Về kết quả đạt được:
Ở Trung ương, trên cơ sở nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tư pháp đã ban hành 01 Quyết định, 01 Kế hoạch và 02 Công văn chỉ đạo, hướng dẫn các Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao tại Đề án. Bộ Công an, Bộ Quốc Phòng cũng đã ban hành Kế hoạch tiếp tục thực hiện Đề án đến năm 2020 trong lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân.
Về các hoạt động cụ thể, Bộ Tư pháp đã tổ chức thành công Cuộc thi viết “Sáng kiến, mô hình PBGDPL có hiệu quả cho thanh thiếu niên”, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật gắn với ứng dụng công nghệ thông tin; tổ chức
02 Chương trình tư vấn pháp luật, PBGDPL cho thanh, thiếu niên là học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số của một số trường cao đẳng, trung cấp tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và cho thanh niên quận Đống Đa, TP Hà Nội; thực hiện
02 chương trình đối thoại trên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1), 01 Tọa đàm trên Truyền hình pháp luật về các chính sách pháp luật có liên quan đến thanh, thiếu niên; tổ chức
03 Hội nghị tập huấn về kỹ năng PBGDPL, kiến thức pháp luật mới có liên quan đến thanh, thiếu niên, hội nghị tập huấn các nội dung cơ bản của Luật An ninh mạng năm 2018; thực hiện một số hoạt động chỉ đạo điểm tại 02 tỉnh Bắc Kạn và Bình Phước. Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng tổ chức
03 hội thảo, tọa đàm phục vụ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật và mô hình, hình thức PBGDPL cho thanh, thiếu niên và biên soạn nhiều tài liệu PBGDPL cho thanh, thiếu niên, trong đó xây dựng, in ấn 3.500 cuốn Sổ tay hướng dẫn kỹ năng PBGDPL cho thanh, thiếu niên.
Bên cạnh các hoạt động do Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện, các bộ, ngành, đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã tổ chức nhiều hoạt động PBGDPL liên quan mật thiết đến thanh, thiếu niên bằng hình thức phù hợp với đối tượng như: Bộ Quốc phòng tổ chức Cuộc thi tìm hiểu pháp luật trong thanh niên quân đội năm 2018, Hội thi PBGDPL cấp toàn quân bằng hình thức sân khấu hóa; tập huấn kiến thức, kỹ năng PBGDPL cho cán bộ đoàn cấp toàn quân; tổ chức các diễn đàn, tọa đàm, đối thoại PBGDPL cho thanh niên…Bộ Công an tổ chức PBGDPL cho thanh niên là cán bộ, chiến sỹ Công an các đơn vị, địa phương; thanh, thiếu niên là học viên tại các học viện, trường Công an nhân dân; thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật thuộc đối tượng quản lý của Công an nhân dân và các đối tượng thanh, thiếu niên cư trú tại địa phương (tập huấn, tọa đàm, tư vấn pháp luật…).
Ở địa phương, trên cơ sở kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp, các địa phương đã xây dựng kế hoạch, văn bản hướng dẫn riêng nhằm thực hiện Đề án hoặc/và lồng ghép nội dung thực hiện Đề án trong chương trình, kế hoạch PBGDPL hằng năm. Hiện cả nước có gần 60 địa phương ban hành kế hoạch của Ủy ban nhân cấp tỉnh về việc thực hiện Đề án giai đoạn đến năm 2020 và gần 40 địa phương ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án năm 2018
). Ngoài ra, một số địa phương ban hành công văn chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Đề án năm 2018hoặc lồng ghép hướng dẫn trong các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ khác
Các địa phương đã tiến hành khảo sát, lựa chọn nội dung PBGDPL cho thanh, thiếu niên trên địa bàn dựa trên nhu cầu của từng nhóm đối tượng thanh, thiếu niên, tập trung vào các luật, văn bản hướng dẫn thi hành liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của thanh niên như: an toàn giao thông đường bộ; hôn nhân và gia đình; phòng, chống tệ nạn xã hội về ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, cờ bạc; lao động, việc làm; an ninh mạng; bảo vệ môi trường, biển đảo; pháp luật về cư trú; bình đẳng giới, thanh niên, trẻ em; Bộ luật Hình sự, nghĩa vụ quân sự, phòng ngừa xâm hại tình dục, bạo lực học đường…
Các hoạt động PBGDPL cho thanh, thiếu niên được tổ chức triển khai thực hiện thông qua nhiều hình thức, mô hình khác nhau, khá đa dạng như: Hội nghị tập huấn, phổ biến pháp luật trực tiếp; hội thi tìm hiểu pháp luật; biên soạn, phát hành các tài liệu PBGDPL cho thanh, thiếu niên; ký kết chương trình phối hợp hay cam kết không vi phạm pháp luật…. Nhiều địa phương đã xây dựng các chương trình truyền thông, tin bài về PBGDPL cho thanh, thiếu niên; PBGDPL qua hệ thống phát thanh, sinh hoạt Câu lạc bộ pháp luật, lồng ghép pháp luật trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa ngoài giờ lên lớp; tổ chức chiếu phim lưu động, văn nghệ lồng ghép tuyên truyền kiến thức pháp luật, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội cho thanh, thiếu niên. Một số địa phương đã ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức trực tuyến trên mạng Internet, thu hút nhiều thanh, thiếu niên tham dự. Qua thực tiễn triển khai Đề án, tại các địa phương đã xuất hiện những mô hình PBGDPL có hiệu quả cho thanh, thiếu niên như: Mô hình “Quán cà phê pháp luật” (Sở Tư pháp TP Cần Thơ, Hậu Giang); Ngày Pháp luật hàng tháng; mô hình “Đồng hành cùng phát triển (Sở Tư pháp Hà Nam); mô hình “Giáo dục pháp luật – Trải nghiệm thực tế” (Sở Tư pháp Sóc Trăng). Ngành Giáo dục và Đào tạo có mô hình Hội thi “Rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức pháp luật”. Đối với nhóm đối tượng là thanh niên trong quân đội, các mô hình PBGDPL có hiệu quả là: “Mỗi ngày một câu hỏi, mỗi tuần một điều luật”; mô hình “Tổ tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý quân nhân”, “Ngày pháp luật trong quân đội”. Trong lực lượng Công an nhân dân, mô hình PBGDPL có hiệu quả cho nhóm thanh niên vi phạm pháp luật, thanh niên chậm tiến như: Mô hình “Đội dân phòng cơ động”, “5 tự quản” (Bến Tre); mô hình “4 kèm 1” (An Giang). Bên cạnh đó, các địa phương còn duy trì mô hình tổ/nhóm nòng cốt ở cơ sở PBGDPL; phiên tòa giả định…trên cả nước.
Đánh giá: Tại Báo cáo cũng đã đã xác định, việc thực hiện các nhiệm vụ của Đề án năm 2018 cơ bản hoàn thành theo Kế hoạch, đã góp phần vào kết quả chung của công tác PBGDPL. Các hoạt động được tổ chức theo hướng dựa trên nhu cầu của đối tượng thanh, thiếu niên. Nội dung PBGDPL liên quan mật thiết đời sống, học tập, công tác của thanh, thiếu niên, có trọng tâm, trọng điểm hơn. Nhiều mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả được triển khai, áp dụng gắn với nhận thức, đặc điểm tâm lý, lứa tuổi và nhu cầu của thanh, thiếu niên. Qua đó, công tác PBGDPL đã góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật trong thanh, thiếu niên, đồng thời từng bước phát huy tinh thần tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật và giảm thiểu hành vi vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên. Trên cơ sở những kết quả đạt được, việc triển khai Đề án trong năm 2018 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: (i) Công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên theo mục tiêu và nhiệm vụ của Đề án chưa đồng đều trong cả nước. Hoạt động phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong thực hiện Đề án chưa thường xuyên, chưa gắn kết, chủ yếu do cơ quan chủ trì thực hiện Đề án tổ chức thực hiện; (iii) Công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên nói chung, thực hiện Đề án nói riêng chủ yếu tập trung vào đối tượng thanh, thiếu niên là học sinh, sinh viên trong trường học; thanh, thiếu niên ở đô thị; thanh niên là công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước, chiến sỹ lực lượng vũ trang mà chưa có nhiều hoạt động PBGDPL cho đối tượng thanh, thiếu niên đặc thù theo Luật PBGDPL; thanh, thiếu niên tự do, cư trú không ổn định, chưa có việc làm; thanh, thiếu niên thuộc đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật cao; (iii) Hoạt động PBGDPL cho thanh, thiếu niên ở một số địa phương còn mang tính phong trào, chưa khắc phục được triệt để tính hình thức. Hình thức, mô hình PBGDPL chậm đổi mới, chưa thực sự phù hợp với trình độ hiểu biết và tâm sinh lý và lứa tuổi, hiệu quả chưa cao; (iv) Kinh phí thực hiện Đề án từ ngân sách nhà nước ở nhiều địa phương còn hạn hẹp, chưa tương xứng với mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án. Việc huy động nguồn lực trong xã hội tham gia, hỗ trợ công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên còn hạn chế. Việc lồng ghép thực hiện nhiệm vụ của Đề án với các chương trình, đề án, kế hoạch có liên quan còn hạn chế.
Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2019: (i) Tổ chức chia sẻ, hướng dẫn, thí điểm áp dụng một số mô hình PBGDPL có hiệu quả cho thanh thiếu niên trên cơ sở kết quả tổng kết Cuộc thi viết “Sáng kiến, mô hình PBGDPL có hiệu quả cho thanh thiếu niên”, chú trọng hướng dẫn các sáng kiến, mô hình mới, ứng dụng công nghệ thông tin; (ii) Tiếp tục truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của thanh, thiếu niên, công tác thanh, thiếu niên nói chung và PBGDPL cho thanh, thiếu niên nói riêng; (iii) Thực hiện nhiệm vụ của Đề án gắn với thực hiện Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL trong nhà trường, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; chú trọng PBGDPL cho đối tượng thanh, thiếu niên đặc thù theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, thanh, thiếu niên có nguy cơ cao vi phạm pháp luật; (iv) Lựa chọn nội dung pháp luật phù hợp với nhu cầu của thanh, thiếu niên, trong đó chú trọng quy định về quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của thanh, thiếu niên; (v) Tổ chức PBGDPL cho thanh, thiếu niên với hình thức phù hợp với đối tượng, địa bàn, chú trọng lồng ghép PBGDPL với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, phong trào, hoạt động của tổ chức Đoàn Thanh niên; tổ chức các diễn đàn, đối thoại, hội thảo, tọa đàm về xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật có liên quan đến thanh, thiếu niên; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức trực tuyến, sân khấu hóa; biên soạn một số tài liệu nguồn về PBGDPL cho thanh, thiếu niên; tăng cường PBGDPL cho thanh, thiếu niên qua phương tiện thông tin đại chúng; (vi) Chỉ đạo, hướng dẫn nhân rộng một số mô hình PBGDPL hiệu quả, phù hợp, thiết thực với thanh niên qua đánh giá thực tiễn thực hiện Đề án; (vii) Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật mới và kỹ năng PBGDPL cho báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật theo hướng tập trung bồi dưỡng kỹ năng PBGDPL, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; (viii) Tổ chức kiểm tra, sơ kết công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên; phát động phong trào thi đua chấp hành tốt pháp luật trong thanh, thiếu niên với chủ đề thiết thực, nổi cộm về thi hành pháp luật của từng năm.
Một số giải pháp thực hiện: (i) Rà soát, xác định cụ thể nhiệm vụ trọng tâm, các giải pháp thực hiện Đề án, phấn đấu đạt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; xây dựng, tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Đề án năm 2019 bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp, công tác PBGDPL năm 2019; (ii) Gắn kết thực hiện nhiệm vụ của Đề án với các chương trình, đề án về PBGDPL có liên quan và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL nhằm tiết kiệm, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; (iii) Rà soát, kiện toàn lại Ban chỉ đạo, Tổ thư ký giúp việc Đề án theo hướng hoạt động thực chất, hiệu quả; (iv) Chú trọng khảo sát nhu cầu thực tế của đối tượng về nội dung, hình thức PBGDPL trước khi tổ chức các hoạt động PBGDPL, nhất là tại cơ sở; (v)Bố trí kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện có hiệu quả Đề án, đồng thời huy động các tổ chức hành nghề về pháp luật, tổ chức xã hội nghề nghiệp về pháp luật, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và hỗ trợ kinh phí PBGDPL cho thanh, thiếu niên./.