Liên kết website

Xây dựng nguồn tư liệu tham khảo phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

28/12/2018

Sáng 27/12, tại Bộ Tư pháp đã diễn ra cuộc họp Ban Tổ chức, Ban Giám khảo Cuộc thi sáng tác kịch bản tiểu phẩm pháp luật. Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc.

Theo báo cáo của Ban Tổ chức Cuộc thi, thực hiện Kế hoạch số 3098/KH-BTP ngày 20/8/2018, Bộ Tư pháp đã ban hành công văn đề nghị các Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố phối hợp phổ biến thông tin đầy đủ, rộng rãi về Cuộc thi cho nhân dân tại địa bàn bằng các hình thức phù hợp, hiệu quả, chỉ đạo, hướng dẫn các Phòng Tư pháp tổ chức thông tin, giới thiệu về Cuộc thi và động viên, khuyến khích, huy động người dân tại địa bàn hưởng ứng tham gia Cuộc thi trên các trang thông tin điện tử tại địa phương. Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng đăng tải rộng trên các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng (Báo Pháp luật Việt Nam, Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, mạng xã hội…) về Cuộc thi.
 

Cuộc thi được diễn ra từ ngày 20/8/2018 đến ngày 10/10/2018 thu hút được 3.699 kịch bản dự thi gửi về từ hơn 30 địa phương trên địa phương (qu đường bưu điện và thư điện tử). Trong số địa phương có thí sinh tham gia dự thi, nổi bật lên một số tỉnh, thành phố có số lượng thí sinh tham gia lớn. Cụ thể, Hà Nội có thí sinh 1.453 bài dự thi, Lào Cai có 1.006 bài dự thi, Điện Biên có 554 bài dự thi…, cho thấy các địa phương đã thực hiện khá tốt công tác tổ chức, truyền thông giới thiệu rộng rãi về Cuộc thi tới các tầng lớp nhân dân.
Các kịch bản tiểu phẩm pháp luật gửi về dự thi có sự phong phú về chủ đề, nhiều bài thi thể hiện rõ tâm huyết, tự nghiên cứu, tìm tòi của các tác giả nhằm truyền tải các thông tin, kiến thức pháp luật một cách sáng tạo, hấp dẫn thông qua cách thức tạo tình huống, phát triển, giải quyết tình huống. Đặc biệt, nhiều kịch bản tiểu phẩm gửi về dự thi được sáng tác bởi các em học sinh ở độ tuổi thiếu niên, nhi đồng hoặc người cao tuổi.
Có thể nói, Cuộc thi tạo được một sân chơi thiết thực, bổ ích để phổ biến, thông tin, trang bị kiến thức pháp luật cho nhân dân về các lĩnh vực đất đai, môi trường, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, hình sự, ma túy, tệ nạn xã hội… Đồng thời góp phần xây dựng nguồn tư liệu tham khảo phục vụ triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, đổi mới nâng cao, chất lượng hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân tại địa bàn trọng điểm…
 

Tuy nhiên, công tác truyền thông về việc tổ chức Cuộc thi chưa kịp thời, sâu rộng trong nhân dân. Chất lượng bài dự thi còn hạn chế, không đúng trọng tâm, chủ đề, sai về hình thức, thể loại. Nhiều bài dự thi có sự sao chép lẫn nhau trong cùng một đơn vị hoặc sao chép kịch bản tiểu phẩm của các tác giả khác đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Căn cứ kết quả rà soát, chấm điểm, Phó Vụ trưởng Phổ biến, giáo dục pháp luật Ngô Quỳnh Hoa đề xuất phương án trao giải. Cụ thể, do không có bài dự thi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đặt ra nên sẽ không trao giải nhất mà chỉ trao các giải nhì, ba và khuyến khích. Các thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo đều nhất trí với đề xuất này nhưng kiến nghị việc thay đổi cơ cấu giải thưởng phải báo cáo Lãnh đạo Bộ rồi thông báo công khai.
Kết luận cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc yêu cầu bộ phận thường trực rà soát, tập hợp lại các bài dự thi để lấy ý kiến cuối cùng của các thành viên Ban Giám khảo trước khi báo cáo Ban Tổ chức công nhận kết quả, trao giải thưởng Cuộc thi. Cũng qua ý kiến của các đại biểu, Vụ trưởng Lê Vệ Quốc cho biết sẽ tổ chức lễ trao giải Cuộc thi để tôn vinh những tác giả đạt giải cùng với Cuộc thi viết “Sáng kiến, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả cho thanh, thiếu niên” trong tháng 1/2019.
Thục Quyên
Các tin đã đưa ngày: