Từ trước đến nay, vấn đề bảo đảm an toàn cho người lớn trên xe ô tô đã được pháp luật quy định nhưng với trẻ em là đối tượng yếu thế lại chưa được quy định cụ thể trong Luật. Vì vậy, căn cứ vào đó, cơ quan chức năng đã đề xuất những quy định bảo đảm an toàn cho trẻ em, ưu tiên trợ giúp khi xảy ra tai nạn giao thông đối với nhóm yếu thế tương thích với Công ước Viên mà Việt Nam là thành viên và dựa vào những nghiên cứu của các tổ chức xã hội, các cơ quan Y tế trong và ngoài nước đối với sự an toàn cho trẻ em trên xe ô tô và khi tham gia giao thông, cụ thể như:
- Quy định khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ô tô không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế; người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em (khoản 3 Điều 10).
- Quy định bảo đảm công bằng, bình đẳng, an toàn đối với người tham gia giao thông đường bộ; tạo thuận lợi cho trẻ em, phụ nữ mang thai, người già yếu, người khuyết tật trong tham gia giao thông đường bộ; xây dựng văn hóa giao thông; giáo dục, phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ cho trẻ em, học sinh để hình thành, nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân và tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông đường bộ (khoản 4 Điều 4).
- Quy định người lái xe mô tô hai bánh, xe gắn máy chỉ được chở một người; trường hợp người được chở là trẻ em dưới 12 tuổi thì được chở tối đa hai người (điểm c khoản 1 Điều 33).
- Quy định xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 35 của Luật
[1]; có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe; có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ.
Xe ô tô chở trẻ em mầm non hoặc học sinh tiểu học phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định của pháp luật.
Xe ô tô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón trẻ em mầm non, học sinh phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại khoản 3 Điều 10, khoản 1 và khoản 2 Điều 35 của Luật; có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe đáp ứng yêu cầu theo quy định.
Khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh tiểu học phải bố trí tối thiểu 01 người quản lý trên mỗi xe ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trong suốt chuyến đi. Trường hợp xe từ 29 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) mà chở từ 27 trẻ em mầm non và học sinh tiểu học trở lên phải bố trí tối thiểu 02 người quản lý trên mỗi xe ô tô. Người quản lý, người lái xe có trách nhiệm kiểm tra trẻ em mầm non, học sinh tiểu học khi xuống xe; không được để trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trên xe khi người quản lý và người lái xe đã rời xe. Người lái xe ô tô đưa đón trẻ em mầm non, học sinh phải có tối thiểu 02 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách. Xe đưa đón trẻ em mầm non, học sinh được ưu tiên trong tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng xe, đỗ xe tại khu vực trường học và tại các điểm trên lộ trình đưa đón trẻ em mầm non, học sinh.
Cơ sở giáo dục phải xây dựng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh; hướng dẫn cho lái xe và người quản lý trẻ em mầm non, học sinh nắm vững và thực hiện đúng quy trình; chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi tổ chức đưa đón trẻ em mầm non, học sinh của cơ sở giáo dục đó (Điều 46).
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị an toàn cho trẻ em quy định tại khoản 3 Điều 10 của Luật này (khoản 3 Điều 87)./.