Liên kết website

Kết quả 01 năm triển khai Thông tư số 56/2023/TT-BTC ngày 18/8/2023 của Bộ Tài chính

27/08/2024

Còn gần 20 địa phương chưa ban hành văn bản quy định nội dung chi, mức chi mới để triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở.

Ngày 18/8/2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 56/2023/TT-BTC quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở (sau đây gọi là Thông tư), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/10/2023. Để kịp thời triển khai thực hiện Thông tư, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính – Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để giới thiệu những nội dung cơ bản của Thông tư và giải đáp các ý kiến của đại biểu để thống nhất nhận thức trong quá trình tổ chức thi hành Thông tư. 
Sau 01 năm triển khai thực hiện Thông tư, qua nắm bắt, theo dõi tình hình thực tiễn, có thể nhận thấy Thông tư đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, được các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tổ chức quán triệt, áp dụng các nội dung chi và định mức chi tăng mới, kịp thời phục vụ việc xây dựng dự toán kinh phí triển khai công tác PBGDPL, chuẩn tiếp cận pháp luật, hoà giải cơ sở năm 2024. Bên cạnh đó, các địa phương đã chủ động ban hành văn bản quy định các mức chi cụ thể để thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tiễn và khả năng cân đối của ngân sách địa phương. Tính đến thời điểm hiện tại, qua thống kê, có 45 địa phương đã ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân quy định về mức chi bảo đảm cho công tác PBGDPL, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở (các địa phương chưa ban hành hoặc hiện đang hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết để trình vào kỳ họp Hội đồng nhân dân cuối năm gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu; Bắc Ninh, Bình Dương, Đắk Nông, Gia Lai, Hà Nam, Hưng Yên, Khánh Hòa, Lai Châu, Nam Định, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Trị, Thái Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Long, thành phố Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh).
Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp năm 2023, tổng số kinh phí dành cho công tác PBGDPL là 841.931.769.132 đồng (trong đó kinh phí ngân sách nhà nước phân bổ thường xuyên là 492.782.038.865 đồng; kinh phí ngân sách nhà nước cấp theo chương trình, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật là 269.640.623.288 đồng; kinh phí từ nguồn hỗ trợ khác 79.509.106.979 đồng). Kinh phí hỗ trợ cho tổ hòa giải/hòa giải viên là 58.349.306.449 đồng, trong đó kinh phí chi thù lao là 16.486.659.037 đồng.
Theo số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2024, tổng số kinh phí dành cho công tác PBGDPL là 636.163.808.929 đồng (trong đó kinh phí ngân sách nhà nước phân bổ thường xuyên là 311.421.290.710 đồng; kinh phí ngân sách nhà nước cấp theo chương trình, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật là 288.329.132.939 đồng; kinh phí từ nguồn hỗ trợ khác 36.413.385.280 đồng). Kinh phí hỗ trợ cho tổ hòa giải/hòa giải viên là 30.940.912.224 đồng. Số liệu thống kê cho thấy sau khi Thông tư được ban hành đã góp phần thúc đẩy sự quan tâm của bộ, ngành, địa phương trong việc bố trí kinh phí triển khai các công tác này. Bên cạnh đó, một số lĩnh vực công tác mới (như truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật) đã có cơ sở để bố trí kinh phí phục vụ việc triển khai thực hiện trên thực tế; một số nội dung chi, mức chi mới được bổ sung tại Thông tư (chi biên soạn đồ hoạ thông tin pháp luật, sách nói pháp luật, bài giảng điện tử…) đã được các bộ, ngành, địa phương tích cực áp dụng thực hiện, góp phần làm phong phú, đa dạng các tài liệu PBGDPL, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL, chuẩn tiếp cận pháp luật, hoà giải ở cơ sở trên thực tế, nhất là đối với nhiệm vụ còn rất mới như truyền thông dự thảo chính sách.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn gần 20 địa phương chưa ban hành văn bản quy định nội dung chi, mức chi theo hướng dẫn tại Thông tư mới, áp dụng mức chi cũ thấp và lạc hậu, không phù hợp với tình hình thực tế, một số nội dung nhiệm vụ chi mới không có cơ sở để thực hiện, có thể gây tác động tiêu cực trong một bộ phận đội ngũ người làm công tác PBGDPL, chuẩn tiếp cận pháp luật, hoà giải ở cơ sở tại địa phương do chưa được động viên, hưởng chế độ thù lao thoả đáng, đồng thời ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả việc triển khai các nhiệm vụ chuyên môn. Chính vì vậy, trong thời gian tới, nhất là khi Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chính sách tiền lương áp dụng từ ngày 01/7/2024, các địa phương cần quan tâm hơn đến việc tổ chức thực hiện Thông tư, nhất là tại các địa phương chưa ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để áp dụng.
Thùy Nhung
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: