Báo cáo đã ghi nhận, đánh giá kết quả ở các nội dung: (1) Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở; (2) Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành; (3) Kết quả củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở; tổ hòa giải và hòa giải viên; (4) Kết quả hoạt động hòa giải ở cơ sở của tổ hòa giải trên cả nước; (5) Tình hình, kết quả bố trí kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở. Qua 05 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã đi vào nề nếp, thống nhất, hiệu quả và tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, những tranh chấp, bất đồng mới phát sinh tại cơ sở đã được giải quyết kịp thời, dứt điểm; không để tranh chấp kéo dài, khó xử lý, hạn chế đáng kể tình trạng khiếu kiện ra cơ quan nhà nước, khiếu kiện vượt cấp; góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng khối đoàn kết cộng đồng bền vững, xây dựng khu dân cư văn hóa, sống hòa thuận, hạnh phúc, yên vui, giúp đỡ nhau cùng phát triển.
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của công tác hòa giải ở cơ sở trong 05 năm qua. Trên cơ sở nhận diện các nguyên nhân chủ quan và khách quan, cũng như từ những bài học kinh nghiệm được đúc rút, báo cáo đã đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Luật Hòa giải ở cơ sở; đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, các bộ, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực được giao tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong tổ chức triển khai thi hành Luật hòa giải ở cơ sở.
Nội dung chi tiết báo cáo và các phụ lục trong file đính kèm./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật