Liên kết website

Tủ sách pháp luật

“Tổ hòa giải điểm” - Mô hình hòa giải hiệu quả và cần nhân rộng tại cơ sở

Kể từ khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành, công tác tổ chức và hoạt động của các tổ hòa giải cơ sở ở Hà Nam có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều mô hình tổ hòa giải mới, hiệu quả đã ra đời. Tiêu biểu trong số đó là mô hình “Tổ hòa giải điểm” tại xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Trước thời điểm sáp nhập thôn, xã Chân Lý có 18 tổ hòa giải (thuộc 18 thôn), đến nay, sau sáp nhập xã còn 9 tổ hòa giải (thuộc 9 thôn) với 111 hòa giải viên. Sự gia tăng về địa bàn, dân cư, số lượng vụ việc… trong khi nhân sự các tổ hòa giải không tăng, nên đã gây ra một số khó khăn nhất định cho công tác hòa giải ở cơ sở của xã. Trước tình hình đó, mô hình “Tổ hòa giải điểm” tại thôn 6 Đức Yên, xã Chân Lý đã được hình thành với nhiều cách làm sáng tạo để khắc phục khó khăn của công tác hòa giải cơ sở tại địa phương.

Thôn 6 Đức Yên thuộc xã do 2 xóm Đồng Yên, Đức Thông hợp nhất nên có những khác biệt nhất định về tập quán sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng trong cộng đồng dân cư. Do vậy, công tác nhân sự của tổ hòa giải có vai trò quyết định với hoạt động của tổ hòa giải trong tình hình mới. Theo đó, nhân sự tổ hòa giải được định hướng lựa chọn theo tiêu chí: bảo đảm dân chủ, sự đồng đều về thành phần, địa bàn, phù hợp với đặc điểm, tình hình; hòa giải viên phải thực sự là những người có sự gần gũi, hiểu biết về cộng đồng dân cư; có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín và khả năng thuyết phục, vận động nhân dân.

Để giải quyết khó khăn về địa bàn dân cư rộng lớn cần chú trọng phát huy vai trò của từng cá nhân hòa giải viên gắn với mỗi khu vực sinh sống trong việc chủ động nắm bắt tình hình trước khi tổ hòa giải tiến hành hòa giải vụ việc. Bằng những cách làm chủ động, tích cực đó, từ năm 2019 đến nay, “Tổ hòa giải điểm” thôn 6 Đức Yên đã tiến hành hòa giải 12 vụ việc trong phạm vi thẩm quyền, tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 80%, trong đó, đa phần các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật xảy ra trong nội bộ dân cư thuộc địa bàn thôn là các vụ việc dân sự, hôn nhân, gia đình…

Ưu điểm nổi bật của mô hình “tổ hòa giải điểm” là: linh hoạt về thủ tục; gần gũi, thân mật trong giao tiếp, ứng xử; thành phần tổ hòa giải gồm những người hiểu biết pháp luật, có uy tín, trách nhiệm, nhiệt tình trong cộng đồng dân cư (bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng các ngành, đoàn thể, thanh tra nhân dân…).

Từ những ưu điểm đó, mô hình tổ hòa giải cơ sở dễ bám sát cuộc sống người dân ở mỗi địa bàn và nhờ đó nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp được hòa giải kịp thời. Hầu hết những vụ việc mâu thuẫn chưa đến mức xử lý hình sự, hành chính trên địa bàn dân cư được các tổ hòa giải phát hiện kịp thời và tập trung giải quyết dứt điểm ngay tại cơ sở.

Trên cơ sở hoạt động có hiệu quả của tổ hòa giải Thôn 6 Đức Yên, tháng 11/2019, xã Chân Lý đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện thành lập mô hình “Tổ hòa giải điểm”. UBND xã sẽ áp dụng nhiều biện pháp tăng cường nguồn lực, hỗ trợ hòa giải viên tham gia mô hình tại thôn 6 Đức Yên, từ đó rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp nhân rộng mô hình trên toàn xã, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải cơ sở trên địa bàn. Cụ thể, với tính chất của từng vụ việc hòa giải, cán bộ, công chức chuyên môn của UBND xã (tư pháp – hộ tịch, địa chính, tài chính…) sẽ phối hợp chặt chẽ ngay từ bước đầu với thành viên “Tổ hòa giải điểm” trong việc hỗ trợ thu thập, xác minh thông tin, hướng dẫn quy trình hòa giải... Cùng với đó, cán bộ MTTQ, các đoàn thể tăng cường gắn trách nhiệm với công tác hòa giải ở cơ sở, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, đoàn viên tham gia tích cực vào hoạt động hòa giải. Với những vụ việc phức tạp, có yếu tố xử lý vi phạm hành chính, hình sự, UBND xã định hướng các tổ hòa giải tích cực tham gia vào công tác nắm bắt thông tin ban đầu, cung cấp thông tin tới cơ quan chuyên môn, phối hợp, trao đổi nghiệp vụ. Nhờ đó, nhiều vụ việc tranh chấp phức tạp được giải quyết. Điển hình như vụ việc tranh chấp quyền sử dụng đất giữa người con trai cả và 2 người con thứ của một gia đình kéo dài gần một năm trên địa bàn xã. Vụ việc hết sức phức tạp do sự khác biệt giữa người đứng tên đấu thầu mảnh đất, người có quyền sử dụng đất và người được thừa kế. Tuy nhiên, nhờ có sự phối hợp của tổ hòa giải, từ thu thập thông tin, tìm hiểu bản chất vấn đề, nắm bắt nhu cầu nguyện vọng của từng bên liên quan… nên vụ việc tưởng chừng phức tạp đã được hòa giải thành, không dẫn đến khiếu kiện. 

Từ thực tế trên cho thấy, việc triển khai, nhân rộng các tổ hòa giải cơ sở, nhất là mô hình “Tổ hòa giải điểm” tiêu biểu rất cần được quan tâm đúng mức, qua đó tạo sự đồng đều, bền vững cho hoạt động hòa giải ở cơ sở, động viên đội ngũ hòa giải viên tích cực, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, hóa giải những vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh ngay tại cơ sở, hạn chế khiếu kiện, đơn thư vượt cấp, giữ vững sự ổn định về an ninh trật tự, giữ gìn sự đoàn kết và tình làng, nghĩa xóm ở mỗi cộng đồng dân cư.
Thảo Anh

Các tin đã đưa ngày: