Liên kết website

Tăng cường kỹ năng trả lời trước UB Nhân quyền của LHQ về Báo cáo quốc gia về Công ước ICCPR

07/12/2018

Ngày 30/11 - 01/12/2018, tại Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên giả định tăng cường kỹ năng trả lời trước Ủy ban Nhân quyền về Báo cáo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) nhằm cung cấp thông tin về quá trình xây dựng Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị lần thứ ba.

Phiên giả định là hoạt động được thực hiện dưới sự hỗ trợ của UNDP Việt Nam với sự tham dự của đại diện các Bộ, ngành tham gia Đoàn liên ngành bảo vệ Báo cáo ICCPR và các cơ quan, tổ chức liên quan. Bà Akiko Fujii - Phó giám đốc khu vực Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam), bà Catherine Phuong - Trợ lý Giám đốc khu vực, Trưởng bộ phận Quản trị và Tham gia, UNDP Việt Nam đã tham dự và phát biểu tại Phiên giả định. Về phía chuyên gia nước ngoài, Phiên giả định có sự góp mặt của bà Sarah H. Cleveland, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền, Giáo sư Luật Đại học Colombia.
Phiên giả định tập trung vào giới thiệu về trình tự, thủ tục bảo vệ Báo cáo ICCPR; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về bảo vệ Báo cáo ICCPR của một số nước; kinh nghiệm bảo vệ báo cáo quốc gia của Việt Nam về việc thực thi một số điều ước quốc tế khác như: Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR), Báo cáo quốc gia nộp theo Cơ chế Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR),....
Phát biểu khai mạc Phiên giả định, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh ý nghĩa của Công ước ICCPR trong tình hình mới cũng như tầm quan trọng của việc bảo vệ Báo cáo ICCPR trước Ủy ban Nhân quyền. Việc bảo vệ Báo cáo sẽ góp phần khẳng định mạnh mẽ cam kết và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trước cộng đồng quốc tế, tăng cường hiểu biết lẫn nhau cũng như thể hiện sự nghiêm túc của Việt Nam trong việc thực hiện nghĩa vụ báo cáo tình hình thực thi cam kết quốc tế.
Công ước ICCPR là một trong những điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào năm 1966 và có hiệu lực vào năm 1976. Đây là Công ước có phạm vi điều chỉnh rộng, bao trùm tất cả các quyền dân sự và chính trị của mỗi cá nhân. Tầm quan trọng và ý nghĩa của Công ước được khẳng định mạnh mẽ bởi sự tham gia đông đảo của cộng đồng quốc tế (hiện tại Công ước có khoảng 170 quốc gia thành viên) và nội dung của Công ước luôn được đề cập tới khi thảo luận về các vấn đề quyền con người. Công ước ICCPR có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội và pháp lý của Việt Nam. Các quy định của Công ước được nội luật hóa vào hệ thống pháp luật Việt Nam, đặc biệt là đã được nghiên cứu rất kỹ trong quá trình soạn thảo và thông qua Hiến pháp năm 2013, cũng như trong việc xây dựng các đạo luật được Quốc hội thông qua gần đây.
Việt Nam là thành viên của Công ước ICCPR từ năm 1982 và đã hai lần bảo vệ Báo cáo quốc gia thực thi Công ước này. Báo cáo quốc gia lần thứ ba về thực thi Công ước ICCPR đã được nộp vào tháng 12/2017 và sẽ được Uỷ ban Nhân quyền xem xét vào tháng 3/2019. Ngày 03/8/2018, Uỷ ban Nhân quyền thông qua Danh sách các vấn đề quan tâm đối với Báo cáo quốc gia thực thi Công ước ICCPR lần thứ 3 của Việt Nam. Sau khi nhận được Danh sách các vấn đề quan tâm, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Báo cáo trả lời và đã nộp Báo cáo trả lời lên Ủy ban Nhân quyền đúng thời hạn yêu cầu.  
Tại Phiên giả định, chuyên gia Sarah H. Cleveland, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền đã chia sẻ những kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn phong phú trong việc trả lời Danh sách các vấn đề Ủy ban Nhân quyền quan tâm, những lưu ý trong quá trình chuẩn bị, các nội dung trình bày trước Ủy ban. Đặc biệt, các đại biểu đã chủ động, tích cực trao đổi kỹ năng, cách thức xử lý thông tin, cung cấp thông tin trả lời theo yêu cầu của Ủy ban Nhân quyền; tập dượt kỹ năng trả lời câu hỏi của Ủy ban Nhân quyền tại Phiên giả định. Đây là cơ hội quý báu để các thành viên Đoàn liên ngành Việt Nam chuẩn bị tốt hơn cho việc bảo vệ Báo cáo ICCPR lần thứ ba của Việt Nam tại Thụy Sỹ vào tháng 3/2019./.
Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp
Các tin đã đưa ngày: