Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 39-CT/TW, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 753/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện với các nội dung sau:
Mục đích, yêu cầu: Tổ chức nghiên cứu, quán triệt sâu rộng và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 39-CT/TW, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, trách nhiệm, hành động của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân về công tác người khuyết tật; xác định toàn diện các nhiệm vụ chủ yếu, cụ thể, khả thi, phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Chỉ thị số 39-CT/TW; bảo đảm lộ trình và phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện Kế hoạch phù hợp với các mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong các kế hoạch, chương trình, đề án về người khuyết tật, gắn với các mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của đất nước; tổ chức thực hiện Kế hoạch chủ động, kịp thời, đồng bộ; các cơ quan, đơn vị, tổ chức được giao chủ trì hoạt động có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai đúng tiến độ, thực chất, hiệu quả; huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, trách nhiệm giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình thực hiện Kế hoạch.
Nhiệm vụ và giải pháp:
(i) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về người khuyết tật, trọng tâm là xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đặc thù cho người khuyết tật theo quy định tại Điều 20 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng thời lượng phát sóng chương trình truyền hình có sử dụng phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu; biên soạn, phát hành bằng hình thức phù hợp tài liệu truyền thông nhằm giảm định kiến, kỳ thị đối với người khuyết tật; hướng dẫn truyền thông về người khuyết tật….
(ii) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về người khuyết tật, trọng tâm là tổng kết, đánh giá tình hình 10 năm thi hành Luật Người khuyết tật và 05 năm thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật; rà soát, phát hiện những vướng mắc, hạn chế, bất cập, đề xuất cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về người khuyết tật bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi…
(iii)
Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động trợ giúp người khuyết tật, trọng tâm là huy động nguồn lực xã hội tích cực tham gia các hoạt động giúp đỡ người khuyết tật và các tổ chức của người khuyết tật; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của khu vực ngoài nhà nước đầu tư cho các mô hình phi lợi nhuận chăm sóc người khuyết tật…
(iv) Phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội đối với các tổ chức của người khuyết tật
(v) Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức của người khuyết tật
(vi) Thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, khen thưởng
Về tổ chức thực hiện:
Kế hoạch quy định nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện Quyết định. Đối với Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
Thứ nhất, chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đặc thù cho người khuyết tật.
Thứ hai, tiếp tục chỉ đạo hướng dẫn, đổi mới công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho người khuyết tật bằng hình thức phù hợp, thiết thực; bảo đảm người khuyết tật có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu; tăng cường kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện các quy định về người khuyết tật trong Luật Trợ giúp pháp lý và Luật Tiếp cận thông tin.
Thứ ba, chú trọng về quyền của người khuyết tật đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình thẩm định, góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Quyết định số 753/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 03/6/2020./.