể (nông thôn, thành thị, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sinh sống...). Việc áp dụng một Bộ tiêu chí chung để đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL cho mọi lĩnh vực, địa bàn và đối tượng là không khả thi, hiệu quả.
Từ những ý kiến tại Hội thảo, Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp để làm cơ sở gợi mở tiếp tục nghiên cứu và có định hướng triển khai hoạt động xây dựng Khung tiêu chí đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL khoa học, khách quan, khả thi, phù hợp với yêu cầu, bối cảnh thực tiễn, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án "Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật".
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật