Liên kết website

Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật các cấp đã hoạt động tích cực, hiệu quả hơn

07/07/2014

Chiều 4/7, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) Trung ương đã họp phiên toàn thể lần thứ 3 để sơ kết hoạt động trong 6 tháng đầu năm và thảo luận những phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho công tác 6 tháng cuối năm 2014.  Phiên họp cũng tập trung  cho ý kiến vào Kế hoạch tổ chức cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam” và dự thảo Công văn hướng dẫn Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam năm 2014. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp.

 

Tiếp tục củng cố, kiện toàn Hội đồng các cấp

Những tháng đầu năm 2014, nhiều hình thức PBGDPL sáng tạo, hiệu quả đã được các Bộ, ngành, địa phương áp dụng. Ngay từ đầu năm, Cơ quan thường trực Hội đồng đã ban hành Quyết định số 486 về Kế hoạch công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân ở cơ sở năm 2014 để hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện công tác PBGDPL. Trên cơ sở Kế hoạch hoạt động của Hội đồng và Hướng dẫn của Cơ quan thường trực của Hội đồng, Hội đồng Phối hợp PBGDPL các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương đã ban hành Kế hoạch công tác PBGDPL hoặc lồng ghép nội dung PBGDPL trong Kế hoạch công tác pháp chế năm 2014. Một số Bộ, ngành như Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải còn ban hành và tổ chức triển khai Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

 

 

 

Nội dung trọng tâm được Hội đồng PBGDPL các cấp tập trung triển khai trong những tháng đầu năm nay là giới thiệu, phổ biến nội dung Hiến pháp 2013, Luật Đất đai sửa đổi, các luật mới được Quốc hội khóa XIII thông qua hoặc cho ý kiến và các Luật khác liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

Đánh giá về hiệu quả công tác những tháng đầu năm nay, các thành viên Hội đồng đều thống nhất nhìn nhận, Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp đã có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả, khắc phục được tính hình thức còn tồn tại trong nhiều năm qua. Công tác kiện toàn tổ chức Hội đồng các cấp cũng đã được chú trọng thực hiện. Nhiều Bộ, ngành, đoàn thể đã tiến hành củng cố, kiện toàn Hội đồng theo Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng. Ở cấp tỉnh và cấp huyện, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã cơ bản hoàn thành việc củng cố, kiện toàn và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng. Thống kê cho thấy, hiện cả nước đã có 1.049 báo cáo viên pháp luật ở trung ương. Đội ngũ cán bộ pháp chế làm công tác PBGDPL ở các Bộ, ngành, địa phương được củng cố, kiện toàn theo Nghị định 55 của Chính phủ là 1.545 người.

 

 

 

Nhiều hình thức phổ biến pháp luật sáng tạo được áp dụng

Một trong những điểm nổi bật trong công tác PBGDPL trong những tháng đầu năm nay là đã có rất nhiều hình thức PBGDPL sáng tạo, hiệu quả được áp dụng. “Ngày hội pháp luật”  được triển khai ở huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.  Mỗi ngày một câu hỏi pháp luật, mỗi tuần học một điều luật là nội dung được triển khai tại các đơn vị quân đội. Các tỉnh Tuyên Quang, Cà Mau, An Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ tổ chức hội thi sân khấu tìm hiểu Hiến pháp 2013. Việc lồng ghép tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật thông qua sinh hoạt chi bộ được triển khai ở Vĩnh Phúc. Thành phố Hồ Chí Minh lại biên soạn, phát hành các tờ gấp bằng tiếng Việt, Anh, Hoa phổ biến nội dung, ý nghĩa Hiến pháp; tổ chức đóng kịch, tọa đàm về tình huống vi phạm pháp luật để người dự thi tham gia giải quyết tình huống và chuyên gia pháp luật làm giám khảo. Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp thì tổ chức chương trình tư vấn pháp luật trực tiếp trên sóng phát thanh về nội dung pháp luật được người dân quan tâm v.v…

Đặc biệt, việc tư vấn, PBGDPL cho một số đối tượng đặc thù đã được các Bộ, ngành, địa phương đặc biệt chú trọng. Công tác PBGDPL cho người dân nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân được các địa phương thực hiện bằng nhiều hình thức như: tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa… Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì tổ chức nhiều mô hình tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp như tổ chức sân chơi “Công nhân với pháp luật” trên truyền hình; tổ chức phổ biến pháp luật thông qua gần 3000 Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ tại các khu công nghiệp, các trung tâm tư vấn pháp luật, Văn phòng tư vấn pháp luật…

 

 

 

Công tác PBGDPL cho nạn nhân bạo lực gia đình được thực hiện thông qua trợ giúp pháp lý cho đối tượng là người già, phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình; tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật, hòa giải các mâu thuẫn ở cộng đồng dân cư… Công tác PBGDPL cho đối tượng là người vi phạm pháp luật đã được các địa phương tổ chức thực hiện với nhiều hình thức. Chẳng hạn, thành phố Hồ Chí Minh  PBGDPL cho đối tượng là thanh niên tham gia đua xe, vi phạm an toàn giao thông  bằng cách cho các đối tượng này đi tham quan khu cấp cứu bệnh viện, trường giáo dưỡng.

Nhiều hình thức PBGDPL trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân cũng được tổ chức triển khai có hiệu quả như hai ngành Giáo dục - Đào tạo và Tư pháp các cấp đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho giáo viên dạy môn pháp luật và môn giáo dục pháp luật công dân tại các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, học sinh sinh viên; tổ chức Hội thi cấp tỉnh “Học sinh cấp 3 tìm hiểu về pháp luật” ( tại Sóc Trăng); thành lập Câu lạc bộ những người yêu thích môn học pháp luật (Đại học Thái Bình)….

Sẽ kiểm tra kinh phí dành cho phổ biến pháp luật tại nhiều địa phương

Bên cạnh việc ghi nhận những kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm,  nhiều hạn chế trong công tác PBGDPL cũng được các thành viên Hội đồng tập trung phân tích và bàn giải pháp khắc phục. Đó là tính chủ động, tích cực của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp chưa cao. Thêm vào đó, kinh phí dành cho công tác PBGDPL tại các Bộ, ngành địa phương vừa ít, vừa không đồng đều. Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục Đào tạo phản ánh: năm 2014, Bộ đề xuất dành 10 tỷ đồng cho công tác PBGDPL nhưng chỉ được Bộ Tài chính phê duyệt cho 700 triệu đồng. Với rất nhiều công việc cần triển khai trong năm 2014 thì nhiều hoạt động PBGDPL của Bộ Giáo dục và Đào tạo không biết sẽ lấy kinh phí ở đâu ra. Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Chủ tịch Hội đồng cũng chia sẻ một thực tế: “Năm 2014 tỉnh Vĩnh Phúc dành hơn 8 tỷ đồng cho công tác PBGDPL trong khi tỉnh Điện Biên thì không cho một đồng nào, trừ hơn 100 triệu đồng kinh phí cho hoạt động hành chính của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp”.

Trước thực tế này và trong khi liên Bộ Tài chính - Tư pháp đã có Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đề nghị trong 6 tháng cuối năm, Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương phải tiến hành kiểm tra tại một số địa phương về việc sử dụng kinh phí được cấp cho công tác PBGDPL có được sử dụng đúng mục đích hay không.

Cũng về nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2014, Bộ trưởng yêu cầu Hội đồng tập trung triển khai tốt Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam”, tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam năm 2014 một cách thiết thực, hiệu quả, phù hợp với đặc thù của các Bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, cần khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật và tiếp tục sáng tạo các hình thức PBGDPL phù hợp, hiệu quả, sao cho công tác PBGDPL ngày càng đi vào thực chất hơn.

Dự kiến cuộc thi  viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” sẽ được phát động vào tháng 8/2014 và kết thúc vào tháng 9/2015.

Lan Phương
Các tin đã đưa ngày: