Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, khơi thông nguồn lực, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, các cơ quan nhà nước phải nâng cao năng lực nhận diện, phản ứng chính sách để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới VBQPPL. Vì vậy, quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL cần có tính linh hoạt và phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, trong quá trình thi hành Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP, Bộ Tư pháp đã nhận được phản ánh của một số bộ, ngành, địa phương về khó khăn, vướng mắc và đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định để đảm bảo phù hợp với thực tiễn. Cụ thể: quy định về trường hợp phải lập đề nghị xây dựng VBQPPL; đánh giá tác động chính sách trong giai đoạn lập đề nghị và soạn thảo VBQPPL; lấy ý kiến, thẩm định đề nghị xây dựng VBQPPL, dự án, dự thảo VBQPPL; việc lập, công bố VBQPPL hết hiệu lực; theo dõi, đôn đốc việc ban hành văn bản quy định chi tiết; việc xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn; trách nhiệm tổ chức thi hành VBQPPL; thể thức, kỹ thuật trình bày VBQPPL; thẩm quyền, căn cứ kiểm tra, xử lý VBQPPL…
Do vậy, việc xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP là rất cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định của 2 Nghị định này, đẩy nhanh việc xây dựng, ban hành VBQPPL, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính kịp thời trong công tác xây dựng pháp luật; đồng thời tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện 2 Nghị định nêu trên.
Dự thảo Nghị định đề xuất đối với nội dung của văn bản đề nghị xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn phải nêu rõ việc ban hành văn bản là yêu cầu khách quan, phải có ngay quy định để giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn nhằm đáp ứng yêu cầu về bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, quản lý nhà nước, bảo đảm quyền, lợi ích của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân và lợi ích chung của xã hội; tên văn bản; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản; nội dung chính; dự kiến cơ quan chủ trì soạn thảo và thời gian trình hoặc ban hành văn bản.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành kế hoặc tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến văn bản quy phạm pháp luật; ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật (nếu có); tập huấn; tổ chức tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức; bảo đảm cơ sở vật chất, kinh phí, tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực để triển khai thi hành; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thi hành; sơ kết, tổng kết; báo cáo việc tổ chức triển khai và kiến nghị, xử lý vướng mắc trong việc tổ chức thi hành.
Trường hợp cần bãi bỏ Thông tư liên tịch thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đã chủ trì soạn thảo Thông tư liên tịch trao đổi, thống nhất bằng văn bản với các bộ, cơ quan ngang bộ cùng ký Thông tư liên tịch về việc ban hành Thông tư bãi bỏ. Trường hợp cần thay thế Thông tư liên tịch mà xác định được nội dung Thông tư liên tịch thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của một hoặc một số bộ, cơ quan ngang bộ thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo Thông tư liên tịch cần trao đổi, thống nhất bằng văn bản đối với bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền ban hành Thông tư liên tịch đó về việc ban hành Thông tư để quy định nội dung quản lý nhà nước của Bộ mình. Trường hợp nội dung Thông tư liên tịch có liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ liên tịch ban hành Thông tư mà không thể quy định một Thông tư mà phải xây dựng thành các Thông tư riêng thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đã chủ trì soạn thảo thông tư liên tịch trao đổi, thống nhất bằng văn bản đối với các bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền ban hành Thông tư liên tịch đó về việc báo cáo Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định./.
Đỗ Thị Nhẫn
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật