Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, đồng chí Lê Vệ Quốc khẳng định vai trò quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là khâu đầu tiên của thi hành pháp luật, là hoạt động thiết thực để đưa pháp luật vào cuộc sống. Vì vậy, Đảng và Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, điều này thể hiện năm 2003 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW và Thông báo kết luận số 74-TB/TW ngày 11/5/2007 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 về kết quả thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW; năm 2012 Quốc hội thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Đồng thời, lãnh đạo Đảng, Nhà nước còn quan tâm tham dự các sự kiện nổi bật, như Lễ công bố Ngày Pháp luật năm 2013 có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ, chủ tịch Quốc hội; Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi tìm hiểu Hiếu pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2015 có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ; Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2018 có sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội… Công tác hòa giải ở cơ sở đã đóng góp rất lớn trong giải quyết tranh chấp từ cơ sở, không để tình trạng khiếu kiện đông người, khiếu kiện vượt cấp kéo dài; đồng thời góp phần giảm tải công việc cho cơ quan nhà nước, tòa án và tiết kiệm chi phí cho các bên, giữ được hòa khí, tình làng nghĩa xóm, xây dựng cộng đồng dân cư bình yên, hạnh phúc, cùng phát triển. Đến nay, thể chế về phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở đã đầy đủ (bao gồm cả luật, nghị định và thông tư hướng dẫn). Tuy nhiên, thời gian qua công tác PBGDPL và hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật còn một số tồn tại, hạn chế như một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo công tác này; khó khăn về nguồn lực (nhân lực, vật lực) và các điều kiện khác, nhất là trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế kéo theo nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh, trong khi đó trình độ dân trí có sự khác biệt giữa thành phố và miền núi, nông thôn… Vì vậy, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở và xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đứng trước những thách thức, đòi hỏi người làm công tác này phải nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ, có sự nhạy bén trong chỉ đạo, điều hành và tham mưu tổ chức thực hiện.
|
|
Chính vì vậy, để bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, các báo cáo viên đã giới thiệu, quán triệt các văn bản, chính sách mới, hướng dẫn kỹ năng, trao đổi, giải đáp vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Vệ Quốc đề nghị các đại biểu phải thực sự tâm huyết, nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; trau dồi, nâng cao kiến thức, kỹ năng để triển khai công việc ngày càng tốt hơn, đạt hiệu quả cao hơn./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật