Về công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, Bộ Tư pháp đã ban hành 06 công văn hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong triển khai nhiệm vụ đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, thực hiện tiêu chí tiếp cận pháp luật trong xét đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn đô thị văn minh. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã cấp phát 9.000 cuốn Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ về chuẩn tiếp cận pháp luật cho Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố, Phòng Tư pháp cấp huyện (705 cuốn), Uỷ ban nhân dân cấp xã (8.484 cuốn) và hỗ trợ tập huấn nghiệp vụ đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, thực hiện tiêu chí tiếp cận pháp luật theo quy định tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP tại một số tỉnh, thành phố. Để nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa và trách nhiệm triển khai Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Báo, Đài thực hiện các bản tin, tọa đàm, phóng sự nhằm truyền thông, phổ biến về công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cũng như tình hình, kết quả triển khai các tiêu chí tiếp cận pháp luật trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới, đô thị văn minh. Xác định kiểm tra là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác quản lý nhà nước về chuẩn tiếp cận pháp luật, Bộ Tư pháp đã tổ chức kiểm tra trực tiếp tại nhiều xã trên toàn quốc nhằm nắm bắt tình hình thực tiễn tổ chức thực hiện các văn bản, quy định về đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại cơ sở; giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương.
Tại địa phương, 63/63 Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh) đã ban hành Kế hoạch, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, Thông tư số 09/2021/TT-BTP và tiêu chí tiếp cận pháp luật trong các Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, đô thị văn minh. Các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng được các cấp chính quyền quan tâm thực hiện thông qua nhiều hình thức như: chương trình, chuyên mục trên Đài Phát thanh – Truyền hình cấp tỉnh; đăng tải các tin, bài trên các báo địa phương và Cổng/Trang thông tin điện tử của các cấp, các ngành; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật… Nhiều địa phương đã tập huấn chuyên sâu cho cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã về nghiệp vụ đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, thực hiện tiêu chí tiếp cận pháp luật trong Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Kết quả kiểm tra, khảo sát cho thấy, về cơ bản, các đơn vị cấp xã được kiểm tra đã xây dựng kế hoạch triển khai việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Ủy ban nhân dân cấp xã đã phân công công chức chuyên môn theo dõi, phụ trách, đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật gắn với lĩnh vực chuyên môn; việc tổ chức đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đảm bảo quy trình, thời hạn theo quy định. Một số địa phương đã bố trí kinh phí cho công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức triển khai đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật từng bước được áp dụng. Các địa phương chú trọng sử dụng trang mạng xã hội (Zalo, Facebook) hoặc xây dựng chuyên mục riêng về “Tiếp cận pháp luật” trên Cổng/Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp và cập nhật tin bài, các hoạt động triển khai nhiệm vụ đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; tỉnh Gia Lai đã sử dụng “Hệ thống rà soát dữ liệu kết quả thực hiện quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” từ năm 2021; một số nơi tổ chức tập huấn theo hình thức trực tuyến… Về phía Bộ Tư pháp cũng đang triển khai dự án xây dựng “Hệ thống thông tin PBGDPL”, trong đó có cơ sở dữ liệu về tiếp cận pháp luật.
Hội thảo trao đổi kinh nghiệm thực hiện chuẩn Tiếp cận pháp luật tại Hà Nội.
Nhìn chung, việc triển khai Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, Thông tư số 09/2021/TT-BTP đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm, tích cực thực hiện và dần đi vào nề nếp, đạt được kết quả nhất định; trách nhiệm của chính quyền, cán bộ, công chức cấp xã trong tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật hướng tới xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh cho người dân tại cơ sở tiếp tục được tăng cường gắn với tổ chức thi hành pháp luật.
Mặc dù vậy, công tác truyền thông về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chưa thỏa đáng nên người dân chưa quan tâm đến công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và lợi ích của công tác này đối với việc bảo đảm quyền công dân. Nguồn lực, ngân sách nhà nước bố trí kinh phí cho cơ quan Tư pháp các cấp triển khai thực hiện các nhiệm vụ đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều địa phương chưa được bố trí kinh phí riêng. Cấp huyện, cấp xã hầu như sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên cho công tác PBGDPL hoặc lồng ghép với các hoạt động chuyên môn khác để thực hiện nhiệm vụ đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Có thể thấy, tỷ lệ đơn vị cấp xã được công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cao nhưng chưa thực sự phản ánh thực chất kết quả thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu về tiếp cận pháp luật tại cơ sở, chưa thực sự đạt được mục tiêu đề ra. Ngoài ra, tại một số địa phương, việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật còn hình thức; tài liệu kiểm chứng không đầy đủ; việc tổ chức thực hiện một số tiêu chí, chỉ tiêu chưa đạt yêu cầu; kết quả công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chưa phản ánh đúng thực trạng, chưa thống nhất với kết quả đánh giá sự hài lòng của người dân về việc thực hiện chính quyền cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật./.
Đính kèm báo cáo và phụ lục.
Vi Sa
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật