Công tác tuyên truyền: Chuyển biến cả chiều rộng và chiều sâu
Báo cáo trước Đoàn kiểm tra, bà Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học cho biết, Ban Cán sự Đảng VKSNDTC xác định việc quán triệt, triển khai Chỉ thị 32 và các văn bản về PBGDPL là rất quan trọng nên đã chỉ đạo quyết liệt các cấp ủy đảng thực hiện nghiêm túc. Viện trưởng VKSNDTC cũng đã ban hành Chỉ thị 05 đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trong ngành kiểm sát nhân dân (KSND). Ngành KSND luôn chú trọng việc phối hợp với các cơ quan, đặc biệt với cơ quan thông tấn báo chí để thực hiện công tác tuyên truyền.
Các cấp ủy, tổ chức đảng trong ngành luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao, định hướng hoạt động tuyên truyền, PBGDPL trong ngành. Các đơn vị thuộc VKSNDTC, VKS cấp dưới đều xác định tuyên truyền, PBPL là công tác quan trọng của VKSND, là công việc thường xuyên, hàng ngày của chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.
Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) và các văn bản có liên quan, công tác tuyên truyền, PBPL của ngành KSND đã có nhiều đóng góp tích cực trong nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật của nhân dân.
Việc tuyên truyền PBGDPL không chỉ tập trung giới thiệu tuyên truyền văn bản pháp luật mới, phục vụ nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn mà được thực hiện thường xuyên qua các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và các hoạt động phong trào, đoàn thể khác. Công tác tuyên truyền pháp luật đã có sự chuyển biến cả chiều rộng và chiều sâu, góp phần đưa pháp luật vào thực tiễn công tác của ngành, đến gần hơn với mọi tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên, cũng theo bà Quỳnh Chi, khó khăn là một số cấp ủy, tổ chức đàng trong ngành chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, chưa quan tâm đến việc nhân rộng các mô hình hiệu quả ở cơ sở; hình thức tuyên truyền mới chủ yếu qua hoạt động của các cơ quan báo chí trong ngành…
Trong nhiều bài học kinh nghiệm được VKSNDTC chỉ ra có bài học từ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các ủy, tổ chức đảng. Thực tiễn cho thấy nơi nào có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của cấp ủy, tổ chức đảng thì nơi đó công tác PBGDPL được tiến hành cho kết quả tốt. Đây là yếu tố quyết định hiệu quả công tác tuyên truyền.
Cần chú trọng thu hút các nguồn lực xã hội
Đánh giá những kết quả tích cực trong công tác tuyên truyền của VKSNDTC, các thành viên Đoàn kiểm tra cũng gợi mở thêm nhiều vấn đề. Thượng tá Vũ Huy Khánh, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho rằng, cần có nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả của các Tổ tuyên truyền VKS ở cơ sở do đây là đội ngũ kiêm nhiệm. Bên cạnh đó, cần xác định rõ những nội dung tuyên truyền nào thì phổ biến trong ngành, nội dung nào đến nhân dân.
Còn Tổng Biên tập tạp chí Dân chủ pháp luật Đặng Vũ Huân thì đề nghị làm rõ hơn việc triển khai Chỉ thị 32 ở địa phương vì đây là vấn đề quan trọng. Bà Phạm Thúy Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ đề xuất, nên mở rộng việc tuyên truyền, phối hợp đến nhiều cơ quan, ban ngành, cơ quan thông tấn báo chí ngoài ngành Kiểm sát. Cần quan tâm nhiều hơn đến việc PBGDPL cho đối tượng đặc thù.
|
|
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị thuộc VKSNDTC cũng làm rõ hơn một số vấn đề Đoàn kiểm tra quan tâm.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn khẳng định, Ban Cán sự Đảng VKSNDTC luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, PBGDPL và thực tế đã triển khai một cách chủ động, đồng bộ, có hiệu quả. Công tác tuyên truyền đã đi vào nề nếp. VKSND cũng đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan, bằng nhiều hình thức tuyên truyền đến cán bộ, nhân dân về vị trí vai trò của ngành kiểm sát, xây dựng hình ảnh kiểm sát viên…tích cực tuyên truyền các quy định của pháp luật thông qua việc nỗ lực đổi mới các hình thức tuyên truyền theo hướng ngày càng sinh động, hấp dẫn hơn…
Đánh giá cao những kết quả đã đạt được của VKSNDTC sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí Thư, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của Ban Cán sự Đảng VKSDTC qua các thời kỳ; đã ban hành nhiều văn bản, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm các văn bản về PBGDPL; cách thức triển khai khoa học, bài bản xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị. Hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, có nhiều cách làm hay, sáng kiến mới làm “mềm hóa” công tác PBGDPL, trong đó thiết chế Ban Chỉ đạo và Tổ tuyên truyền rất hiệu quả. VKSNDTC cũng là cơ quan đi đầu có hệ thống trực tuyến đến cấp huyện.
Chia sẻ với những khó khăn trong công tác tuyên truyền mà ngành Kiểm sát đang gặp phải, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng đề nghị Ban Cán sự Đảng VKSNDTC tiếp tục sát sao, kiểm tra đôn đốc trong việc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 32; làm rõ hơn vai trò của Ban Cán sự Đảng của VKSND các cấp; đậm nét hơn các mô hình hay, sáng kiến tốt trong ngành; tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của Luật PBGDPL và các văn bản liên quan.
Thứ trưởng cũng mong muốn VKSNDTC tiếp tục củng cố kiện toàn các Ban Chỉ đạo, Tổ tuyên truyền - là mô hình đang phát huy nhiều hiệu quả. Phát huy tinh thần mỗi cán bộ, kiểm sát viên là tấm gương tuân thủ pháp luật như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn mỗi cán bộ, kiểm sát viên phải “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn".
Bên cạnh đó, củng cố kiện toàn nguồn nhân lực làm công tác PBGDPL; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; quan tâm bố trí kinh phí, đảm bảo cơ sở vật chất, chú trọng thu hút các nguồn lực xã hội trong PBPL…
Thu Hằng