Chú trọng chất lượng các chỉ tiêu
Thông tin những nội dung cơ bản của dự thảo Quyết định, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Ngô Quỳnh Hoa cho biết, nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc đến nay đã hơn 03 năm, được Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16/08/2017 của Chính phủ bổ sung vào chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ và Ngành Tư pháp. Bên cạnh những kết quả tích cực, Quyết định số 619/QĐ-TTg bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, không còn phù hợp với thực tiễn…
Tổng kết thực tiễn đã đủ cơ sở nhận định vị trí, vai trò quan trọng của nhiệm vụ này trong quản lý nhà nước và xã hội bằng pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thượng tôn pháp luật, tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương để đáp ứng yêu cầu và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Do đó, cần tiếp tục xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, ổn định, liên tục, không đơn thuần là hoạt động theo giai đoạn.
Dự thảo Quyết định gồm 05 chương và 22 điều, dựa trên kết quả tổng kết thực tiễn, kế thừa những quy định còn phù hợp đã được thực tiễn kiểm nghiệm tính đúng đắn, đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, không khả thi hoặc không còn phù hợp. Nội dung của dự thảo chứa đựng quy phạm, được áp dụng liên tục, nhiều lần, đối tượng áp dụng rộng với cả cấp xã và cấp huyện. Bên cạnh đó, điểm mới trong cách tiếp cận, xây dựng các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật chú trọng về chất lượng, tập trung các nội dung có liên quan trực tiếp đến nâng cao chất lượng đời sống văn hoá pháp lý của người dân, bảo đảm hài hoà giữa chỉ tiêu đánh giá chính quyền địa phương và chỉ tiêu đo lường sự thụ hưởng của người dân.
Phải là một văn bản quy phạm pháp luật
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Sỹ Tuấn, Phó Trưởng phòng Phòng PBGDPL, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội đồng tình với sự cần thiết ban hành Quyết định thay thế Quyết định 619. Đồng thời nhất trí cao với việc chỉ tiêu của tiêu chí cấp xã giảm từ 25 chỉ tiêu còn 18 chỉ tiêu nhằm bảo đảm gọn nhẹ, định lượng, bảo đảm quy định của Thủ tướng về chương trình xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, ông Tuấn đề nghị Ban soạn thảo xem xét, làm rõ nghĩa một số nội dung trong dự thảo như tiêu chí tiếp cận pháp luật cấp xã, thời hạn đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật…
Ông Trương Khánh Hoàn, Trưởng phòng Phòng Pháp luật hành chính và tổng hợp, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh hình thức của dự thảo phải là văn bản quy phạm pháp luật, để phù hợp với luật hiện hành, tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện đồng bộ. Bên cạnh đó, ông Hoàn cho rằng các tiêu chí của dự thảo nên tập trung vào cấp xã, vì mỗi cấp huyện có nhiều xã, phường, do đó nếu một huyện có xã, phường không đáp ứng được các tiêu chí thì huyện đó không được đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Ngoài ra, các đại biểu tham dự cuộc họp đã bàn bạc, thảo luận đóng góp vào nội dung dự thảo Quyết định như bổ sung khái niệm “tiếp cận pháp luật”; bổ sung các số liệu, dẫn chứng cụ thể về hạn chế, bất cập của Quyết định 619 để thuyết phục hơn; khảo sát, lấy ý kiến địa phương một cách rộng rãi…
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, đầy đủ của Vụ PBGDPL. Đồng thời yêu cầu Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến của các đại biểu và sớm hoàn thiện dự thảo Quyết định. Thứ trưởng nhấn mạnh đây là cơ sở pháp lý quan trọng để đánh giá công tác thông tin, phổ biến trong thi hành pháp luật ở địa phương.
Do đó, Thứ trưởng đề nghị nghiên cứu, rà soát kỹ các nội dung dự thảo như phạm vi điều chỉnh; các chỉ tiêu đánh giá tiếp cận pháp luật; làm rõ thế nào là “chuẩn tiếp cận pháp luật”… Thứ trưởng cũng đề nghị các nội dung trong dự thảo Quyết định phải chú trọng các tiêu chí tiếp cận pháp luật cấp xã, cấp huyện để đạt chuẩn, phải xây dựng nội dung theo mạch xuyên suốt để gắn kết các tiêu chí này với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững.
Phương Mai
Nguồn: baophapluat.vn