Liên kết website

Hội thảo “Đánh giá thực trạng bảo đảm quyền được thông tin pháp luật và nhu cầu phổ biến, giáo dục pháp luật của người dân”

02/07/2018

Thực hiện các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Số 2708/QĐ-BTP ngày 29/12/2017 ban hành Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2018; Số 2317/QĐ-BTP ngày 16/11/2017 phê duyệt Kế hoạch hoạt động Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) năm 2018, nhằm đánh giá thực trạng bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật và nhu cầu PBGDPL của người dân, tập trung vào nhóm đối tượng đặc thù, người dân sống ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, ngày 29/6/2018 tại quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng, Bộ Tư pháp phối hợp với Dự án GIG tổ chức Hội thảo “Đánh giá thực trạng bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật và nhu cầu phổ biến, giáo dục pháp luật của người dân”.

Tham dự Hội thảo có các đồng chí đại biểu đại diện cho Lãnh đạo Sở Tư pháp, Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDL) một số tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Bà Rịa – Vũng Tàu; các đại biểu đại diện các Sở, ban, ngành và Phòng Tư pháp một số quận, huyện trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Đồng chí Đỗ Xuân Lân, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật tham dự và chủ trì Hội thảo.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá, góp ý hoàn thiện dự thảo Báo cáo khảo sát về thực trạng bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật và nhu cầu PBGPDL của người dân qua thực tiễn khảo sát tại 03 tỉnh, thành phố là Điện Biên, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa – Vũng Tàu do TS. Nguyễn Am Hiểu, chuyên gia của dự án GIG trình bày. Với mục đích làm sâu sắc hơn các nội dung của dự thảo Báo cáo, Hội thảo cũng thu hút sự quan tâm của các chuyên gia cao cấp, nhà khoa học tham dự và trình bày các chuyên đề liên quan đến nội dung Báo cáo khảo sát, cụ thể là: GS.TS. Trần Ngọc Đường, chuyên gia cao cấp, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với chuyên đề “Thực trạng bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật của người dân qua công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường”; TS. Tạ Thị Minh Lý, chuyên gia cao cấp, Chủ tịch Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý với chuyên đề “Thực trạng bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật cho các đối tượng đặc thù, yếu thế, nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội”; TS. Trần Văn Quảng, Phó trưởng ban Ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp với chuyên đề “Thực trạng bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật từ góc nhìn xã hội hóa, huy động nguồn lực tham gia công tác PBGPDL”.
Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về nội dung kết quả khảo sát thông qua các tiêu chí, số liệu, đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ, thực chất, khách quan về thực trạng bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật và nhu cầu PBGPDL của người dân tại các địa bàn khảo sát. Kết quả khảo sát được coi là cơ sở, căn cứ để khái quát hóa và đề xuất các giải pháp, phương thức triển khai phù hợp, đáp ứng nhu cầu PBGPDL của người dân.
Ý kiến tại Hội thảo là nguồn tham khảo quan trọng để chuyên gia của dự án GIG phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và đơn vị chức năng của Bộ Tư pháp hoàn thiện nội dung dự thảo Báo cáo, qua đó giúp Bộ Tư pháp triển khai công tác quản lý nhà nước về PBGPDL cho đối tượng này ngày càng thiết thực hơn, đi vào chiều sâu, hiệu quả và có chất lượng.
 
 
Các tin đã đưa ngày: