Ngày 8/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 619/QĐ-TTg, ban hành Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Tại sao phải đặt ra chuẩn này? Quy định như thế nào về xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật?
Hai khách mời của Chương trình là ông Đỗ Xuân Lân, Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp và bà Nguyễn Thị Thược, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang sẽ giải đáp trực tuyến các câu hỏi của độc giả vào hồi 9h (thứ Ba) ngày 19/12 trên Báo Pháp luật Việt Nam điện tử (địa chỉ: baophapluat.vn).
Cùng tham dự Chương trình có ông Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp.
Bạn đọc Lê Phương Liên (Bắc Từ Liêm, Hà Nội): Bộ Tư pháp có vai trò, trách nhiệm thế nào trong quá trình triển khai xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật?
Đỗ Xuân Lân: Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện Quyết định Số 619/QĐ-TTg trong phạm vi cả nước. Nhiệm vụ quyền hạn và vai trò cụ thể được quy định tại Khoản 1 Điều 10 Quyết định 619 và chỉ đạo hướng dẫn thực hiện các nội dung quy định tại điều 4 Quyết định 619. CỤ thể là:
Bộ Tư pháp tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ triển khai xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại Quy định này có trách nhiệm: Chỉ đạo, hướng dẫn, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quy định này; định kỳ tổng hợp kết quả, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Hướng dẫn điểm số, cách tính điểm các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật và biểu mẫu thực hiện đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; thành phần và hoạt động của Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật; Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật liên quan đến phạm vi quản lý; phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Nội dung của việc xây dựng xã,phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Điều 4 của Quyết định 619 bao gồm:
1. Xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật; chương trình, kế hoạch triển khai, thực hiện xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân.
2. Tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, chính quyền các cấp và cơ quan, tổ chức, cá nhân về vị trí, vai trò, ý nghĩa của xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
3. Rà soát, đánh giá việc thực hiện tiêu chí tiếp cận pháp luật; công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; đề ra giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, cải thiện khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân tại cơ sở.
4. Chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
5. Lồng ghép xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong chương trình, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và xóa đói, giảm nghèo.
6. Sơ kết, tổng kết, thống kê, báo cáo, theo dõi kết quả, kiểm tra, khen thưởng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Bạn đọc Trần Bảo Minh (Hà Nội): Xin hỏi ông Đỗ Xuân Lân, ông có thể cho biết “Chuẩn tiếp cận là gì?”; mục tiêu, ý nghĩa của việc ban hành văn bản này?
Ông Đỗ Xuân Lân: Hiện các văn bản pháp luật hiện hành chưa định nghĩa chuẩn tiếp cận pháp luật mà chỉ quy định tiêu chí xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có 05 tiêu chí thành phần, bao gồm: i) Bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật (15 điểm); ii) Thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã (30 điểm); iii) Phổ biến, giáo dục pháp luật (25 điểm); iv) Hòa giải ở cơ sở (10 điểm); v) Thực hiện dân chủ ở cơ sở (20 điểm).
Để được công nhận đạt chuẩn, xã phải đạt 04 điều kiện: i) Không có tiêu chí nào dưới 50% số điểm tối đa; ii) Kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân về chất lượng, thái độ phục vụ khi thực hiện thủ tục hành chính đạt từ 80% tổng số điểm tối đa trở lên; iii) Tổng số điểm của các tiêu chí phải đạt từ 90% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại I, từ 80% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại II và từ 70% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại III; và iv) Trong năm không có cán bộ, công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên do vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi công vụ trái pháp luật gây ra.
Như vậy, xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phải được hiểu là chính quyền cấp xã phải bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về pháp luật của công dân; bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật; thực hiện tốt thủ tục hành chính; thực hiện dân chủ ở cơ sở và công tác hòa giải ở cơ sở ở một mức độ tối đa; phải thực hiện nghiêm chỉnh Luật PBGDPL, Luật hòa giải ở cơ sở, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở và các Luật có liên quan như Luật tiếp công dân, Luật khiếu nại, Luật tố cáo và các quy định liên quan đến thực hiện các thủ tục hành chính. Người dân phải có hiểu biết pháp luật, nắm vững pháp luật, dễ dàng tiếp cận, khai thác và sử dụng pháp luật; các cơ quan nhà nước và người thi hành công vụ phải thực hiện nghiêm chỉnh và và đầy đủ trách nhiệm được giao theo Luật để bảo đảm thực hiện đầy đủ nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Các tổ chức đoàn thể xã hội, nhất là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận và người dân phải được tham gia, giám sát việc thực hiện.
Mục tiêu của việc ban hành Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 là nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế về đánh giá, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; triển khai thực hiện có hiệu quả tiêu chí tiếp cận pháp luật trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016; triển khai thực hiện việc đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016; khắc phục tồn tại, hạn chế đã được phát hiện sau 03 năm thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ngày 24/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở;
Việc ban hành văn bản này và triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật sẽ nâng cao nhận thức pháp luật trong toàn xã hội, bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về pháp luật của công dân, mà còn bảo đảm cho Hiến pháp và pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh, thống nhất, phát huy và thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm thực thi trên thực tế các quyền con người, quyền công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính tại cấp xã và kịp thời giải tỏa mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật ngay tại cộng đồng dân cư, không để tranh chấp, mâu thuẫn, xung đột đẩy lên cao gây ra bất ổn xã hội. Qua thực hiện tốt nhiệm vụ này còn nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và xã hội bằng pháp luật; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức cấp xã trong thực thi công vụ; cải thiện điều kiện tiếp cận thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, giải quyết thủ tục hành chính, phát huy dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Bạn đọc Kiều Thu Lan ở Tuyên Quang gửi câu hỏi tới bà Nguyễn Thị Thược: Bà đánh giá như thế nào về vị trí, vai trò của đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới của địa phương?
Bà Nguyễn Thị Thược: Xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước, nhất là tại cơ sở. Đặt trong tổng thể với xây dựng nông thôn mới, việc thực hiện nhiệm vụ này nhằm:
Nâng cao nhận thức pháp luật, giáo dục ý thức tôn trọng, tuân thủ và chấp hành pháp luật; bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền được thông tin về pháp luật.
Tổ chức và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thi hành Hiến pháp, pháp luật, quản lý nhà nước và xã hội bằng pháp luật. Qua việc tổ chức đánh giá, công nhận và xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nắm bắt thực trạng công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực thuộc tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, đề xuất giải pháp duy trì, phát huy ưu điểm và khắc phục hạn chế, tồn tại. Từ đó, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức cấp xã trong thực thi công vụ.
Cải thiện điều kiện tiếp cận thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, giải quyết thủ tục hành chính, phát huy dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân ngay tại cơ sở đáp ứng yêu cầu tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật, khẳng định vai trò của ngành Tư pháp và của pháp luật trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xây dựng nông thôn phát triển toàn diện, phục vụ ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là ở nông thôn, miền núi như Tuyên Quang.
Ban đọc Lê Ngọc Hường (Cà Mau): Việc triển khai đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông Đỗ Xuân Lân?
Đỗ Xuân Lân: Có thể kể tới những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật như:
Thuận lợi:
- Các tiêu chí tiếp cận pháp luật đều là những nội dung, nhiệm vụ của chính quyền cấp xã đã triển khai thực hiện nhiều năm; là công việc thường xuyên, hàng ngày; đã được điều chỉnh trong nhiều Luật, Pháp lệnh như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật PBGDPL, Luật hòa giải ở cơ sở; Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007. Nội dung của nhiều chỉ tiêu trong các tiêu chí đã được quy định cụ thể trong các văn bản luật và dưới luật thuộc trách nhiệm của chính quyền cấp xã phải bảo đảm thực hiện.
- Thể chế, chính sách đã đầy đủ; đội ngũ cán bộ, công chức được giao triển khai thực hiện nhiệm vụ này đã được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; cung cấp thông tin, tài liệu, sách hướng dẫn nghiệp vụ.
- Đã có 03 năm kinh nghiệm triển khai thực hiện Quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở với nhiều tiêu chí, chỉ tiêu phức tạp và khó lượng hóa hơn; cơ chế triển khai thực hiện phức tạp hơn.
- Kết quả xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là tiêu chí đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới và phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; đảng bộ, chính quyền cấp xã đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh”; là tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng hằng năm của chính quyền cấp xã. Đây là những vấn đề mà hằng năm cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và cả hệ thống chính trị ở cơ sở phải tập trung lãnh đạo chỉ đạo, triển khai thực hiện.
Khó khăn:
- Nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, nhiều người cho rằng đây là nhiệm vụ mới hoặc chưa quen với việc lập hồ sơ giải quyết và xử lý công việc theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, thậm chí còn tùy tiện mặc dù pháp luật đã có quy định cụ thể về trách nhiệm trong việc thường xuyên rà soát, đánh giá để đề ra các giải pháp hoàn thiện chức trách được giao.
- Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực bảo đảm của nhiều địa phương cho hoạt động thực thi công vụ còn chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ
- Tiếp cận pháp luật có phạm vi rất rộng, liên quan đến hoạt động của toàn bộ hệ thống chính trị và hoạt động của chính quyền cấp xã, trực tiếp đụng chạm và có liên quan đến các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
- Năng lực, trình độ, thói quen trong lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã còn hạn chế; chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.
Bạn đọc Thái Thùy Minh (Đà Nẵng): Theo ông, để xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có hiệu quả, thiết thực, ông có thể cho biết một số định hướng, giải pháp thực hiện trong thời gian tới?
Đỗ Xuân Lân: - Tiếp tục quán triệt để nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân; chú trọng các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ gắn với tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh từ thực tiễn triển khai thực hiện;
- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và toàn diện Quyết định số 619/QĐ-TTg phù hợp với đặc thù của từng địa bàn; tập trung thực hiện tốt việc xây dựng các mô hình chỉ đạo điểm để tổng kết, nhân rộng trong phạm vi cả nước.
- Rà soát các chỉ tiêu, tiêu chí và mức độ đạt được các chỉ tiêu, tiêu chí để có giải pháp tập trung tháo gỡ.
Bạn đọc Chu Xuân Hoà (Đà Nẵng) gửi câu hỏi tới bà Nguyễn Thị Thược: bà có thể cho biết những thuận lợi, khó khăn của địa phương khi triển khai Quyết định 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017?
Bà Nguyễn Thị Thược: Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong đó có tiêu chí xây dựng xã phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hànhKế hoạch số 47- KH/UBND ngày 23/6/2017 triển khai thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Văn bản số 3047/UBND-NC ngày 27/9/2017 hướng dẫn thực hiện quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trong đó phân công từng sở ban ngành cấp tỉnh, từng công chức cấp xã chịu trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, thực hiện từng chỉ tiêu trong tiêu chí 18.5. Ngoài ra, trong kế hoạch xây dựng nông thôn mới của tỉnh cho cả giai đoạn 2016-2020 và của năm 2017 đều đề cập, chỉ đạo đến việc thực hiện tiêu chí xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận; đồng thời UBND tỉnh đã kiện toàn Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, theo đó bổ sung Giám đốc Sở Tư pháp tham gia Ban chỉ đạo. Sở Tư pháp cũng cử 1 công chức tham gia cán bộ không chuyên trách của Văn phòng Ban chỉ đạo nông thôn mới của tỉnh. Vì vậy, việc tham mưu chỉ đạo và hướng dẫn để triển khai Quyết định 619 cũng rất thuận lợi.
Ngoài ra, Sở Tư pháp, UBND các huyện, thành phố ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cấp xã triển khai thực hiện; việc triển khai Quyết định 619 trên địa bàn tỉnh rất kịp thời, khẩn trương, nghiêm túc và nhận được sự đồng thuận ủng hộ rất lớn từ phía người dân.
Bộ Tư pháp kịp thời ban hành Thông tư số 07 và các văn bản hướng dẫn rất cụ thể; Vụ PBGDPL cũng thường xuyên hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ mỗi khi địa phương có vướng mắc, chính vì vậy đã giúp cho việc triển khai ở địa phương được kịp thời, đồng bộ, thống nhất, thông suốt.
Khó khăn:
Thứ nhất, Kế hoạch xây dựng nông thôn mới năm 2017 của tỉnh ban hành ngay từ đầu năm; việc tập huấn và triển khai các công việc cho đội ngũ cán bộ, công chức từ tỉnh đến cơ sở được thực hiện từ quý I để các ngành, các cấp, nhất là cấp cơ sở có nhiều thời gian triển khai thực hiện. Trong khi đó Quyết định số 619/QĐ-TTg ban hành ngày 08/5/2017, tại thời điểm này thì tỉnh đã hoàn thành việc triển khai, tập huấn và đang tăng tốc thực hiện kế hoạch xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, việc triển khai Quyết định 619 tại địa phương là rất gấp, Sở Tư pháp phải chủ động thực hiện tất cả các công việc, như tuyên truyền, triển khai, tập huấn, hướng dẫn.../ và đối với UBND cấp huyện, cấp xã cũng bị động trong việc này.
Thứ hai, một trong những công việc mà cấp xã phải thực hiện đó là khảo sát thông qua Phiếu lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng về chất lượng, thái độ phục vụ khi thực hiện thủ tục hành chính, số lượng tham gia đánh giá tối thiểu là 15% trở lên số lượt TTHC được giải quyết của năm trước liền kề. Năm 2017 thời gian triển khai rất gấp nên việc lấy Phiếu đánh giá phải thực hiện vào cuối năm, cán bộ xã phải gửi phiếu đến từng gia đình, trong khi số lượng người được lấy Phiếu đánh giá rất lớn, nhiều đối tượng được xã giải quyết TTHC rồi nhưng thời điểm lấy Phiếu đã không còn/có ở địa phương (chuyển chỗ ở, đi công tác, lao động... ở xa), điều đó cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện. Tuy nhiên, từ năm 2018 sẽ khắc phục được khó khăn này vì khi giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức thì UBND cấp xã có thể thực hiện ngay việc lấy Phiếu đánh giá.
Thứ ba, năm 2017 là năm đầu tiên thực hiện Quyết định số 691, nên một số địa phương, nhất là địa phương không thực hiện thí điểm Quyết định số 09/2013/QĐ-TTG ban hành Quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tai cơ sở, nên cũng có việc còn lúng túng.
Bạn đọc Hồ Hoài Hương (Hướng Hóa, Quảng Trị): Xin ông Đỗ Xuân Lân cho biết những tiêu chí cơ bản để xác định cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật?
Đỗ Xuân Lân: Các tiêu chí tiếp cận pháp luật được quy định tại Điều 5 của Quyết định số 619/QĐ-TTg gồm 05 tiêu chí thành phần với tổng số 100 điểm:
Tiêu chí 1: Bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật (15 điểm). Tiêu chí này gồm 03 chỉ tiêu cụ thể là: i) Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch triển khai nhiệm vụ được giao để thi hành Hiến pháp, pháp luật, chỉ đạo của cấp trên tại địa phương và triển khai thực hiện đúng yêu cầu, tiến độ; ii) An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, không để xảy ra trọng án; tội phạm và tệ nạn xã hội (ma túy, trộm cắp, cờ bạc, nghiện hút) trên địa bàn cấp xã được kiềm chế, có giảm so với năm trước; iii) Chỉ tiêu 3: Giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng trình tự, thủ tục, thời hạn; không có hoặc giảm khiếu nại, tố cáo kéo dài trên địa bàn cấp xã so với năm trước.
Tiêu chí 2: Thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã (30 điểm): Tiêu chí này gồm 05 chỉ tiêu thành phần: i) Công khai đầy đủ, kịp thời các thủ tục hành chính; ii) Bố trí địa điểm, công chức tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính theo quy định; iii) Giải quyết các thủ tục hành chính đúng trình tự, thủ tục, thời hạn quy định; iv) Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về giải quyết các thủ tục hành chính đúng trình tự, thủ tục, thời hạn quy định; v) Bảo đảm sự hài lòng của tổ chức, cá nhân về chất lượng, thái độ phục vụ khi thực hiện thủ tục hành chính.
