Theo đó, Thông tư số 08/2024/TT-BGDĐT hướng dẫn lồng ghép nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh thông qua các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông đối với trường tiểu học, trường trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học, bao gồm: nội dung, phương pháp, hình thức, yêu cầu cần đạt và các điều kiện bảo đảm thực hiện việc lồng ghép.
Đối với cấp tiểu học, thực hiện lồng ghép trong các môn học và hoạt động giáo dục đối với từng lớp, theo sách giáo khoa do nhà trường lựa chọn, phù hợp với khả năng nhận thức của học sinh ở từng địa phương, tập trung vào các môn học: Tiếng Việt; Tự nhiên và Xã hội; Đạo đức; Lịch sử và Địa lí; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm.
Chủ đề lồng ghép chung từ lớp 1 đến lớp 5 là giáo dục tình yêu quê hương, yêu hòa bình, yêu Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; niềm tự hào, tự tôn dân tộc, lòng biết ơn các anh hùng, liệt sĩ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; giới thiệu chủ quyền biển, đảo của Việt Nam; giáo dục tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau, có ý thức tổ chức kỉ luật trong học tập.
Nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh được lồng ghép trong trường tiểu học theo từng lớp cụ thể như sau:
- Lớp 1: Giáo dục cho học sinh về tình yêu quê hương, yêu hòa bình, yêu Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; giới thiệu một số hình ảnh về Quân đội Nhân dân Việt Nam và Công an Nhân dân Việt Nam; một số di tích lịch sử của địa phương.
- Lớp 2: Giáo dục cho học sinh về tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, sự hi sinh của các chiến sĩ cách mạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; giới thiệu một số hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, Công an Nhân dân Việt Nam làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; giáo dục cho học sinh biết yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ và bảo vệ nhau trong học tập.
- Lớp 3: Giáo dục truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc; giới thiệu những tấm gương dũng cảm của thiếu niên, nhi đồng, bà Mẹ Việt Nam anh hùng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc; những hoạt động, hình ảnh của học sinh tham gia bảo vệ môi trường ở địa phương và nhà trường.
- Lớp 4: Giới thiệu bản đồ hành chính Việt Nam, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; một số bài hát về biển, đảo Việt Nam; giáo dục ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
- Lớp 5: Giới thiệu chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của Việt Nam; một số hình ảnh khai thác thủy sản, hải sản và tài nguyên để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; những tấm gương dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam và Công an Nhân dân Việt Nam trong cứu hộ, cứu nạn.
Nội dung lồng ghép giáo dục quốc phòng an ninh vào cấp trung học cơ sở gồm: Giáo dục, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng và an ninh. Cụ thể:
- Thực hiện lồng ghép trong các môn học và hoạt động giáo dục đối với từng lớp, theo sách giáo khoa do nhà trường lựa chọn, phù hợp với khả năng nhận thức của học sinh ở từng địa phương, tập trung vào các môn học: Ngữ văn; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lí; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Nội dung giáo dục địa phương; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
- Chủ đề lồng ghép chung từ lớp 6 đến lớp 9: Giáo dục tinh thần đoàn kết, yêu nước của dân tộc Việt Nam trong dựng nước và giữ nước qua các thời kì lịch sử; bảo vệ chủ quyền biển, đảo; bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biên giới quốc gia; quyền lợi, trách nhiệm của công dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giới thiệu một số sự kiện lịch sử chống giặc ngoại xâm; một số nội dung về bảo vệ thông tin cá nhân khi tham gia mạng xã hội; giới thiệu một số nội dung về phòng, chống tệ nạn xã hội đối với học sinh; chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước.
Chủ đề lồng ghép theo từng lớp được quy định như sau:
- Lớp 6: Giới thiệu lịch sử và truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam và Công an Nhân dân Việt Nam; địa danh lịch sử gắn với các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc; cách đánh mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.
- Lớp 7: Giới thiệu hoạt động, hình ảnh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam; một số nội dung về bảo vệ thông tin cá nhân khi tham gia mạng xã hội; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật.
- Lớp 8: Giáo dục lòng tự hào, tự tôn dân tộc và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm; giới thiệu một số mốc quốc giới; tác hại của tệ nạn xã hội tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội; trách nhiệm của học sinh tham gia phòng, chống bạo lực học đường.
- Lớp 9: Hậu quả của các cuộc chiến tranh xâm lược đối với dân tộc Việt Nam; một số hình ảnh về phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh; giới thiệu một số bài hát ca ngợi truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam và Công an Nhân dân Việt Nam; trách nhiệm của học sinh tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trên cơ sở mục tiêu và nội dung bài học, kinh nghiệm, điều kiện thực tế, giáo viên lồng ghép nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh truyền cảm, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu; phát huy tính sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tâm lí, sinh lí lứa tuổi và nhận thức của học sinh; kết hợp hình ảnh minh họa, các hiện vật phù hợp với mục tiêu, nội dung bài học; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học lồng ghép và thực hành.
Việc lồng ghép nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh theo Thông tư số 08/2024/TT-BGDĐT sẽ được thực hiện thông qua nhiều phương thức gồm:
- Dạy học các bài học, chủ đề dạy học;
- Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong và ngoài lớp học;
- Tham quan di tích lịch sử, bảo tàng, nhà truyền thống, đơn vị lực lượng vũ trang;
- Tổ chức cắm trại, đọc sách, nghe, thi kể chuyện truyền thống, các hội thi tìm hiểu về quốc phòng và an ninh.
Thông tư số 08/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 01/07/2024, thay thế Thông tư số 01/2017/TT-BGDĐT ngày 13/01/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo./.
Thanh Trang
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật