Phấn đấu 100% các cơ quan triển khai PBGDPL trên mạng
Báo cáo về sự cần thiết và quá trình xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2017 - 2021, Vụ trưởng Vụ PBGDPL Đỗ Xuân Lân cho biết Đề án được xây dựng với kỳ vọng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, biện pháp thực hiện PBGDPL phù hợp với thực tế địa bàn và nhu cầu của xã hội; khai thác triệt để thế mạnh của công nghệ thông tin, bảo đảm cung cấp thông tin pháp luật kịp thời, nhanh chóng, thường xuyên, liên tục và trên diện rộng…
Để thực hiện quan điểm trên, Dự thảo Đề án đưa ra nhiều mục tiêu phấn đấu cụ thể. Chẳng hạn, đến hết năm 2018 sẽ xây dựng, vận hành, khai thác, sử dụng có hiệu quả Cổng thông tin điện tử PBGDPL trên cơ sở nâng cấp Trang thông tin điện tử PBGDPL để tích hợp, kết nối, cập nhật, chia sẻ rộng rãi thông tin về PBGDPL. Đến năm 2019, phấn đấu 100% Bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị đều triển khai PBGDPL trên Cổng/Trang thông tin điện tử; thường xuyên cập nhật thông tin pháp luật, hướng dẫn, chỉ đạo công tác PBGDPL chuyên ngành; chia sẻ tài liệu trên môi trường mạng; xây dựng, vận hành chuyên trang, chuyên mục đối thoại chính sách pháp luật chuyên ngành, giải đáp, tư vấn pháp luật trực tuyến...
Về Dự thảo Thông tư quy định Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL Ngô Quỳnh Hoa báo cáo: Bộ tiêu chí này được xây dựng trên cơ sở không thể tách rời khỏi các bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả của quản lý nhà nước hiện nay. Bộ tiêu chí chia làm 03 nhóm tiêu chí, bao gồm nhóm tiêu chí chung, nhóm tiêu chí về hiệu quả công tác PBGDPL áp dụng riêng đối với từng nhóm chủ thể khác nhau và nhóm tiêu chí về hiệu quả tác động của công tác PBGDPL.
Riêng tiêu chí đánh giá đối với UBND cấp xã, để tránh chồng chéo và giảm bớt gánh nặng, áp lực lên chính quyền cấp xã, Dự thảo Thông tư dẫn chiếu việc đánh giá, xếp loại sẽ căn cứ vào kết quả đánh giá tiêu chí PBGDPL được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 619/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Dự thảo cũng quy định việc đánh giá nhóm các tiêu chí chung và tiêu chí riêng sẽ được đánh giá định kỳ hàng năm, còn nhóm tiêu chí 3 được thực hiện định kỳ 03 năm một lần…
Nên nâng cấp để có cổng chung về PBGDPL
Góp ý cho Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến cho rằng, để đảm bảo hiệu quả của tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phải có lộ trình, nhiệm vụ thực hiện rõ ràng. Vụ trưởng Vụ Thi đua – Khen thưởng Nguyễn Thị Tố Nga đề xuất nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của hoạt động PBGDPL…
Liên quan đến Dự thảo Thông tư, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương nhận xét, việc xếp loại chất lượng chỉ bao gồm hai cấp độ đạt hoặc không đạt căn cứ vào tổng số điểm đạt được là chưa đầy đủ, cần chia nhiều mức để phân loại được rõ hơn. Theo Chánh Văn phòng Bộ Đỗ Đức Hiển, một khi xây dựng được thang điểm thì cộng điểm, công bố điểm, chứ không xếp hạng và Bộ tiêu chí chỉ nên khái quát những điểm rất lớn, còn cụ thể vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
ừ thực tiễn công tác nhiều năm qua, nguyên Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đánh giá cao tính cần thiết của Bộ tiêu chí bởi khi đó việc đánh giá sẽ khoa học, khách quan, công bằng, minh bạch. Tuy nhiên, ông Tụng cho rằng, việc đánh giá tác động của pháp luật có thể bổ sung thêm một số giải pháp như lấy ý kiến người dân, điều tra xã hội học…
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu yêu cầu việc xây dựng Dự thảo Quyết định cần tập trung mạnh vào ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó, nên nghiên cứu nâng cấp trang tin điện tử PBGDPL hiện nay thành cổng chung, thống nhất trong toàn quốc nhưng không triệt tiêu các trang thông tin của các bộ, ngành, địa phương. Thông tin đăng tải trên cổng chung này không ở dạng thô mà phải được xử lý, ai vào truy cập cũng tìm được thông tin phù hợp… “Có như vậy, công tác PBGDPL mới đáp ứng tiêu chí mọi lúc, mọi nơi, thường xuyên, liên tục” – Thứ trưởng Hiếu nhấn mạnh.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Thành Long yêu cầu: Rà soát lại quyết định số 705/QĐ-TTg, đối với Đề án UDCNTT cần có căn cứ cụ thể, trực tiếp; phải làm rõ sự cần thiết và lượng hóa được thực trạng UDCNTT; quan điểm chỉ đạo phải điều chỉnh lại ngắn gọn, trực tiếp và gắn với thực tiễn; xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện... Đối với Dự thảo Thông tư, Bộ trưởng đề nghị các quy định phải rõ ràng, cụ thể để khi ban hành các bộ, ngành, địa phương áp dụng được ngay. Bộ trưởng còn lưu ý, thời gian thực hiện đánh giá nên thống nhất một định kỳ nhất định và việc đánh giá cân nhắc chỉ làm ở cấp tỉnh.
H.Thư