Có thể khẳng định, với bản chất nhân văn sâu sắc, hòa giải ở cơ sở có lịch sử hình thành sớm và là truyền thống văn hóa của Nhân dân ta. Trong đó, tinh thần đoàn kết cũng như lối sống trọng tình, trọng nghĩa là mảnh đất cho hòa giải ở cơ sở hình thành và phát triển bền vững. Theo quy định của Luật Hoà giải ở cơ sở năm 2013, hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện. Hoà giải ở cơ sở cũng là một trong các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012. Hòa giải ở cơ sở giúp giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết cộng đồng, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm ở cơ sở, góp phần ổn định trật tự xã hội ở địa bàn dân cư, giảm bớt tình trạng gửi đơn thư, khiếu kiện lên Tòa án nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước, góp phần tiết kiệm thời gian và chi phí của cơ quan nhà nước và người dân. Xuất phát từ mục đích, ý nghĩa, vị trí, vai trò quan trọng của công tác hoà giải ở cơ sở đối với đời sống xã hội, Nghị định số 117/2024/NĐ-CP đã bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật về hòa giải ở cơ sở. Theo đó, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi: (i) Cản trở hoạt động hòa giải ở cơ sở đối với tổ hòa giải, hòa giải viên; (ii) Cản trở các bên giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn bằng hòa giải ở cơ sở.
Việc quy định xử phạt pháp luật hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về hoạt động hoà giải ở cơ sở nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động hoà giải ở cơ sở, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác này. Nghị định số 117/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2024./.
Lê Nguyên Thảo
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật