Khai mạc buổi hội thảo, đồng chí Ngô Quỳnh Hoa nhấn mạnh những nỗ lực và kết quả đã đạt được trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của các địa phương thời gian qua đã góp phần tạo các chuyển biến sâu sắc về nhận thức và thi hành pháp luật của người dân.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, đồng chí Ngô Quỳnh Hoa cũng đưa ra một số vấn đề khó khăn và vướng mắc liên quan đến nguồn nhân lực và kinh phí cho hoạt động PBGDPL, khả năng nhận thức, tiếp cận pháp luật của các nhóm đối tượng đặc thù, yếu thế ở Việt Nam còn hạn chế. Vì vậy, hội thảo được tổ chức nhằm nhận được sự góp ý, tham vấn từ các đại biểu, chuyên gia, làm cơ sở để Bộ Tư pháp tiếp tục hoàn thiện các báo cáo chuyên đề về nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật của người dân, trọng tâm vào nhóm đặc thù, yếu thế và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược tổng quát về vấn đề này trong thời gian tới
Bà Đào Thị Thu An, quản lý dự án EU JULE khẳng định vai trò quan trong của công tác PBGDPL gắn liền với hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, qua đó trong thời gian tới cần đẩy mạnh triển khai các báo cáo khảo sát, tăng cường năng lực cho các báo cáo viên pháp luật và cam kết của UNDP đồng hành với Cục Phổ biến giáo dục pháp luật trong việc nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân trong thời gian tới.
Hội thảo đã nhận được sự hưởng ứng và góp ý quý báu từ các chuyên gia, GS.TS Hoàng Thị Kim Quế trình bày tóm tắt nội dung các chuyên đề, bối cảnh chính trị của Chiến lược phải dựa trên các đường lối, chủ trưởng của Đảng, cơ sở thực tiễn của Chiến lược phải dựa trên Báo cáo tổng kết 10 năm Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Ông Uông Ngọc Thuẩn, nguyên Phó Vụ trưởng, Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật cho rằng cần xác định rõ ba chuyên đề của hội thảo là ba thành tố quan trọng không thể thiếu của việc xây dựng Chiến lược, Chiến lược cần đảm bảo được các đặc tính cơ bản (Bao quát; Hệ thống; Tập trung, chọn lựa; Linh hoạt; Lượng hóa cụ thể) và 3 vấn đề cơ bản (Mục tiêu; Phương thức để đạt mục tiêu; Nguồn lực bảo đảm thực hiện mục tiêu).
Phát biểu tại buổi hội thảo, bà Hồ Xuân Hương, phó chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hà Nội cho rằng việc xây dựng chiến lược thực sự cần thiết thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đối với các nhóm đối tượng yếu thế việc đánh giá chưa được sâu sắc toàn diện, cần tiếp tục khảo sát trong thời gian tới để có triển khai thực hiện một cách chất lượng hiệu quả thiết thực mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Hội thảo cũng nhận được phản hồi tích cực từ các Sở Tư pháp một số tỉnh thành địa phương ( Phú Thọ, Thái Nguyên, Hải Dương ), tựu chung trong thời gian tới để nâng cao trách nhiệm của đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật và hòa giải viên ở cơ sở trong việc thực hiện Chiến lược nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật của người dân, trọng tâm vào nhóm đặc thù, yếu thế, các địa phương đề nghị cần tập trung vào một số biện pháp như tăng cường xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch, hoạt động tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng PBGDPL cho đội ngũ báo cáo, tuyên truyền viên pháp luật và đội ngũ thực hiện PBGDPL phù hợp với điều kiện của từng địa phương; cung cấp tài liệu; khai thác triệt để ưu thế của công nghệ thông tin, kỹ thuật số để nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ làm công tác PBGDPL; rà soát, xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, già làng, trưởng bản, người biết tiếng dân tộc có kỹ năng chuyên biệt trong PBGDPL cho nhóm đối tượng đặc thù, yếu thế; hoàn thiện quy định về tiêu chuẩn, điều kiện công nhận tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở; gấp rút bổ sung thể chế quy định chế độ chi thù lao hàng tháng (thay cho chế độ chi trả theo vụ việc hiện nay) cho các tuyên truyền viên pháp luật và hòa giải viên ở cơ sở; đồng thời, bổ sung vào mục tiêu của Chiến lược, song song với mục tiêu nghiên cứu bổ sung hành vi vi phạm để xử lý hoặc tăng mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định về hoạt động PBGDPL, hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ của báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật
Kết luận buổi hội thảo, đồng chí Ngô Quỳnh Hoa tái khẳng định vai trò của công tác phổ biến, tuyên truyền, tiếp cận pháp luật, cần có sự gắn kết chặt chẽ với khâu tổ chức thi hành pháp luật. Thông qua đó, đồng chí Ngô Quỳnh Hoa chỉ đạo trong thời gian tới, việc triển khai công tác PBGDPL cần lấy người dân làm trung tâm, tập trung vào những vấn đề mà người dân và xã hội cần, đặc biệt chú trọng vào nhóm đối tượng đặc thù, yếu thế, gấp rút hoàn thiện các quy định của pháp luật, các chính sách thể chế theo hướng quy định chi tiết hơn việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin pháp luật cho người dân và nhóm đối tượng đặc thù, yếu thế, tạo các cơ chế chính sách ưu đãi thu hút các chủ thể tham gia công tác PBGDPL cho người dân và nhóm đặc thù yếu thế, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, cơ chế quy trình thực hiện PBGDPL bảo đảm phù hợp với nhu cầu, đặc điểm của từng nhóm đối tượng thụ hưởng, hướng mạnh về cơ sở, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, bảo đảm về nguồn lực, kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác PBGDPL để triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm về nội dung, đối tượng, địa bàn.
Lại Nhật Quang
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật