Liên kết website

CHUYỆN Ở TỔ DÂN PHỐ SỐ 1

03/08/2016

Các nhân vật: - Ông Huy: Tổ trưởng tổ dân phố số 1 - Ông Mạnh: Hàng xóm nhà ông Huy - Bà Lan: vợ ông Huy - Ông Hoà: Phó chủ tịch phường - Chị Mai: công chức uỷ ban phường

Cảnh 1: (Tại nhà ông Huy), ông Huy đang ngồi uống nước chè trong nhà thì ông Mạnh sang chơi.
Ông Mạnh: Ông bà Huy có nhà không đấy?
Bà Lan: Chào ông Mạnh, mời ông vào nhà uống nước, trà dư tửu hậu với ông lão nhà tôi.
Ông Huy: Ah, ông Mạnh, chẳng mấy khi được ông hàng xóm sang chơi sớm thế này, sẵn có ấm trà ngon mới pha, mời ông vào nhà.
Ông Mạnh: Quý hoá gì đâu, ông bà cứ khách khí. Tôi là tôi bận lắm, bình thường đâu có thời gian rảnh giao du sang nhà ai bao giờ. Bữa nay, tôi có việc muốn sang hỏi ý kiến tố trưởng tổ dân phố về một số việc, cũng không ngồi lâu để trà nước với ông bà được.
Ông Huy: Biết là ông rất bận nên chúng tôi cũng đâu dám giữ lại lâu. Cơ mà bận thế nào thì cũng ngồi xuống uống chén trà đi đã.
Ông Mạnh: Thôi thôi, ông Huy này, tôi đi thẳng vào vấn đề luôn nhé. Ông là cán bộ tư pháp về hưu nên chắc chắn ông nắm rõ Luật hơn người dân chúng tôi rồi. Không hiểu phường có việc gì mà hôm nào cũng như hôm nào, cứ sáng ngày ra cái loa phường cứ inh ỏi nhắc đi nhắc lại cái nội dung gì về trưng cầu ý dân với trưng cầu dân ý cái gì gì đó. Nhưng tôi hỏi ông thế Quốc hội mới ban hành Luật trưng cầu ý dân a?
             Ông Huy: Ông quan tâm tới chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật mới của Đảng, Nhà nước như vậy là tốt đấy.  Ngày 25 tháng 11 năm 2015, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII (kỳ họp thứ 10) thông qua Luật trưng cầu ý dân số 96/2015/QH13. Luật Trưng cầu ý dân được ban hành tạo một phương thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước trong từng thời điểm cụ thể. Việc ban hành Luật trưng cầu ý dân góp phần tạo ra cơ sở pháp lý đồng bộ và những điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp thực hành dân chủ, sử dụng phương thức trưng cầu ý dân để thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước, đáp ứng nhu cầu khách quan trong sự nghiệp đổi mới đất nước đấy ông ạ.
              Ông Mạnh: nếu vậy thì nhà nước mình rất dân chủ và tôn trọng ý kiến người dân ông nhỉ. Vậy những vấn đề gì thì nhà nước sẽ trưng cầu dân ý?
             Ông Huy: Điều 6 Luật trưng cầu dân ý năm 2015 quy định Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân về các vấn đề sau đây: (1) Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; (2) Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia; (3) Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước; (4) Vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước
Ông Mạnh: quy định là như vậy, nhưng tôi ngại rằng việc lấy ý kiến nếu không cẩn thận là dễ rơi vào hình thức lắm.
Ông Huy: Ông yên tâm, trưng cầu ý dân là một phương thức để dân chúng ta thể hiện trực tiếp ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước trong từng thời điểm cụ thể. Luật cũng đã quy định rõ kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân nên không thể nói là hình thức được. Đồng thời, Luật còn quy định Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc tổ chức trưng cầu ý dân.  Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và Nhân dân giám sát việc tổ chức trưng cầu ý dân theo quy định của pháp luật.
 Ông Mạnh: ôi, pháp luật quy định rất chặt chẽ rồi đấy. Vậy những ai sẽ được trưng cầu dân ý hả ông?
Ông Huy: Luật quy định cử tri trong trưng cầu ý dân cơ bản thống nhất như cử tri trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Cụ thể là: Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên tính đến ngày trưng cầu ý dân có quyền bỏ phiếu để biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, trừ trường hợp: thứ nhất, là người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang phải chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri. Thứ hai là, người đã có tên trong danh sách cử tri nếu đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị kết án tử hình, phải chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì Ủy ban nhân dân cấp xã xóa tên người đó trong danh sách cử tri và thu hồi thẻ cử tri.
Ông Mạnh: nhưng tôi thấy bà con vẫn chưa hiểu được trong trường hợp nào thì nhà nước sẽ công nhận kết quả trưng cầu ý dân ?
Ông Huy: Luật trưng cầu ý dân mới được ban hành, các cấp, các ngành đang triển khai công tác tuyên truyền, giới thiệu Luật này tới toàn thể nhân dân. Vì vậy, dần dần người dân sẽ hiểu được thôi. Về công nhận kết quả trưng cầu ý dân, Luật trưng cầu ý dân quy định: (1) Cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được ít nhất ba phần tư tổng số cử tri cả nước có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu; (2) Nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành có giá trị thi hành; đối với trưng cầu ý dân về Hiến pháp thì phải được hai phần ba số phiếu hợp lệ tán thành.
Ông Mạnh: Vậy để tôi nó cho bà con hiểu và nghiêm chỉnh chấp hành. Thực hiện Luật này cũng là đảm bảo quyền được bày tỏ ý kiến của mình với vấn đề quan trọng của Đất nước, là niềm vinh dự và trách nhiệm của mình ông ạ.
Ông Huy: Ông hiểu như vậy là đúng lắm, chúng ta cần tuyên truyền lại cho gia đình, hàng xóm, mọi người cùng hiểu, chấp hành pháp luật thì mình đã gop phần nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân đấy ông ạ.
Ông Mạnh: Hôm nay tôi phấn khởi quá, sang ông được ướng chè ngon và lại được biết thêm nhiều điều bổ ích nữa. Cảm ơn ông nhiều.
Các tin cũ hơn
Các tin đã đưa ngày: