Tủ sách pháp luật
35 Câu tình huống tiếp cận pháp luật
Câu 1. Ở địa phương tôi thời gian qua, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện bằng rất nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thu hút đông đảo người dân tham gia tìm hiểu pháp luật. Vậy luật có những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật nào? Có bắt buộc phải áp dụng tất cả các hình thức đó hay không?
Trả lời:
Theo Điều 11, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012, phổ biến giáo dục pháp luật được thực hiện dưới những hình thức sau đây:
1. Họp báo, thông cáo báo chí.
2. Phổ biến pháp luật trực tiếp; tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật.
3. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh, internet, pa-nô, áp-phích, tranh cổ động; đăng tải trên Công báo; đăng tải thông tin pháp luật trên trang thông tin điện tử; niêm yết tại trụ sở, bảng tin của cơ quan, tổ chức, khu dân cư.
4. Tổ chức thi tìm hiểu pháp luật.
5. Thông qua công tác xét xử, xử lý vi phạm hành chính, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hoạt động khác của các cơ quan trong bộ máy nhà nước; thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở.
6. Lồng ghép trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của tổ chức chính trị và các đoàn thể, câu lạc bộ, tủ sách pháp luật và các thiết chế văn hóa khác ở cơ sở.
7. Thông qua chương trình giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân.
8. Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật khác phù hợp với từng đối tượng cụ thể mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể áp dụng để bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đem lại hiệu quả.
Các hình thức trên rất phong phú và đa dạng; căn cứ vào tình hình, điều kiện thực tế của địa bàn và tính chất đặc điểm của từng nhóm đối tượng, nội dung tuyên truyền phổ biến cụ thể mà áp dụng cho phù hợp không nhất thiết phải bắt buộc áp dụng tất cả các hình thức trên.
Tài liệu khác.............................