Thưa ông, từ đâu Bộ Tư pháp có ý tưởng tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật cho học sinh THPT? Xin ông cho biết mục đích, đối tượng và phương thức thi ?
Ý tưởng tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật cho học sinh THPT năm 2017 (sau đây gọi tắt là Cuộc thi) xuất phát từ 04 lý do: Một là, Kế thừa những thành tựu, kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế trong triển khai Cuộc thi năm 2016 đã được tổ chức thí điểm tại 03 địa phương (thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và tỉnh Đồng Tháp); Hai là, tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL gắn với triển khai chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội tham gia, tạo phong trào và hiệu ứng xã hội tích cực để phát huy tinh thần tự giác, chủ động, tích cực học tập, tìm hiểu pháp luật trong học sinh và giáo viên; Ba là, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL trong nhà trường, nhất là trong bối cảnh môn giáo dục công dân được chọn là một trong những môn thi tốt nghiệp THPT trong khi thiếu nguồn tài liệu tham khảo; Bốn là, góp phần khắc phục hiện tượng vi phạm pháp luật trong giáo viên, học sinh và những người quản lý giáo dục do thiếu hiểu biết pháp luật.
Cuộc thi hướng tới 02 mục đích chính: Một là, đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức PBGDPL trong nhà trường; bổ sung nguồn tài liệu tham khảo, hỗ trợ việc dạy và học pháp luật trong nhà trường; Hai là, tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh; cung cấp kiến thức pháp luật cơ bản, bồi dưỡng kỹ năng xử lý tình huống pháp lý, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật; nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật; giảm thiểu hành vi vi phạm pháp luật và các hành vi lệch chuẩn xã hội trong độ tuổi vị thành niên.
Đối tượng dự thi là học sinh tại các trường THPT trên địa bàn 19 tỉnh, thành phố có đăng ký tham gia tổ chức cuộc thi với Ban Tổ chức cuộc thi trung ương (bao gồm: Bắc Ninh, Bình Dương, Bình Định, Cà Mau, Cần Thơ, Điện Biên, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Sóc Trăng, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Tây Ninh, Vĩnh Phúc).
Cuộc thi được tổ chức bằng hình thức thi trực tuyến; thiết bị sử dụng là máy vi tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh có kết nối internet. Thí sinh tham gia thi trực tuyến trên website: http://luatgiatuonglai.vn hoặc http://hoccungthukhoa.vn. Mỗi thí sinh chỉ được đăng ký 01 tài khoản dự thi bằng Tiếng Việt có dấu đảm bảo thông tin chính xác theo Giấy khai sinh (hoặc Chứng minh thư nhân dân). Thí sinh có trách nhiệm phải điền các thông tin bắt buộc theo quy định để được tham gia dự thi.
-Trước đây đã có những cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến được tổ chức (năm 2016 Bộ Tư pháp – Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật dành cho học sinh THPT), ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của các cuộc thi này; điểm khác biệt của cuộc thi năm nay với các cuộc thi trước?
Nhìn chung, thời gian qua, các Cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến đã được tổ chức bài bản, nghiêm túc, sát thực, cơ bản phù hợp với đặc điểm, sự phát triển về tâm sinh lý lứa tuổi và sở thích của các em cũng như nội dung giáo dục pháp luật trong nhà trường, cả giáo dục chính khóa và hoạt động ngoại khóa. Đặc biệt, cuộc thi năm 2016 đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, tuy mới được thí điểm tại 03 địa phương nhưng đã thu hút trên 35 ngàn học sinh tham gia, chưa kể sự quan tâm, tham gia của đông đảo thầy cô giáo, nhà quản lý giáo dục và cha mẹ học sinh, tạo sức lan tỏa xã hội rộng lớn. Qua các cuộc thi vừa giúp nâng cao nhận thức, kiến thức hiểu biết pháp luật. Các Cuộc thi còn giúp giáo viên, học sinh có được nguồn tài liệu tham khảo bổ ích.
Cuộc thi cũng là sân chơi bổ ích để các em từng bước hình thành ý thức trách nhiệm công dân, xây dựng thói quen, lối sống lao động, học tập và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, biết tôn trọng trật tự chung và quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác, không chỉ biết bảo vệ lợi ích của Nhà nước của xã hội mà còn biết tự bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm hại hoặc đe dọa xâm hại.
Điểm khác biệt của Cuộc thi năm nay so với các cuộc thi trước thể hiện ở sáu điểm mới chủ yếu sau đây: Một là, phạm vi địa bàn tổ chức cuộc thi được mở rộng hơn bao gồm 19 tỉnh (năm 2016 làm thí điểm tại 03 tỉnh, thành phố); Hai là, Cuộc thi được tổ chức dưới danh nghĩa của Bộ Tư pháp (năm 2016 cuộc thi được tổ chức dưới danh nghĩa của Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo); Ba là, nội dung thi gọn và tập trung hơn, bám sát các nội dung dạy và học pháp luật trong nhà trường, giảm thiểu các câu hỏi chưa thiết thực, chưa phù hợp với lứa tuổi học sinh; gia tăng các câu hỏi xử lý tình huống, gắn với các vụ việc cụ thể; Bốn là, cơ cấu và giá trị giải thưởng cuộc thi cấp tỉnh thu hẹp hơn gồm 08 giải; số lượng và cơ cấu giải thưởng cụ thể do Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh quyết định dựa trên kết quả, thành tích dự thi mà các em học sinh đạt được (năm 2016, giải thưởng cấp tỉnh gồm 25 giải, giá trị giải thưởng được quy định cụ thể và do Ban Tổ chức Cuộc thi trung ương trao); Năm là, thời gian thi cấp trường dài hơn, gồm 06 tuần thi liên tiếp (năm 2016 gồm 04 tuần thi liên tiếp) và khung giờ thí sinh có thể tham gia dài hơn, từ 8h ngày thứ hai đến 17 h ngày chủ nhật của mỗi tuần (năm 2016, khoảng thời gian là từ 9h ngày thứ hai đến 17h ngày chủ nhật); Sáu là, thí sinh đạt giải cuộc thi cấp trường sẽ được Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận (năm 2016 do Sở Tư pháp và Sở Giáo dục và Đào tạo cấp).
-Công tác chuẩn bị cho cuộc thi hiện nay ra sao? Trong quá trình triển khai cuộc thi có vấn đề gì cần lưu ý, thưa ông?
Nhìn chung công tác chuẩn bị tổ chức cuộc thi năm nay được thực hiện khá nghiêm túc, với tinh thần khẩn trương và chu đáo. Trên cơ sở đăng ký tham gia của 22 địa phương, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 3117/KH-BTP ngày 30/8/2017 về tổ chức Cuộc thi; có Công văn đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công ty cổ phần tập đoàn giáo dục (Egroup) phối hợp, cử người tham gia Ban Tổ chức, Tổ Thư ký và ký Quyết định thành lập Ban Tổ chức, Tổ Thư ký giúp việc Ban Tổ chức Cuộc thi do 01 Thứ trưởng Bộ Tư pháp làm Trưởng ban, thành viên là đại diện các đơn vị chức năng của Bộ Tư pháp và Egroup. Bộ Tư pháp cũng đã có Công văn hướng dẫn tổ chức cuộc thi đối với các địa phương. Ban Tổ chức cuộc thi đã ban hành Thể lệ; chỉ đạo hoàn thiện Bộ câu hỏi, đáp án, thành lập Hội đồng thẩm định để thẩm định đối với Bộ câu hỏi, đáp án trước khi phát hành chính thức. Công ty Egroup đã tiến hành xây dựng, quản trị, vận hành hệ thống dữ liệu, phần mềm thi trực tuyến, Website, trang fanpage về cuộc thi; tổ chức tập huấn, xây dựng phóng sự về Cuộc thi để phát hành rộng rãi trên Trang thông tin về cuộc thi. Đặc biệt, ngày 21/9/2017, dưới sự chứng kiến của gần 500 học sinh và đại diện các nhà trường THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội, Bộ Tư pháp đã phối hợp với thành phố Hà Nội và Egroup tổ chức Lễ phát động, hưởng ứng Cuộc thi trong phạm vi cả nước và tại thành phố Hà Nội dưới sự chứng kiến của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, các địa phương cũng đã khẩn trương thực hiện các công việc, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm để tổ chức thành công cuộc thi, nhất là kinh phí bảo đảm trao giải thưởng cho các thí sinh đạt giải thưởng cấp trường và cấp tỉnh, thành phố.
Trong quá trình tổ chức Cuộc thi, theo tôi cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
Một là, các địa phương chưa ban hành Kế hoạch, chưa thành lập Ban Tổ chức và Tổ giúp việc cần sớm ban hành và khẩn trương tổ chức Lễ phát động, hưởng ứng Cuộc thi tại địa phương; sớm có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường đăng ký tham gia; động viên, khích lệ gia đình tạo điều kiện, hỗ trợ học sinh tham gia cuộc thi để đạt kết quả cao nhất; chuẩn bị các điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật thật tốt đáp ứng yêu cầu tham gia Cuộc thi.
Hai là, Ban Tổ chức Cuộc thi cần tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông, giới thiệu về Cuộc thi để khuyến khích, huy động các nhà trường, các em học sinh nhận thức rõ về mục đích, ý nghĩa của cuộc thi, từ đó tích cực hưởng ứng và tham gia đông đảo để Cuộc thi thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý sâu rộng, một hoạt động xã hội rộng lớn ngay từ những ngày đầu năm học để tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật (09/11) và Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).
Ba là, Ban Tổ chức các địa phương cần xác định rõ cơ cấu, mức giải thưởng của cấp trường, cấp tỉnh, nhất là giá trị giải thưởng để khuyến khích, động viên các nhà trường, các em học sinh có nhiều thành tích và đạt giải cao trong Cuộc thi.
Bốn là, trong quá trình triển khai Cuộc thi, Ban Tổ chức Cuộc thi các địa phương cần thường xuyên đôn đốc; có chỉ đạo, hướng dẫn và đề ra các giải pháp cụ thể. Năm là, tăng cường quan hệ phối hợp giữa Ban Tổ chức Cuộc thi Trung ương và Ban Tổ chức Cuộc thi tại các địa phương, kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập, vấn đề mới phát sinh trong quá trình tổ chức Cuộc thi tại địa phương và phản ánh về Ban Tổ chức Cuộc thi Trung ương để có giải pháp tháo gỡ, xử lý nhằm hạn chế thấp nhất các sai sót, bất cập trong quá trình tổ chức Cuộc thi.
PV Thu Hằng