Liên kết website

Di chúc viết tay có hợp pháp

14/03/2012

Ông An vốn có 2 bà vợ, người vợ đầu có với ông một cậu con trai nhưng đã ra đi trong một vụ tai nạn khi bé Kiên mới 3 tuổi. Vài năm sau, ông đi bước nữa và có thêm một cô con gái. Bà Hường - vợ ông bây giờ không ưng cháu Kiên. Từ nhỏ cháu Kiên thường xuyên bị bà Hường hắt hủi, rỉa róc là kẻ ăn bám, là đứa mang xui xẻo đến người khác, nên giữa hai người không có tình cảm gì với nhau, ông An ra sức hàn gắn tình cảm nhưng cũng không cải thiện được mối quan hệ mẹ kế - con chồng

Kiên vừa thi đỗ đại học, mới lên Hà Nội nhập trường được ba tháng, niềm vui của bố con ông chưa được bao lâu thì ông nhận được tin dữ - ông đã bị ung thư - một căn bệnh mà đến nay y học chưa tìm ra thuốc chữa. Thằng Kiên sau này biết nương tựa vào ai? còn việc học hành? ai lo lập gia đình cho nó? Bấy nhiêu câu hỏi cứ luẩn quẩn trong đầu ông. Suy nghĩ mãi, rồi ông quyết định: mình phải để lại di chúc, tránh gây thêm mâu thuẫn về sau. Nghĩ là làm, ông đã mất 2 ngày để viết di chúc, tài sản của ông không có nhiều, chỉ có căn nhà vợ chồng ông đang ở và một số tiền tài sản khác trị giá khoảng 600 triệu đồng. Ông để lại nhà đất cho thằng Kiên vì vốn dĩ căn nhà này do ông và mẹ thằng Kiên tạo dựng nên, còn tiền thì thằng Kiên được hưởng 50 triệu để lo ăn học, phần còn lại 500 triệu để lại cho mẹ con bà Hường.

Viết di chúc xong, ông An lại đắn đo: Liệu di chúc mình viết tay có giá trị pháp lý không nhỉ? Có khi mình phải đi hỏi cho kỹ.

          Một buổi sáng, ông mang bản di chúc đến Uỷ ban nhân dân phường để hỏi về giá trị pháp lý của bản di chúc. Người ta chỉ ông vào phòng Tư pháp - hộ tịch trên tầng 2. Ông bước vào phòng, trong phòng có 3 người, ông cất tiếng chào:

- Chào các cháu, tôi muốn nhờ các cháu giải thích cho tôi hiểu về di chúc.

- Chào bác, mời bác ngồi.

          Một chị đứng dậy, tiến về phía ông An nói:

- Vâng, cháu là Đào, công chức tư pháp sẽ giúp bác tìm hiểu quy định pháp luật về di chúc.

          Ông An lấy bản di chúc từ trong cặp ra, đặt lên bàn:

- Tôi viết di chúc để phân chia tài sản, nhưng tôi không biết bản viết tay thế này thì có hiệu lực pháp lý không?

- Bản di chúc này hoàn toàn là ý chí của bác? Có ai can thiệp về việc phân chia tài sản không ạ?

- Không, không có ai biết gì cả. Tự tôi lập theo ý chí của tôi.

- Vâng, vậy thì về mặt hình thức thì bản di chúc của bác hoàn toàn có giá trị pháp lý đấy ạ. Bộ luật dân sự năm 2005 đã quy định rất rõ tại Điều 649 và Điều 650 là di chúc phải lập thành văn bản, bao gồm: di chúc bằng văn bản không có người làm chứng (tức là như bản di chúc của bác đây), di chúc bằng văn bản có người làm chứng, di chúc bằng văn bản có công chứng, di chúc bằng văn bản có chứng thực.

- Sao chỉ về mặt hình thức thôi à? Thế còn nội dung có hợp pháp không hả cháu?

- Về mặt nội dung của di chúc. Theo Điều 653 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định di chúc phải ghi rõ: ngày, tháng, năm lập di chúc; họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc; họ tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản; di sản để lại và nơi có tài sản; chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ bác ạ. Trong di chúc này, bác chưa ghi rõ địa chỉ nhà đất ở đâu nên bác cần bổ sung thêm.

Nhân đây cháu muốn hỏi bác vài điều nhằm đảm bảo tính hiệu lực pháp lý của di chúc. Thứ nhất, số tài sản trong này có phải thuộc quyền sở hữu của riêng bác không ạ. Cụ thể là về ngôi nhà và số tiền 600 triệu.

- Về ngôi nhà thì do tôi và mẹ cháu Kiên tạo dựng từ khi mới kết hôn, mẹ cháu không may qua đời khi cháu mới 3 tuổi, gia đình tôi vẫn sống ở đó đến nay. Còn số tiền này là của tôi và bà vợ hai bây giờ, chúng tôi tích cóp được sau 14 năm chung sống.

- Từ ngày mẹ em Kiên mất, có ai đến đòi chia nhà đất không ạ?

- Không có ai.

- Vâng. Sở dĩ cháu hỏi bác như vậy vì liên quan đến các quy định pháp luật. Nhà và đất bác sử dụng ổn định, hợp pháp từ đó đến nay mà không có ai tranh chấp về quyền thừa kế thì thuộc quyền sử dụng, quyền sở hữu hợp pháp của bác nên bác có toàn quyền quyết định. Còn số tiền, tài sản khác trị giá 600 triệu đồng, vì đây là tài sản của bác và bác gái cùng làm ra nên theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình thì là tài sản chung vợ chồng đấy bác ạ, bác chỉ được định đoạt ½ số tài sản đó, tức là 300 triệu thôi.

- À, có quy định thế hả cháu. Thế tôi có quyền sửa lại di chúc này không?

- Có chứ bác. Theo quy định tại Điều 662 của Bộ luật dân sự năm 2005 thì bác có quyền sửa đổi, bổ sung, thậm chí là thay thế hay huỷ bỏ di chúc vào bất kỳ lúc nào. Bác cũng có thể công chứng bản di chúc tại Văn phòng công chứng hoặc ra Uỷ ban nhân dân phường để làm thủ tục chứng thực di chúc để bảo đảm tính pháp lý cao hơn, bác ạ.

- Ừ, cám ơn cháu, bây giờ thì tôi đã hiểu.

- Có gì chưa rõ, bác đến đây cháu giải thích cho.

Ông An đứng dậy: Ừ, thôi bác về nhé (và quay sang mọi người) Chào các cháu, các cháu làm việc nhé.

- Vâng, chào bác ạ

          Ông An ra về, mà lòng thanh thản, nhẹ nhõm, những lo âu của ông đã có lời giải.
Các tin cũ hơn
Các tin đã đưa ngày: