Từ bao đời nay, xuất phát từ truyền thống văn hóa tốt đẹp của nhân dân Việt Nam, tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết cộng đồng, hòa giải ở cơ sở được coi là một thiết chế giải quyết tranh chấp phù hợp, mang đậm tính nhân văn sâu sắc. Chính vì vậy, có đến 50% số người được khảo sát cho rằng sẽ không đến toà án để giải quyết các mâu thuẫn dân sự; thay vào đó, họ sẽ nhờ tổ hòa giải ở cơ sở tiến hành hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp của họ.
Để thông tin, chia sẻ kết quả 05 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở và kết quả khảo sát, đánh giá thực trạng tình hình thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, ngày 24/10/2019, Bộ Tư pháp phối hợp với UNDP (trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” – EU JULE) tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Báo cáo thực trạng giải quyết tranh chấp bằng hòa giải ở cơ sở. Hội thảo do Tiến sĩ Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp và ông Nicholas Booth, Cố vấn chương trình Tiếp cận Công lý và Quyền con người, Văn phòng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNDP chủ trì. Tham dự Hội thảo có gần 70 đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương, các đoàn thể, đại biểu địa phương, các hòa giải viên và các cơ quan báo chí.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Vệ Quốc khẳng định công tác hòa giải ở cơ sở của Việt Nam đã giải quyết kịp thời, dứt điểm những tranh chấp, bất đồng phát sinh tại cơ sở; không để tranh chấp kéo dài, khó xử lý, hạn chế đáng kể tình trạng khiếu kiện ra cơ quan nhà nước, khiếu kiện vượt cấp, đặc biệt góp phần giảm tải khối lượng công việc đáng kể cho các cơ quan tư pháp (nhất là Tòa án). Chính vì vậy năm 1998 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở và để điều chỉnh công tác này với văn bản có giá trị pháp lý cao nhất, năm 2013 Quốc hội đã thông qua Luật Hòa giải ở cơ sở.
05 năm qua, Luật Hòa giải ở cơ sở đã đi vào cuộc sống và khẳng định công tác hòa giải ở cơ sở đã có chỗ đứng vững chắc, tạo lập được niềm tin cho người dân, cho xã hội. Trong xã hội ngày càng văn minh, hiện đại ngày nay, với sự hội nhập quốc tế sâu, rộng, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin cũng kéo theo nhiều mặt trái, sự phức tạp trong các mối quan hệ xã hội thì không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, các tranh chấp trong lĩnh vực thương mại, dân sự nảy sinh ngày càng nhiều, đa dạng, phức tạp.
|
|
Tổng kết 05 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở cho thấy, trung bình mỗi năm, các hòa giải viên trên cả nước đã tiến hành hòa giải khoảng 120.000 vụ, việc và hòa giải thành trên 100.000 vụ, việc (đạt khoảng 80%). Qua đó đã tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền của cho Nhân dân, giảm tải công việc cho các cơ quan tư pháp và giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho ngân sách nhà nước, giúp Tòa án tập trung giải quyết những tranh chấp, những vụ án lớn một cách có chất lượng, đảm bảo công bằng, công lý. Tuy nhiên, công tác hòa giải ở cơ sở cũng tồn tại một số khó khăn, tồn tại như số vụ việc hòa giải thành được tòa án ra quyết định công nhận còn thấp; đội ngũ hòa giải viên thường xuyên biến động, phần lớn là những người cao tuổi; một số hòa giải viên còn hạn chế về kiến thức pháp luật, cũng như kỹ năng hòa giải…
Để có đánh giá khách quan, chính xác về công tác hòa giải ở cơ sở, dự án "Tăng cường luật pháp và tư pháp tại Việt Nam - EU JULE" đã hỗ trợ cho Việt Nam thực hiện hoạt động khảo sát, đánh giá thực trạng về công tác hòa giải ở cơ sở tại 03 địa phương: Hà Giang, Đắk Nông, Kiên Giang. Hoạt động khảo sát do Học viện phụ nữ, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chủ trì thực hiện trong thời gian từ ngày 22/9 đến ngày 27/9/2019.
Đánh giá cao những chia sẻ về kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở mà Việt Nam đã đạt được, ông Nicholas Booth cho rằng khi tiến hành hòa giải, hòa giải viên phải bảo đảm sự công bằng, khách quan giữa các bên, nhất là trong lĩnh vực bạo lực gia đình, bởi trẻ em và phụ nữ là đối tượng yếu thế trong quan hệ hôn nhân gia đình, rất cần được quan tâm, bảo vệ và không bị thua thiệt khi hòa giải. Ông Nicholas Booth – Cố vấn chương trình Tiếp cận Công lý và Quyền con người của UNDP nhấn mạnh: “Hoà giải viên ở cơ sở cần tham gia nhiều tập huấn về pháp luật và họ cần đảm bảo được quyền của các nhóm yếu thế được bảo vệ, ví dụ như người trải qua bạo lực gia đình. Phụ nữ không nên bị ép tham gia hoà giải với những người chồng có hành vi bạo lực vì áp lực xã hội hoặc vì họ không tìm được các giải pháp hỗ trợ khác. Buổi hội thảo hôm nay là một cơ hội tuyệt vời để bàn thảo những bước tiếp theo trong việc đẩy mạnh hoà giải ở cơ sở, đảm bảo quyền tiếp cận công lý cho mọi người.”
Hội thảo đã được nghe 03 chuyên gia trình bày bài tham luận chuyên sâu, nhận xét, góp ý Báo cáo đối với dự thảo Báo cáo đánh giá thực trạng công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hà Giang, Đắk Nông, Kiên Giang do Học viện phụ nữ chủ trì thực hiện. Đồng thời, nhiều chuyên gia, đại biểu đến từ các cơ quan, đơn vị đã phát biểu trao đổi, góp ý để nhóm khảo sát, nghiên cứu chỉnh sửa Báo cáo đảm bảo phù hợp với thực tế, đặc biệt phải đề xuất được những kiến nghị mới, kiến nghị có giá trị thay đổi tích cực công tác hòa giải ở cơ sở hiện nay.
Kết thúc Hội thảo, ông Lê Vệ Quốc đánh giá cao sự làm việc nghiêm túc của nhóm khảo sát, nghiên cứu, đã xây dựng dự thảo báo cáo tương đối đầy đủ, công phu, cung cấp nhiều thông tin, nhiều nội dung; phân tích số liệu rất kỹ, có sự đối chiếu, tính tỷ lệ % trên cơ sở số liệu. Tuy nhiên, dự thảo báo cáo cũng còn tồn tại “những hạt sạn” về cả kỹ thuật, nội dung mà ý kiến của các chuyên gia góp ý, bình luận, phản biện đã nêu. Ông Quốc đề nghị nhóm khảo sát, nghiên cứu tiếp thu những ý kiến góp ý, rà soát lại số liệu, bảo đảm tính xác thực, chính xác, bổ sung thêm những nhận định, đánh giá, gia cố thêm, đặc biệt là vấn đề bình đẳng giới, bạo lực gia đình, bảo vệ đối tượng yếu thế./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật