Tại Hội thảo, đồng chí Lê Cảnh Nhạc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình nêu thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có chiều hướng tăng cao, đặc biệt là năm 2015. Với tốc độ ngày càng tăng ở 56 tỉnh, thành phố, ngành dân số đặt mục tiêu đến năm 2030 đưa tỉ số giới tính khi sinh của trẻ em trai trên trẻ em gái từ 112/100 xuống còn 109/100 mà một trong những giải pháp là lồng ghép cân bằng giới tính khi sinh trong hương ước, quy ước ở thôn, tổ dân phố.
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, đồng chí Phan Hồng Nguyên – Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đánh giá: qua tổng kết cho thấy hầu hết hương ước, quy ước được công nhận đã lồng ghép nội dung dân số, kế hoạch hóa gia đình và bình đẳng giới như: Quy định mỗi cặp vợ, chồng chỉ sinh 01 đến 02 con, khoảng cách giữa các lần sinh nên từ 3 đến 5 năm; khuyến khích các cặp vợ, chồng chủ động, tự nguyện sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp; không lựa chọn giới tính thai nhi; quy định về việc chăm sóc sức khỏe của người mẹ trong thời kỳ mang thai; tiêm chủng và chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em; không phân biệt đối xử giữa con trai và con gái. Những cặp vợ, chồng sinh con thứ 3 trở lên có thể bị phê bình, nhắc nhở trước cộng đồng.... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hương ước, quy ước quy định về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình còn chung chung, cá biệt có bản hương ước, quy ước còn đưa ra những quy định vi phạm quyền con người, quyền công dân; một số nơi tiến hành sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước đồng loạt, việc đưa nội dung này ra lấy ý kiến nhân dân đôi khi còn hình thức; có tình trạng hương ước, quy ước thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung theo chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Đồng chí cũng thông tin cho các đại biểu dự Hội thảo về quá trình soạn thảo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; đề xuất, kiến nghị giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện nội dung dân số, kế hoạch hóa gia đình và bình đẳng giới trong hương ước, quy ước.
Hội thảo cũng được nghe đại biểu đến từ các Bộ, ngành Trung ương tham luận. Theo tham luận của Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng còn có một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện bình đẳng giới nhằm hạn chế mức cân bằng giới tính khi sinh như: Định kiến về giới còn nặng nề ở nhiều địa phương; sự phối hợp liên ngành và lồng ghép giới chưa được quan tâm đầy đủ (mới có 9/63 tỉnh, thành phố ký kết chương trình phối hợp); một số nơi, phụ nữ vẫn bị đối xử thiên lệch…TS. Phạm Minh Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình trình bày về định hướng nội dung trong hương ước, quy ước để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia định. Đại diện Viện Nghiên cứu gia đình và Giới tham luận chuyên đề về quan điểm và hành vi lựa chọn sinh con trai theo ý muốn; một số định hướng nội dung trong hương ước, quy ước nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Đại diện nhiều địa phương đã phát biểu chia sẻ kinh nghiệm về công tác lồng ghép các nội dung chính sách dân số vào hương ước, quy ước trên địa bàn; phản ánh những khó khăn, bất cập trong thực hiện quy định về dân số, kế hoạch hóa gia đình trong hương ước, quy ước và đề xuất, kiến nghị giải pháp để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này trong thời gian tới.
Các ý kiến tại Hội thảo đều đánh giá tại nhiều địa phương, hương ước, quy ước đã góp phần bảo vệ, phát huy thuần phong mỹ tục, đề cao những chuẩn mực đạo đức, hỗ trợ quản lý nhà nước, phát huy tính tự quản của cộng đồng dân cư; nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật về dân số - kế hoạch hóa gia đình của người dân, từng bước bảo đảm bình đẳng nam, nữ và nâng cao chất lượng dân số./.