Tủ sách pháp luật
60 Câu hỏi – đáp, tình huống pháp luật về phòng, chống mại dâm
Chủ đề 1. Những quy định chung về phòng, chống mại dâm; biện pháp và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình trong phòng, chống mại dâm (20 câu)
Câu hỏi số 1
Chị H có căn hộ cho thuê nhưng chị không biết người thuê căn hộ của mình đã sử dụng căn hộ làm địa điểm bán dâm. Có người nói việc chị H cho thuê căn hộ như vậy vẫn bị coi là tội chứa mại dâm. Xin hỏi thế nào là chứa mại dâm ? Hành vi của chị H có phải là chứa mại dâm không?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm thì chứa mại dâm là hành vi sử dụng, thuê, cho thuê hoặc mượn, cho mượn địa điểm, phương tiện để thực hiện việc mua dâm, bán dâm và đây là một trong những hành vi vi phạm pháp luật bị nghiêm cấm.
Cho thuê, cho mượn địa điểm, phương tiện để hoạt động mại dâm là hành vi của tổ chức, cá nhân có quyền quản lý, chiếm hữu, sử dụng hoặc định đoạt tài sản mà cho thuê, cho mượn để hoạt động mại dâm.
Trường hợp chị H cho thuê căn hộ thuộc quyền quản lý, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt của mình nhưng không biết mục đích của người thuê căn hộ là để sử dụng vào hoạt động bán dâm nên hành vi của chị H không phải là chứa mại dâm.
Câu hỏi số 2
Xin cho biết các hành vi vi phạm pháp luật bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm?
Trả lời :
Điều 4 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm quy định nghiêm cấm các hành vi sau đây:
- Mua dâm (là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu)
- Bán dâm (là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác)
- Chứa mại dâm (là hành vi sử dụng, thuê, cho thuê hoặc mượn, cho mượn địa điểm, phương tiện để thực hiện việc mua dâm, bán dâm)
- Tổ chức hoạt động mại dâm (là hành vi bố trí, sắp xếp để thực hiện việc mua dâm, bán dâm)
- Cưỡng bức bán dâm (là hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn buộc người khác phải thực hiện việc bán dâm)
- Môi giới mại dâm (là hành vi dụ dỗ hoặc dẫn dắt của người làm trung gian để các bên thực hiện việc mua dâm, bán dâm)
- Bảo kê mại dâm (là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín hoặc dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực để bảo vệ, duy trì hoạt động mại dâm)
- Lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm;
- Các hành vi khác liên quan đến hoạt động mại dâm theo quy định của pháp luật.
Câu hỏi số 3
Xin cho biết tổ chức hoạt động mại dâm và môi giới mại dâm có khác nhau không? Thế nào là tổ chức hoạt động mại dâm, môi giới mại dâm?
Trả lời :
Tổ chức hoạt động mại dâm và môi giới mại dâm là những hành vi khác nhau. Theo giải thích tại Khoản 5, Khoản 7 Điều 3 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, tổ chức hoạt động mại dâm và môi giới mại dâm được hiểu như sau:
- Tổ chức hoạt động mại dâm là hành vi bố trí, sắp xếp để thực hiện việc mua dâm, bán dâm.
- Môi giới mại dâm là hành vi dụ dỗ hoặc dẫn dắt của người làm trung gian để các bên thực hiện việc mua dâm, bán dâm.
Tổ chức hoạt động mại dâm, môi giới mại dâm đều là những hành vi vi phạm pháp luật và bị nghiêm cấm theo Pháp lệnh phòng, chống mại dâm.
Câu hỏi số 4
Thế nào là bảo kê mại dâm và các hành vi khác liên quan đến hoạt động mại dâm
Trả lời :
Khoản 8 Điều 3Pháp lệnh phòng, chống mại dâm giải thích về bảo kê mại dâm như sau:
- Bảo kê mại dâm là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín hoặc dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực để bảo vệ, duy trì hoạt động mại dâm.
- Đối với các hành vi khác liên quan đến hoạt động mại dâm, theo giải thích tại Điều 3 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP, là hành vi tiếp tay, che giấu, dung túng để tạo điều kiện, khuyến khích các hoạt động mại dâm
Bảo kê mại dâm và các hành vi khác liên quan đến hoạt động mại dâm là những hành vi vi phạm pháp luật và bị nghiêm cấm theo Pháp lệnh phòng, chống mại dâm.
Câu hỏi số 5
Xin cho biết trách nhiệm của cá nhân trong phòng, chống mại dâm ?
Trả lời :
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, các cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm.
Điều 8 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP quy định mọi cá nhân có trách nhiệm:
- Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm;
- Tham gia tích cực các hoạt động phòng, chống mại dâm;
- Giáo dục, quản lý, ngăn ngừa để thành viên trong gia đình mình không tham gia tệ nạn mại dâm;
- Phát hiện, cung cấp kịp thời các thông tin về tệ nạn mại dâm cho cơ quan Công an hoặc cơ quan khác có thẩm quyền.
Câu hỏi số 6
Là cô bé ham chơi, lười lao động lại thích ăn chơi, hưởng thụ, T đã nghe bạn xấu rủ rê vào con đường bán thân nuôi miệng. Bố mẹ nhiều lần khuyên can, thậm chí đã có lần bắt nhốt T trong nhà để ngăn cản T nhưng T vẫn chứng nào tật ấy. Quá buồn vì không giáo dục được T, gia đình T tuyên bố từ con. Xin cho biết trách nhiệm của gia đình trong phòng, chống mại dâm nói chung và trách nhiệm của gia đình có người bán dâm nói riêng được pháp luật quy định như thế nào ?
Trả lời:
Điều 13 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm và Khoản 1 Điều 9 Nghị định 178/2004/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của gia đình trong phòng, chống mại dâm nói chung như sau:
Gia đình có trách nhiệm giáo dục các thành viên của gia đình về lối sống lành mạnh, phát huy truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình văn hoá; phối hợp với cơ quan, tổ chức và Uỷ ban nhân dân địa phương trong việc giáo dục, quản lý thành viên của gia đình có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm, tạo điều kiện để họ hoà nhập cộng đồng.
Đồng thời, mỗi gia đình có trách nhiệm giáo dục các thành viên trong gia đình về các nội dung:
+ Xây dựng gia đình hoà thuận, sống chung thuỷ lành mạnh;
+ Tuyên truyền, giáo dục các thành viên trong gia đình mình về phòng, chống mại dâm;
+ Tham gia tích cực các hoạt động phòng, chống mại dâm;
+ Phối hợp chặt chẽ và giúp đỡ Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức hữu quan tiến hành quản lý, giáo dục người có hành vi mua dâm, bán dâm ở tại địa phương.
Ngoài trách nhiệm nêu trên, gia đình có người bán dâm còn có trách nhiệm:
+ Quản lý, giúp đỡ, chăm sóc người bán dâm được giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo sự hướng dẫn, giám sát của tổ chức, cá nhân được phân công giúp đỡ và của chính quyền cơ sở;
+ Quản lý, giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn người bán dâm tái phạm hoặc có hành vi gây mất trật tự an toàn xã hội;
+ Động viên, giúp người bán dâm xoá bỏ mặc cảm, tạo điều kiện để họ hoà nhập cộng đồng.
Câu hỏi số 7
Xin cho biết trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong phòng, chống mại dâm?
Trả lời :
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống mại dâm; động viên, khuyến khích việc phát hiện, tố giác, đấu tranh với tệ nạn mại dâm và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm.
Câu hỏi số 8.
Đề nghị cho biết trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận trong phòng, chống mại dâm?
Trả lời:
Điều 9 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
- Phối hợp chặt chẽ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tuyên truyền, vận động, giáo dục, phổ biến pháp luật về phòng, chống mại dâm;
- Giáo dục thành viên của tổ chức mình thực hiện pháp luật về phòng, chống mại dâm;
- Tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mại dâm;
- Tham gia giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm để giúp người bán dâm hoà nhập cộng đồng.
Câu hỏi số 9
Nội dung tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mại dâm được pháp luật về phòng, chống mại dâm quy định như thế nào ?
Trả lời :
Theo Điều 10 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm và Điều 4 Nghị định 178/2004/NĐ-CP, nội dung tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mại dâm được quy định như sau:
Tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm là biện pháp quan trọng để mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình chấp hành và tích cực tham gia hoạt động phòng, chống mại dâm.
Việc tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm phải kết hợp với tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma tuý và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS.
Nội dung tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm bao gồm:
- Tác hại nhiều mặt của tệ nạn mại dâm;
- Nguy cơ cao của bệnh dịch HIV/AIDS đối với người mại dâm, người nghiện ma túy;
- Các chủ trương, chính sách, biện pháp, những mô hình, kinh nghiệm về phòng, chống mại dâm;
- Quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm, ma túy và phòng, chống HIV/AIDS;
- Các biện pháp phòng, chống mại dâm, ma túy và phòng, chống HIV/AIDS;
- Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân trong phòng, chống mại dâm, ma túy và phòng, chống HIV/AIDS.
- Tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hoá, đạo đức, lối sống lành mạnh;
Câu hỏi số 10
Khi nhà trường tổ chức buổi sinh hoạt ngoại khóa với chủ đề pháp luật về phòng, chống mại dâm, nhiều học sinh cho rằng việc tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm trong trường học là không đúng đối tượng. Xin cho biết nhà trường có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống mại dâm không ?
Trả lời :
Phòng, chống mại dâm là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân trong đó có nhà trường. Điều 12 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm quy định trách nhiệm của nhà trường và các cơ sở giáo dục khác trong tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm như sau:
- Tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mại dâm. Nội dung tuyên truyền, giáo dục phải phù hợp với từng loại hình trường học, trình độ, lứa tuổi, giới tính của học sinh, sinh viên, học viên và phong tục, tập quán của các dân tộc;
- Phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức và Uỷ ban nhân dân địa phương quản lý chặt chẽ học sinh, sinh viên, học viên; tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm; động viên, khuyến khích học sinh, sinh viên, học viên tích cực tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm.
Câu hỏi số 11
Xin cho biết nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống mại dâm trong nhà trường được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời:
Nội dung tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mại dâm đối với học sinh, sinh viên, học viên trong các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề được quy định rõ tại Điều 6 Nghị định 178/2004/NĐ-CP bao gồm:
- Tác hại nhiều mặt của tệ nạn mại dâm đối với xã hội, đối với danh dự, nhân phẩm, sức khỏe con người; ảnh hưởng đến vấn đề bình đẳng giới, đến chiến lược phát triển con người ở Việt Nam;
- Các biện pháp phòng, chống tệ nạn mại dâm;
- Chính sách và pháp luật phòng, chống mại dâm;
- Các hình thức xử lý vi phạm pháp luật về mại dâm;
- Trách nhiệm của công dân trong phòng, chống tệ nạn mại dâm.
Căn cứ vào nội dung nêu trên, các trường xây dựng nội dung tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mại dâm cụ thể cho phù hợp với loại hình trường học của mình.
Câu hỏi số 12
Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, nhà trường có trách nhiệm phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức và Uỷ ban nhân dân địa phương quản lý chặt chẽ học sinh, sinh viên, học viên. Xin cho biết nội dung phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương trong quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên phòng, chống mại dâm ?
Trả lời :
Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 178/2004/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, nội dung phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương trong quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên phòng, chống mại dâm bao gồm:
- Thường xuyên liên lạc, trao đổi với gia đình của học sinh, sinh viên, học viên và Uỷ ban nhân dân địa phương nơi nhà trường đóng trên địa bàn đó về công tác phòng, chống mại dâm;
- Tổ chức các cuộc toạ đàm trao đổi giữa các bên về công tác phòng, chống mại dâm, về biện pháp và các hoạt động giáo dục phòng ngừa phù hợp với lứa tuổi, giới tính, tôn giáo của học sinh, sinh viên, học viên;
- Tổ chức các hoạt động xã hội trên địa bàn với sự tham gia của học sinh, sinh viên, học viên.
Câu hỏi số 13
Nhà nước thực hiện các biện pháp nào trong phòng, chống mại dâm? Đề nghị cho biết cụ thể về biện pháp kinh tế - xã hội trong phòng, chống mại dâm?
Trả lời
Nhà nước thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, kinh tế - xã hội, hành chính, hình sự và các biện pháp khác để phòng, chống mại dâm; kết hợp chặt chẽ các biện pháp phòng, chống mại dâm với phòng chống ma túy và phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS. Riêng biện pháp kinh tế - xã hội trong phòng, chống mại dâm được Điều 10 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP quy định rõ với những nội dung cụ thể như sau:
- Giải quyết việc làm, tổ chức dạy nghề, hướng nghiệp, xoá đói, giảm nghèo cho những gia đình nghèo, những người không có việc làm. Tạo điều kiện trợ giúp những phụ nữ nghèo được vay vốn, tổ chức tư vấn và hướng dẫn họ tiếp cận với các dịch vụ sản xuất, kinh doanh, sử dụng vốn làm kinh tế để tăng thu nhập theo các chương trình, dự án nhằm ngăn chặn tệ nạn mại dâm phát sinh, phát triển;
- Tổ chức chữa bệnh, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm cho người bán dâm hoàn lương; trợ cấp khó khăn hoặc tạo điều kiện cho họ vay vốn, tư vấn, hướng dẫn phương pháp sản xuất, kinh doanh để họ có thu nhập ổn định;
- Thực hiện chính sách ưu đãi về tài chính, về thuế đối với các cơ sở chữa bệnh, dạy nghề, tạo việc làm cho người bán dâm hoặc các cơ sở kinh doanh có người bán dâm hoàn lương làm việc.
Câu hỏi số 14
Xin cho biết trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong phòng, chống mại dâm ?
Trả lời
Theo quy định tại Điều 19 của pháp Lệnh phòng, chống mại dâm, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm:
- Tổ chức thực hiện phòng, chống mại dâm tại địa phương; lập hồ sơ, thống kê, phân loại đối tượng, rà soát cơ sở kinh doanh dịch vụ để có biện pháp phòng ngừa tệ nạn mại dâm;
- Tổ chức thực hiện việc quản lý, giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người bán dâm và những người có hành vi liên quan đến mại dâm theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
- Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống mại dâm cho nhân dân địa phương.
- Phối hợp với gia đình quản lý, giáo dục các thành viên có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm, tạo điều kiện để họ hòa nhập cộng đồng.
- Phối hợp với nhà trường trong quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm.
Câu hỏi số 15
Gần đây trong phản ánh về hoạt động mại dâm ở một số nhà hàng massase các cơ quan báo chí thường sử dụng cụm từ “cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm” Xin cho biết những cơ sở kinh doanh dịch vụ nào thuộc diện dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm ?
Trả lời :
Lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mai dâm là hành vi vi phạm pháp luật bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 4 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm.
Theo Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP, những cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm là những cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, dịch vụ văn hoá hoặc các dịch vụ khác có sử dụng lao động là vũ nữ, tiếp viên, nhân viên phục vụ nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, ăn uống, giải trí, thư giãn, chăm sóc sức khỏe, như: khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, nhà hàng, nhà trọ, biệt thự kinh doanh du lịch, căn hộ kinh doanh du lịch, căn hộ cho thuê, vũ trường, karaokê, xoa bóp, tắm hơi, tắm nóng lạnh, cắt tóc - gội đầu máy lạnh, cà phê đèn mờ...
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ có trách nhiệm thực hiện đúng quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm trong hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ sở mình.
Câu hỏi số 16
Để phòng, chống mại dâm, pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm?
Trả lời:
Để phòng, chống mại dâm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm, Điều 11 Nghị định 178/2004/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, quy định trách nhiệm của các cơ sở này như sau:
- Chấp hành nghiêm chỉnh các tiêu chuẩn, điều kiện cấp phép, điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật;
- Đăng ký kinh doanh và có giấy phép kinh doanh theo quy định của pháp luật; không được sử dụng người lao động dưới 18 tuổi làm những công việc tiếp xúc trực tiếp với khách hàng có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể lực, trí lực và nhân cách của họ; ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người lao động và quản lý hoạt động của các nhân viên này theo quy định của pháp luật về hợp đồng lao động. Chủ cơ sở, người quản lý, điều hành phải kiểm tra bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn của người lao động trước khi thực hiện hợp đồng lao động và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc người lao động không có chứng chỉ hành nghề;
- Ký cam kết với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cơ sở hoạt động kinh doanh về việc không để tệ nạn mại dâm xảy ra ở cơ sở mình; thực hiện các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm;
- Quản lý, kiểm tra, hướng dẫn người lao động, thực hiện đăng ký tạm trú cho những người thuộc diện phải đăng ký tạm trú với cơ quan Công an có thẩm quyền; xuất trình Giấy chứng minh nhân dân, hợp đồng lao động, giấy chứng nhận của chính quyền địa phương nơi người đó thường trú xác nhận là người của địa phương hoặc giấy báo tạm vắng để đi làm ăn sinh sống và bản cam kết không tham gia tệ nạn mại dâm, khi được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu;
- Tổ chức khám sức khoẻ định kỳ hàng qúy cho người lao động và theo dõi, giám sát việc điều trị bệnh;
- Người lao động làm việc trong các cơ sở kinh doanh, dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm phải có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với công việc được giao theo quy định của pháp luật; chấp hành các quy định về quản lý hộ khẩu, khám sức khoẻ theo định kỳ và cam kết không vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm.
Câu hỏi số 17
Lê 16 tuổi, có ý định xin làm nhân viên trong nhà hàng phục vụ ăn uống, giải trí, thư giãn để kiếm thêm thu nhập nhưng lại phân vân vì có ý kiến cho rằng cơ sở kinh doanh dịch vụ đáp ứng nhu cầu ăn uống, giải trí, thư giãn, chăm sóc sức khỏe... không được sử dụng người dưới 18 tuổi làm việc. Lê muốn biết ý kiến đó có đúng không ?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định 178/2004/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, cơ sở kinh doanh dịch vụ đáp ứng nhu cầu ăn uống, giải trí, thư giãn, chăm sóc sức khỏe thuộc nhóm các cơ sở kinh doanh, dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm. Vì thế, việc sử dụng lao động trong các cơ sở này phải tuân theo các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm. Một trong những quy định đó là không sử dụng người lao động dưới 18 tuổi làm những công việc tiếp xúc trực tiếp với khách hàng có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể lực, trí lực và nhân cách của họ.
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phục vụ nhu cầu ăn uống, giải trí, thư giãn vẫn có thể được nhận người lao động dưới 18 tuổi vào làm việc (như trường hợp của Lê 16 tuổi), tuy nhiên, không được bố trí họ làm những công việc tiếp xúc trực tiếp với khách hàng có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể lực, trí lực và nhân cách của họ.
Câu hỏi số 18
Nghĩ rằng ông Lâm - người có nhà ngay sát bên cạnh cơ sở kinh doanh dịch vụ massage đã báo với chính quyền địa phương về hoạt động mại dâm của cơ sở mình, chủ cơ sở đã thuê những kẻ đầu gấu, bảo kê mại dâm đến đập phá đồ đạc trong nhà ông Lâm và đánh cảnh cáo ông với lý do ông đã cản trở việc làm ăn của họ. Xin hỏi Nhà nước có chế độ thế nào đối với người phát hiện, tố giác hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm? Trường hợp người phát hiện, tố giác, đấu tranh phòng, chống mại dâm bị thiệt hại tài sản thì được đền bù như thế nào?
Trả lời :
Chế độ của nhà nước đối với người phát hiện, tố giác đấu tranh phòng, chống mại dâm được quy định tại Khoản 2 Điều 21 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm:
Người phát hiện, tố giác, đấu tranh phòng, chống mại dâm được bảo vệ và giữ bí mật; trường hợp bị thiệt hại tài sản thì được đền bù; nếu bị thương tích, tổn hại về sức khoẻ hoặc bị thiệt hại về tính mạng thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Khoản 1 Điều 13 Nghị định 178/2004/NĐ-CP cũng quy định trường hợp người phát hiện, tố giác, đấu tranh phòng, chống mại dâm nếu bị thiệt hại về tài sản thì được đền bù giá trị tài sản bị thiệt hại.
Kinh phí đền bù cho người bị thiệt hại về tài sản do ngân sách địa phương đảm bảo
Câu hỏi số 19
Xin cho biết chế độ, chính sách trợ cấp đối với người tham gia phòng, chống mại dâm bị thiệt hại về sức khoẻ và tính mạng được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời :
Khoản 2, 3, và 4 Điều 13 Nghị định 178/2004/NĐ-CP quy định về chế độ, chính sách đền bù, trợ cấp đối với người tham gia phòng, chống mại dâm bị thiệt hại về sức khoẻ và tính mạng như sau:
- Người phát hiện, tố giác, đấu tranh phòng, chống mại dâm nếu bị thương, bị suy giảm khả năng lao động thì được trợ cấp chi phí y tế, trợ cấp mất khả năng lao động theo mức độ suy giảm sức lao động nhưng tối đa không vượt quá 20.000.000 đồng.
- Người phát hiện, tố giác, đấu tranh phòng, chống mại dâm nếu bị chết thì gia đình hoặc người đại diện hợp pháp được nhận trợ cấp một lần bằng tiền, mức trợ cấp bao gồm các chi phí thực tế nhưng tối đa không quá 50.000.000 đồng.
- Cán bộ, công chức khi thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống mại dâm nếu bị thương thì được hưởng chính sách, chế độ tương tự như đối với thương binh; nếu hy sinh thì được xem xét để công nhận là liệt sỹ theo quy định của pháp luật.
Kinh phí trợ cấp cho người bị thiệt hại về sức khoẻ và tính mạng do ngân sách địa phương đảm bảo.
Câu hỏi số 20
Xin cho biết những cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra việc phòng, chống mại dâm tại cơ sở kinh doanh dịch vụ; kiểm tra, thanh tra hoạt động báo chí, xuất bản, dịch vụ văn hóa thông tin, sản xuất, lưu hành, sử dụng dược phẩm kích thích tình dục ?
Trả lời :
Điều 12 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP quy định các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ; kiểm tra, thanh tra hoạt động báo chí, xuất bản, dịch vụ văn hóa thông tin, sản xuất, lưu hành, sử dụng dược phẩm kích thích tình dục là các cơ quan thanh tra của các ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hoá - Thông tin, Y tế, Thương mại, Du lịch hoặc các cơ quan chuyên trách về phòng, chống mại dâm của các ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an.
Tuỳ theo tình hình thực tế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thể thành lập các đội kiểm tra liên ngành giữa các cơ quan trên để tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm.
Tài liệu khác.............................