Tiêu chí 3: Phổ biến, giáo dục pháp luật (25 điểm): Tiêu chí này gồm 09 chỉ tiêu thành phần: i) Công khai văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính có giá trị áp dụng chung liên quan trực tiếp đến tổ chức, cá nhân trên địa bàn (trừ văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước) thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã; ii) Cung cấp đầy đủ thông tin pháp luật thuộc trách nhiệm phải cung cấp của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định; iii) Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định và chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan, tổ chức cấp trên; iv) Tổ chức quán triệt, phổ biến các văn bản, chính sách pháp luật mới ban hành cho cán bộ, công chức cấp xã; v) Triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân trên địa bàn cấp xã bằng hình thức thích hợp; vi) Triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù trên địa bàn thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật; vii) Các thiết chế thông tin, văn hóa, pháp luật tại cơ sở hoạt động có hiệu quả, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, phổ biến pháp luật của Nhân dân trên địa bàn cấp xã; ix) Tổ chức đối thoại chính sách, pháp luật theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương; ix) Bố trí đủ kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định;
Tiêu chí 4: Hòa giải ở cơ sở (10 điểm): Tiêu chí này gồm 03 chỉ tiêu thành phần: i) Thành lập, kiện toàn tổ hòa giải và công nhận tổ trưởng tổ hòa giải; hòa giải viên; tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên; đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở; ii) Các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải được hòa giải kịp thời theo yêu cầu của các bên; iii) Bố trí đủ kinh phí hỗ trợ công tác hòa giải ở cơ sở theo quy định.
Tiêu chí 5: Thực hiện dân chủ ở cơ sở (20 điểm): Tiêu chí này gồm 05 chỉ tiêu thành phần: i) Công khai, minh bạch các nội dung theo quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở trừ các thông tin quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này; ii) Cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình được bàn, quyết định trực tiếp về các nội dung theo quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở; iii) Cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình được bàn, biểu quyết để cơ quan có thẩm quyền quyết định về các nội dung theo quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở; iv) Nhân dân được tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định về các nội dung theo quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở; v) Nhân dân trực tiếp hoặc thông qua Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện giám sát các nội dung theo quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở. Điểm số cụ thể của từng chỉ tiêu, tiêu chí được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 07/2017/TT-BTP.
Bạn đọc Nguyễn Tuyết Nhung (Nam Định): Bà Nguyễn Thị Thược có thể chia sẻ những kinh nghiệm tỉnh Tuyên Quang tỉnh Tuyên Quang đã làm để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ tư pháp về đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được không ạ?
Bà Nguyễn Thị Thược: Tỉnh Tuyên Quang có 7 đơn vị cấp huyện, 141 đơn vị cấp xã trong đó có 129 xã, 7 phường, 6 thị trấn. Đến năm 2016 tỉnh có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, kế hoạch của năm 2017 là có 7 xã nữa đạt chuẩn nông thôn mới. Theo báo cáo nhanh thì đến thời điểm hiện nay 141 xã, phường, thị trấn đã thực hiện xong việc tự đánh giá, trong đó có 136 xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (vượt chỉ tiêu kế hoạch tỉnh đề ra từ đầu năm là 13 xã- kế hoạch đề ra là 123/141 xã) trong số đó có 07 xã mà theo kế hoạch năm 2017 phải về đích nông thôn mới; 05 xã không đạt là do nguyên nhân có cán bộ, công chức xã vi phạm pháp luật bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên.
Để đạt được kết quả bước đầu nêu trên, chúng tôi xin rút ra một số kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền các cấp phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, trong đó Ủy ban nhân dân tỉnh phải chỉ đạo quyết liệt, kịp thời; có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
Thứ hai, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về nội dung tiêu chí cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tới cán bộ, nhân dân trong tỉnh để có nhận thức chung thống nhât, đặc biệt là phải tuyên truyền cho nhân dân thấy rõ được lợi ích của bản thân, gia đình, xã hội trong việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, từ đó họ tham gia một cách chủ động và tích cực vào công tác này và tham gia giám sát chính quyền, đội ngũ cán bộ, công chức trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Thứ ba, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và công chức tư pháp- hộ tịch cấp xã phải bám sát chức năng, nhiệm vụ của mình, bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, chủ động, tích cực tham mưu với UBND cùng cấp trong việc triển khai thực hiện Quyết định 619 của Thủ tướng và hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị- xã hội trong quá trình triển khai; thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện; kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập để có hướng xử lý, giải quyết.
Một cán bộ xã ở Nghĩa Đàn, Nghệ An: Xin ông cho biết quy trình đánh giá và cấp có thẩm quyền công nhận xã đạt chuẩn pháp luật?
Đỗ Xuân Lân: Quy trình đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được quy định cụ thể tại Điều 7 của Quyết định số 619/QĐ-TTg; bảo đảm kết hợp giữa tự đánh giá, chấm điểm của cấp xã với đánh giá, công nhận của Chủ tịch UBND cấp huyện và giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận và người dân, cụ thể là:
- Về thời hạn đánh giá: Việc rà soát, đánh giá, chấm điểm, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được tiến hành hằng năm, tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12. Nói cách khác, xây dựng, đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là việc làm thường xuyên, được tiến hành hằng năm, gắn với năm công tác, năm kế hoạch và năm ngân sách;
- Về quy trình đánh giá:
Bước 1: Công chức cấp xã được giao theo dõi các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật có trách nhiệm tự chấm điểm, gửi kết quả đến công chức Tư pháp - Hộ tịch. Căn cứ kết quả tự chấm điểm của công chức cấp xã và kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính, công chức Tư pháp - Hộ tịch tổng hợp báo cáo, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
Kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân được thực hiện bằng phiếu lấy ý kiến, bảng điện tử hoặc hình thức phù hợp khác tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc kết hợp với đánh giá sự hài lòng của người dân về xây dựng nông thôn mới, chỉ số cải cách thủ tục hành chính hằng năm.
Bước 2: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức họp đánh giá kết quả xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Cuộc họp có đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tham dự. Trường hợp xét thấy đủ điều kiện công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã gửi hồ sơ đề nghị công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đến Phòng Tư pháp cấp huyện trước ngày 05 tháng 01 của năm liền kề sau năm đánh giá.
Hồ sơ đề nghị công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật bao gồm: Báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn của Ủy ban nhân dân cấp xã; Bảng tổng hợp điểm số của các chỉ tiêu, tiêu chí tự chấm điểm; Bảng tổng hợp kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân; công văn đề nghị công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và tài liệu khác (nếu có).
Bước 3: Phòng Tư pháp cấp huyện có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ đề nghị công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức họp Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật. Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giải trình, bổ sung hồ sơ trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu.
Bước 4: Căn cứ kết quả họp Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật, Phòng Tư pháp cấp huyện lập danh sách cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, danh sách cấp xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và đề xuất các giải pháp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp trước ngày 20 tháng 01 của năm liền kề sau năm đánh giá.
Bước 5: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trước ngày 25 tháng 01 của năm liền kề sau năm đánh giá; báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) kết quả công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và các giải pháp đối với cấp xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn.
Một điểm đáng lưu ý là sau khi đánh giá kết quả xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phải niêm yết công khai kết quả chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật tại trụ sở làm việc, nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt cộng đồng của thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc, tổ dân phố và cộng đồng dân cư khác và thông báo trên đài, loa truyền thanh cơ sở trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành việc tự chấm điểm.
Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố danh sách cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, danh sách cấp xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên Cổng/Trang tin điện tử của địa phương chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày ký quyết định công nhận đối với cấp huyện và 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với cấp tỉnh.
Bạn đọc Nông Minh Châu (Trạm Tấu, Yên Bái): Xin hỏi những xã vùng sâu vùng xa, vùng biên giới có được hỗ trợ đặc biệt để xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật không? Nếu có thì cho biết được hỗ trợ thế nào?
Đỗ Xuân Lân: Hiện nay Quyết định 619 chưa có điều kiện để cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ áp dụng đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới bằng những chính sách hỗ trợ đặc biệt, mà phân hóa theo tiêu chí phân loại xã để xem có đủ điều kiện bằng mức điểm số nhất định để đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Theo Luật PBGDPL và Luật Hòa giải cơ sở, ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ kinh phí cho công tác PBGDPL, hòa giải cơ sở cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách. Như vậy, đối với những xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, nếu thuộc diện nêu trên, sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định.
Quyết định 619 cũng quy định: Hội đồng nhân dân, UBND cấp tỉnh, cấp huyện ưu tiên bố trí kinh phí để hỗ trợ cấp xã còn nhiều chỉ tiêu, tiêu chí chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật từ nguồn ngân sách địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành.
Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các bộ, ngành chức năng có hướng dẫn cụ thể về kinh phí hỗ trợ triển khai nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thông qua việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Về lâu dài, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục nghiên cứu, khảo sát và tổng kết để đánh giá toàn diện những thuận lợi, khó khăn trong triển khai nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trong đó chú trọng các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới để có giải pháp hỗ trợ cụ thể.