Liên kết website

Công ước Chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn được phổ biến sâu rộng đến nhiều huyện, xã nghèo trên toàn quốc

24/05/2019

Được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Tư pháp và Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, ngày 22/5/2019, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa và Ủy ban nhân dân huyện Cam Lâm tổ chức Hội nghị tập huấn nội dung cơ bản của Công ước Chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn cho 250 đại biểu, gồm công chức tư pháp cấp huyện, tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã, hòa giải viên ở cơ sở, trợ giúp viên pháp lý, người có uy tín trong cộng đồng dân cư…

Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp và đồng chí Nguyễn Thị Lan Phương, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa.
 

Phát biểu khai mạc, đồng chí Lê Vệ Quốc nhấn mạnh, Công ước Chống tra tấn là một trong những Công ước quan trọng về quyền con người, nhận được sự quan tâm của Liên Hợp quốc và nhiều nước trên thế giới. Đây là một trong bảy công ước về quyền con người mà Việt Nam tham gia với tư cách là thành viên chính thức.
Theo nội dung Công ước, một trong những nghĩa vụ quan trọng, đầu tiên của các thành viên Công ước là thực hiện tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước đến người dân, cũng như nội luật hóa các nội dung của Công ước. Chính vì vậy, ngày 12/01/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về nội dung của Công ước Chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải tập trung hướng về cơ sở, đặc biệt là những địa phương có điều kiện khó khăn, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đã lựa chọn huyện Câm Lâm để tổ chức tập huấn tuyên truyền những nội dung cơ bản của Công ước Chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn cho công chức tư pháp cấp huyện, tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã, hòa giải viên ở cơ sở, trợ giúp viên pháp lý, người có uy tín trong cộng đồng dân cư…
Quang cảnh tại Hội nghị
Tại Hội nghị tập huấn, các đại biểu được báo cáo viên phổ biến nội dung cơ bản của Công ước Chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn và có sự trao đổi, chia sẻ với báo cáo viên về các nội dung của Công ước và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn để nâng cao hiểu biết, phục vụ công tác chuyên môn, đặc biệt là công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của các công chức tư pháp cấp huyện, công chức Tư pháp – Hộ tịch cũng như các hòa giải viên. Hội nghị cũng góp phần đưa chính sách bảo vệ quyền con người đi vào cuộc sống ngày càng thực chất, hướng tới xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, dân chủ, văn minh, kiến tạo, phục vụ.
Kết thúc Hội nghị, nhiều đại biểu đánh giá cao chương trình tập huấn và đề nghị trong thời gian tới, Bộ Tư pháp tổ chức nhiều lớp tập huấn hơn nữa để tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước Chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: