Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01/1999/NQLT/TP-VHTT-NNPTNT-DTMN-ND
Dự Hội nghị có 150 đại biểu là Lãnh đạo và đại diện các đơn vị chức năng của Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; đại diện một số Bộ, Ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương; đại diện Lãnh đạo Sở Tư pháp, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Dân tộc và Hội Nông dân của 26 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực miền Bắc; các tập thể khu vực miền Bắc có thành tích xuất sắc qua 10 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01 được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; phóng viên một số cơ quan báo chí ở Trung ương và Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Thúy Hiền - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, đồng chí Bùi Bá Bổng - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đồng chí Nguyễn Duy Lượng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và cơ bản thống nhất với những kết quả chủ yếu đạt được trong công tác này như Báo cáo trình bày tại Hội nghị. Hội nghị nhất trí đánh giá Nghị quyết liên tịch số 01 ra đời là bước cụ thể hóa chính sách quan tâm đến nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng và Nhà nước ta. Kết quả bước đầu qua 10 năm thực hiện chứng tỏ sự ra đời kịp thời, đúng lúc của Nghị quyết liên tịch, đáp ứng yêu cầu của thực tế, được các địa phương hoan nghênh; đã và đang là cơ sở để các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác PBGDPL cho các đối tượng, hướng công tác PBGDPL về cơ sở. Nghị quyết liên tịch số 01 đã được các địa phương triển khai thực hiện có nền nếp, thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm hơn trước; huy động được sự phối kết hợp của nhiều cấp, nhiều ngành, đặc biệt là ngành Tư pháp, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Dân tộc và Hội Nông dân. Lãnh đạo các cấp, các ngành đã ngày càng quan tâm đến việc nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số. Trên cơ sở Nghị quyết liên tịch số 01, các địa phương đã xây dựng Kế hoạch liên tịch và tổ chức triển khai thực hiện. Đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL từng bước được xây dựng, củng cố. Nội dung PBGDPL được lựa chọn phù hợp hơn với đối tượng, nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội ở địa phương và nhiệm vụ của 5 ngành. Các ngành đã sử dụng các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp, kết hợp giữa PBGDPL với tuyên truyền, phổ biến và thực hiện các chủ trương, phong trào vận động quần chúng nên đã thu hút được đông đảo nông dân và đồng bào dân tộc tham gia.
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01, nhiều tỉnh, thành phố đã xuất hiện những cách làm hay, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương như: Tuyên truyền thông qua lễ hội, phiên chợ vùng cao (Hà Giang); phát hành Phụ trương Pháp luật trong Báo của Đảng bộ thành phố, thi sáng tác thơ tuyên truyền pháp luật, triển khai Đề án “Đem luật về làng” (thành phố Hải Phòng); tập huấn kiến thức pháp luật cho các vị chức sắc trong chùa Khơme (Trà Vinh); xây dựng Chương trình “Ai đúng, ai sai” trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh (Vĩnh Long); tuyên truyền pháp luật qua hình thức xe hoa, xe loa để thu hút nhân dân tham gia (Bình Phước); tuyên truyền luật thông qua các hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống, các lễ hội như: cúng đình, cúng chùa (An Giang); phổ biến pháp luật qua phong trào thanh niên tình nguyện (TP Hà Nội, Hưng Yên, TP Hồ Chí Minh, Hậu Giang); mô hình khuyến nông, khuyến lâm lồng ghép phổ biến pháp luật về nông nghiệp, nông thông, bảo vệ rừng (Lâm Đồng); xây dựng “điểm sáng” chấp hành pháp luật theo tiêu chí “bốn không” (Gia Lai)…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về kết quả qua 10 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01; những hạn chế, tồn tại của công tác này và nguyên nhân; một số bài học kinh nghiệm và định hướng chủ yếu của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số từ năm 2010 đến năm 2015, cũng như những đề xuất, kiến nghị để nâng cao hiệu quả của công tác này. Thay mặt Đoàn chủ tịch Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền đã phát biểu kết luận Hội nghị khu vực miền Bắc, trong đó xác định phương hướng triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số từ năm 2010 đến năm 2015 như sau:
1. Xây dựng và hoàn thiện thể chế về phổ biến, giáo dục pháp luật. Trình Quốc hội thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; đề xuất xây dựng Luật Hòa giải để tạo cơ sở pháp lý cao cho công tác PBGPD; tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác này.
2. Nghiên cứu, xây dựng văn bản liên tịch mới giữa Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam với các nội dung, phương thức phối hợp mới. Tiếp tục kiện toàn về tổ chức và hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL các cấp từ Trung ương đến địa phương.
3. Tiếp tục đẩy mạnh công tác PBGDPL, đưa pháp luật đến với nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa một cách thường xuyên với phương châm "Hướng về cơ sở" bằng nhiều hình thức, biện pháp đa dạng, phù hợp với đối tượng, chú trọng lồng ghép vào việc thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao dân trí; các phong trào quần chúng ở trung ương và địa phương. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp, thiết thực đến cuộc sống hàng ngày của người dân và đồng bào dân tộc thiểu số.
4. Tăng cường công tác chỉ đạo theo ngành dọc ở các Bộ, Ngành, đồng thời, các Bộ, Ngành tiếp tục chọn điểm chỉ đạo và tiến hành nhân rộng các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở; cơ quan, đơn vị.
5. Tiếp tục củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL, trong đó chú trọng nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ chuyên trách PBGDPL, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên, tăng cường đội ngũ cán bộ biết tiếng dân tộc thiểu số và hiểu phong tục, tập quán của địa phương.
6. Các cơ quan ký Nghị quyết liên tịch định kỳ phối hợp kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết ở các cấp, nhất là cấp cơ sở; tổ chức giao ban liên ngành 6 tháng hoặc hàng năm. Hàng năm, từng ngành khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PBGDPL thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01 theo ngành dọc. Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các cơ quan ký Nghị quyết liên tịch tiến hành sơ kết, khen thưởng về công tác này trong từng giai đoạn.
7. Lãnh đạo các cấp, các Bộ, Ngành cần quan tâm tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác này; có chế độ hợp lý đối với lực lượng trực tiếp làm công tác PBGDPL. Các ngành ký Kế hoạch liên tịch ở địa phương cần báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt kinh phí triển khai Kế hoạch liên tịch.
Phan Hồng Nguyên