Tham gia Đoàn kiểm tra có đại diện các Bộ, ngành: Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Đài Tiếng nói Việt Nam. Tham dự, làm việc với Đoàn kiểm tra có đồng chí Kim Ngọc Thái - Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh; đồng chí Đặng Thị Phương - Phó chủ tịch HĐND tỉnh Trà Vinh cùng các thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh.
Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Tư pháp trình bày báo cáo trước Đoàn kiểm tra về kết quả công tác PBGDPL năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh đã ban hành Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2017, đồng thời tổ chức phổ biến các văn bản pháp luật mới được ban hành đến cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với các đối tượng được tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Trong năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã tổ chức được hơn 27 nghìn cuộc phổ biến pháp luật cho hơn 01 triệu lượt người, trong đó có gần 300 nghìn lượt người là đồng bào dân tộc Khmer tham dự; Sở Tư pháp đã phát hành 175.000 tờ gấp pháp luật gửi các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh, 3.600 Tờ tin Tư pháp Trà Vinh gửi về cơ sở, các ngành của tỉnh, huyện, xã và các cơ quan, doanh nghiệp, trường học; phát hành 5.500 quyển tài liệu hỏi - đáp pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; biên soạn, in ấn và phát hành 2.000 cuốn Sổ tay ngành Tư pháp chúng sức, góp phần xây dựng nông thôn mới; các sở, ngành tỉnh phát hành 118.530 tài liệu PBGDPL (tờ bướm, tờ rơi, tờ gấp) trong đó 1.300 tờ gấp tiếng dân tộc Khmer. Hệ thống truyền thanh, truyền hình từ tỉnh đến cơ sở thực hiện được 16.250 lần phát sóng để phổ biến 17.245 tin, bài tuyên truyền pháp luật cho nhân dân địa phương. Công tác PBGDPL của tỉnh Trà Vinh còn được thực hiện thông qua việc khai thác Tủ sách pháp luật; tổ chức các phiên tòa giả định…. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương đều xây dựng được tủ sách pháp luật (hơn 800 tủ) kịp thời trang bị, bổ sung đầu sách các loại để phục vụ cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân. Số lượng đầu sách trung bình ở cấp xã khoảng 153/tủ, ở cơ quan, đơn vị khoảng 250/tủ. Hiện nay, tỉnh Trà Vinh đã có nhiều cách làm hay, có hiệu quả trong công tác PBGDPL như: hình thức “Tổ chức phiên tòa giả định”, xét xử lưu động của tòa án, cuộc thi tìm hiểu pháp luật, lồng ghép tổ chức PBGDPL, trợ giúp pháp lý trong Chùa Khmer, cơ sở thờ tự …, trong đó, lồng ghép tổ chức PBGDPL, trợ giúp pháp lý trong Chùa Khmer, cơ sở thờ tự cũng như tổ chức phổ biến, tuyên truyền pháp luật bằng hình thức “Tổ chức phiên tòa giả định” mới được thử nghiệm tại xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần nhưng đã thu hút trên 60 lượt người tham dự, đây là một trong những mô hình mới, có hiệu quả cần được nhân rộng. Về công tác hòa giải ở cơ sở, hiện toàn tỉnh có 816 tổ hòa giải, với 6.502 hòa giải viên, thụ lý và tiến hành hòa giải 1.680 vụ việc, hòa giải thành 984 vụ việc (đạt tỷ lệ 72%).
Đồng chí Đặng Thị Phương - Phó chủ tịch HĐND tỉnh Trà Vinh cho biết: Tỉnh rất quan tâm đến công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, đặc biệt Tỉnh ủy đã ban hành 02 Chỉ thị: Số 08-CT/TU ngày 31/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh “về tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và Nhân dân”; Số 12-CT/TU ngày 23/6/2016 “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác hòa giải ở cơ sở” có tác động sâu sắc đến ý thức, trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn đối với các công tác này. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở; các cấp đều có kinh phí cho hoạt động PBGDPL. Ban pháp chế của Hội đồng nhân dân đã tổ chức giám sát công tác hòa giải ở cơ sở tại 02 huyện, mỗi huyện từ 01-02 xã, qua đó cho thấy công tác hòa giải ở cơ sở được triển khai thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, thành viên các tổ hòa giải thay đổi thường xuyên; tài liệu, cẩm nang hạn chế, bất cấp; kinh phí bồi dưỡng còn thấp cho nên chưa thực sự tạo động lực đối với đội ngũ hòa giải viên thực hiện các vụ việc hòa giải theo quy định của pháp luật; người Khmer hiểu pháp luật thông qua ngôn ngữ đời thường của họ hơn là phổ biến pháp luật thông qua ngôn ngữ báo chí, vì vậy để PBGDPL cho người Khmer có hiệu quả, cần thực hiện phổ biến pháp luật thông qua người có uy tín, các cơ sở tôn giáo như: chùa, nhà thờ tự, các vị sư hiểu biết pháp luật... Bên cạnh đó, đại biểu HĐND mặc dù không phải là thành viên Hội đồng PBGDPL nhưng qua mỗi lần tiếp xúc cử tri, các đại biểu đều phổ biến pháp luật, giải thích cho người dân hiểu các quy định của pháp luật hiện hành.
Đồng chí Kim Ngọc Thái - Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh: Việc phối hợp trong công tác PBGDPL là hết sức quan trọng, các sở, ngành tỉnh mặc dù kiêm nhiệm nhưng đã thực hiện tốt công tác này. Nơi nào, Đảng ủy, HĐND, UBND quan tâm, thì nơi đó có kết quả tốt. Về mô hình PBGDPL, thực hiện thông qua xét xử lưu động, Câu lạc bộ tái hòa nhập cộng đồng (hiện nay, toàn tỉnh có hơn 4000 trường hợp), hoặc thông qua người có uy tín, mặc dù không có kinh phí hỗ trợ nhưng họ đã thực hiện rất tốt hoạt động PBGDPL cho người dân; công tác hòa giải ở cơ sở, mặc dù kinh phí dành cho công tác này ít, nhưng đội ngũ hòa giải viên đã thực hiện rất tốt các vụ việc hòa giải theo yêu cầu….
Sau khi nghe báo cáo, các thành viên Hội đồng PBGDPL của tỉnh phát biểu chia sẻ những kinh nghiệm, mô hình PBGDPL có hiệu quả tại cơ quan, đơn vị, đồng thời nêu những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong công tác PBGDPL. Các thành viên Đoàn kiểm tra Trung ương cũng đã có những trao đổi, làm rõ thêm những nội dung báo cáo đã nêu, chia sẻ một số kinh nghiệm PBGDPL hiệu quả mà Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí đồng chí Phan Chí Hiếu - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương đánh giá cao những kết quả công tác PBGDPL trong năm 2016 và 09 tháng đầu năm 2017 của tỉnh Trà Vinh. Đồng thời, đề nghị tỉnh tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL nhằm nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL góp phần đưa kiến thức pháp luật đến cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Thay mặt Đoàn kiểm tra, đồng chí ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của tỉnh trong công tác PBGDPL, báo cáo Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương có giải pháp tháo gỡ.
Thay mặt UBND tỉnh Trà Vinh, đồng chí Kim Ngọc Thái - Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn sự quan tâm của Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương đối với công tác PBGDPL của tỉnh Trà Vinh, nghiêm túc tiếp thu những ý kiến, giải pháp kinh nghiệm Đoàn kiểm tra đã trao đổi. Đồng thời, đề nghị Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương tiếp tục quan tâm, giúp đỡ tỉnh Trà Vinh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trên địa tỉnh.
Trước đó, buổi sáng cùng ngày, Đoàn kiểm tra của Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương do đồng chí Phan Chí Hiếu làm Trưởng đoàn đã đến làm việc với Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh về công tác PBGDPL năm 2016 và 09 tháng đầu năm 2017. Đồng chí Kim Ngọc Thái - Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Lãnh đạo Sở Tư pháp; đồng chí Lê Thành Ôi, Chủ tịch UBND huyện cùng các thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện Càng Long và đại diện Lãnh đạo một số xã trên địa bàn huyện tham dự.
Theo báo cáo của UBND huyện Càng Long, thời gian qua, thực hiện các kế hoạch và văn bản hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh về công tác PBGDPL, UBND huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện và các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác PBGDPL trên địa bàn, đồng thời hướng dẫn về chuyên môn cho các xã, thị trấn tổ chức thực hiện công tác PBGDPL phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện được quan tâm kiện toàn với 28 thành viên, đội ngũ Báo cáo viên pháp luật, Tuyên truyền viên pháp luật được củng cố, toàn huyện hiện có 39 Báo cáo viên pháp luật, 167 Tuyên truyền viên pháp luật. Trong năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017, toàn huyện đã tổ chức hơn 01 nghìn cuộc phổ biến pháp luật cho hơn 150 nghìn lượt người tham dự, lắp đặt 25 bản pano tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, in ấn 300 cuốn tài liệu hỏi đáp pháp luật cấp cho các ban, ngành, đoàn thể huyện, Tuyên truyền viên pháp luật và trưởng ban nhân dân ấp, khóm. Các ngành huyện in, ấn cấp trên 15.500 tờ bướm pháp luật…; hoạt động tuyên truyền pháp luật qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng được chú trọng: Đài Truyền thanh huyện tuyên tuyền trên đài được 182 lượt, xây dựng 313 chương trình thời sự địa phương, 12 chương trình trang tin địa phương, 06 chương trình tiếng nói từ cơ sở tuyên truyền trên hệ thống loa cấp huyện; riêng 09 tháng đầu năm 2017, xây dựng 153 chương trình thời sự địa phương, 06 chương trình trang tin địa phương, 03 chương trình tiếng nói từ cơ sở, truyên truyền trên hệ thống loa cấp huyện; trạm truyền thanh các xã, thị trấn, tổ thông tin ấp, khóm cũng đã phát sóng đề cương tuyên tuyền hỏi đáp pháp Luật 02 buổi sáng, chiều với thời lượng 15-20 phút/buổi…, tủ sách pháp luật ở huyện và các xã, thị trấn tiếp tục được duy trì; các hình thức PBGDPL qua các hội thi tìm hiểu pháp luật, sân khấu hóa đã thu hút đông đảo người dân tham gia, đặc biệt huyện đã tổ chức thành công 07 hội thi, như: “Hòa giải viên giỏi” năm 2016, “Tuyên truyền viên pháp luật giỏi” năm 2016, “Kiến thức pháp luật” do Bảo Hiểm xã hội phối hợp với Liên Đoàn lao động tổ chức, “Tìm hiểu Luật Giao thông”, “Tuổi trẻ với pháp luật”, huyện tham gia Hội thi “Hòa giải viên giỏi” năm 2016 do tỉnh tổ chức đã đạt giải nhất toàn đoàn; hoạt động PBGDPL cũng được thực hiện có hiệu quả thông qua sinh hoạt các câu lạc bộ như: “Gia đình hạnh phúc”, “5 không, 3 sạch”, “An toàn giao thông”, “Phụ nữ với pháp luật”, “Cảm hóa đối tượng” ….; công tác hòa giải ở cơ sở của huyện được đại diện Lãnh đạo Sở Tư pháp đánh giá triển khai rất tốt, có tỷ lệ hòa giải thành thường xuyên đạt tỷ lệ cao nhất so với các huyện, thị trong tỉnh (hiện, toàn huyện có 135 tổ hòa giải, với 1.059 tổ hòa giải viên ở cơ sở, trong năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017, thực hiện hòa giải thành 279/347 vụ, đạt 80,4%) góp phần giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ trong dân cư, hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp, giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết trong khu dân cư …
Chia sẻ những kinh nghiệm, mô hình hay tại các cơ quan, đơn vị, đồng thời nêu những khó khăn, vướng mắc trong công tác PBGDPL của huyện, Đoàn kiểm tra đã có những trao đổi làm rõ thêm những nội dung báo cáo đã nêu, chia sẻ một số kinh nghiệm PBGDPL hiệu quả mà một số bộ, ngành, địa phương đã thực hiện. Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đánh giá cao kết quả mà huyện đã đạt được và đề nghị huyện khắc phục những khó khăn, tồn tại, hạn chế, đồng thời tiếp tục chủ động, sáng tạo, đổi mới về nội dung, hình thức để đưa kiến thức pháp luật đến tất cả các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện, góp phần phát triển kinh tế, xã hội bền vững của tỉnh nói chung và huyện Càng Long nói riêng.
Minh Tùy