Liên kết website

Hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật về quyền con người tại Đắk Nông

20/08/2024

Triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án “Truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023-2028” năm 2024 của Bộ Tư pháp (Kèm theo Quyết định số 153/QĐ-BTP ngày 02/02/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp), sáng ngày 19/8/2024, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật về quyền con người tại thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông.

Hội nghị có sự tham dự gần 130 đại biểu là đại điện lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận tổ quốc, đại diện các tổ chức đoàn thể của 11 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đắk R’Lấp, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, công chức Tư pháp - Hộ tịch và các hòa giải viên ở cơ sở, trưởng thôn/bon, người có uy tín trong cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện Đắk R’Lấp, đại diện Phòng Tư pháp huyện, Phòng Văn bản và phổ biến, giáo dục pháp luật – Sở Tư pháp. Đồng chí Phan Hồng Nguyên – Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị còn có đồng chí Trần Thanh Tài – Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đắk Nông, đồng chí Trần Công Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk R’Lấp.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Phan Hồng Nguyên đã nêu quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác truyền thông về quyền con người, mục đích, yêu cầu theo Quyết định 1079/QĐ-TTg ngày 14/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam. Nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông về quyền con người cho người dân, nâng cao nhận thức pháp luật về quyền con người cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở, Bộ Tư pháp đã lựa chọn giới thiệu nội dung kiến thức pháp luật về Công ước của Liên Hợp Quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (gọi tắt là CEDAW) và các quy định của pháp luật Việt Nam về bình đẳng giới, thực tiễn triển khai công tác bình đẳng giới ở Việt Nam.
Hội nghị đã được nghe bà Nguyễn Thị Thúy, Chuyên gia về giới và quyền của phụ nữ, giới thiệu những nội dung chính của Công ước CEDAW. Công ước CEDAW đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc phê chuẩn ngày 18/12/1979, là một văn kiện quốc tế tổng hợp nhất về quyền con người của phụ nữ. Công ước đã tạo điều kiện quan trọng để phụ nữ có cơ hội bình đẳng và phát triển đầy đủ, tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động chung. Đến nay, theo Ủy ban CEDAW, đã có 189 quốc gia trên thế giới phê chuẩn hoặc ký kết công ước, chiếm hơn 93% thành viên Liên hợp quốc. Tham gia Công ước, các nước phê chuẩn Công ước này được yêu cầu phải đưa bình đẳng giới vào pháp luật quốc gia, bãi bỏ mọi điều quy định phân biệt đối xử trong các luật của mình và ban hành các quy định pháp luật để bảo vệ chống phân biệt đối xử với phụ nữ. Thêm vào đó, các quốc gia bên cạnh việc phải cam kết ban hành pháp luật mà còn phải có những hành động cần thiết để phụ nữ được hưởng sự bình đẳng.
Qua các ví dụ minh họa thường gặp trong đời sống, các video ngắn sinh động, báo cáo viên đã khéo kéo lồng ghép các kiến thức pháp luật của Việt Nam về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, các thành tựu đạt được của Việt Nam trong công tác này bằng các số liệu thực tiễn vào bài giảng giúp đại biểu tham dự dễ dàng tiếp thu nội dung pháp luật, có thể áp dụng vào thực tiễn. Tại Hội nghị,  các hòa giải viên, trưởng thôn/bon đã tích cực trao đổi, thảo luận chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân trong công tác hòa giải ở cơ sở, tuyên truyền pháp luật về bạo lực gia đình, bình đẳng giới ở địa phương.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Phan Hồng Nguyên đánh giá cao sự tham gia đầy đủ, nghiêm túc của các đại biểu tại Hội nghị. Khẳng định việc truyền thông về quyền con người góp phần tích cực trong việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người, đưa pháp luật đi vào đời sống. Đây cũng là sự hiện thực hóa các cam kết đối với các khuôn khổ pháp lý và thể chế quốc tế mà Việt Nam là thành viên./.

 

Đinh Quỳnh Mây
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: