Liên kết website

Không phải trò đùa

11/10/2012

Chị Duyên là một người hàng xóm tốt bụng của gia đình tôi. Chồng chị mất sớm, chị phải một mình vất vả nuôi hai đứa con ăn học. Thằng Hữu – con trai lớn của chị năm nay học lớp 6, còn bé Liên thì mới học lớp 1.

Hôm nay, đi làm về, nghe mẹ tôi nói chuyện hình như thằng Hữu con nhà chị Duyên gây ra chuyện gì ấy mà Công an xã phải mời chị Duyên ra Ủy ban giải quyết, tôi vội sang ngay nhà chị Duyên xem có chuyện gì. Vừa đi đến sân đã thấy thằng Hữu. Nó chào tôi rồi cúi mặt đi vào trong nhà.

- Em chào chị! Giờ này chị vẫn chưa chuẩn bị cơm chiều mà còn làm gì đấy ạ. Tôi chào và hỏi chị.

Trông thấy tôi, chị Duyên bỏ cái thúng đang đan dở xuống đất, chị đáp lời:

- Cô mới đi làm về à? Vào nhà đi cô. Chị đang tranh thủ đan mấy cái thúng để đến phiên chợ sắp tới mang bán, kiếm được đồng nào hay đồng ấy cô ạ. Cơm nước nhà chị đơn giản lắm. Chút nữa nấu ù cái là xong í mà.

Ngồi xuống cạnh chị, tôi hỏi:

- Hình như sáng nay, cháu Hữu…

Không đợi tôi nói hết câu, chị Duyên thở dài cắt ngang:

- Đấy cô xem, chị vất vả cho chúng nó ăn học, thế mà thằng Hữu nó...Chả là sáng nay, nó với mấy đứa trẻ trong xóm đi chăn trâu ngoài đồng, không hiểu đùa nghịch thế nào mà lại đi ném đất, đá vào đoàn tàu chở khách đến nỗi bị đưa hết về công an xã giải quyết. Rõ là khổ, con với cái, học lớp 6 rồi mà còn chưa biết thế nào là đúng, là sai.

Chị Duyên vừa ngừng kể, tôi gọi với vào buồng trong:

- Hữu ơi, ra đây cho cô hỏi xem chuyện sáng nay như thế nào?

Thằng Hữu rụt rè bước ra. Cái Liên nghe thấy thế cũng bỏ quyển truyện tranh, chạy ra ngồi vào lòng mẹ. Kéo Thằng Hữu lại gần, tôi hỏi:

- Sao cháu lại ném đất đá lên tàu?

Thằng Hữu lí nhí trả lời:

- Tại các bạn bảo ném đá vào tàu đang chạy nghe kêu như pháo rất thích ạ, nên khi thấy tàu đến, bọn cháu ném thử xem thế nào.

Chị Duyên nhìn con trách cứ:

- Đúng là nghịch dại! Con có biết làm như vậy rất nguy hiểm cho những người trên tàu không?

Tôi nhẹ nhàng đỡ lời cho thằng Hữu:

- Hành vi ném đất, đá vào tàu của cháu Hữu là sai, nhưng em nghĩ, do cháu nó chưa biết về các quy định của pháp luật, cũng như chưa phân biệt được đâu là trò nghịch đùa và hành vi vi phạm pháp luật nên mới có những hành động dại dột như vậy. Vì thế, người lớn chúng ta cần chỉ cho các cháu thấy đây là hành vi gây nguy hiểm về sức khỏe, tính mạng cho hành khách trên tàu đồng thời làm thiệt hại tài sản của nhà nước để tránh cho các cháu lặp lại hành vi đó chị ạ.

Chị Duyên rót chén nước và nói:

- Chị cũng biết vậy, sự việc lần này một phần cũng do lỗi của chị đã không bảo ban cháu đến nơi đến chốn. Sáng nay, các anh trên Ủy ban xã cũng nói với chị về trách nhiệm của gia đình phối hợp với chính quyền trong việc giáo dục, nhắc nhở con em mình thấy được sự nguy hiểm từ việc ném đá lên tàu.

Tôi tiếp lời chị:

- Đúng đấy chị ạ. Em biết nhiều địa phương, nơi có đường tàu chạy qua như xã ta đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt cho nhân dân sinh sống hai bên đường sắt. Chính quyền xã mình cũng vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, trong đó có việc không xâm hại đến an toàn giao thông đường sắt.

- Thế hả cô. Tôi cứ quần quật từ tinh mơ đến tối nên cũng không biết nhiều.

Đến đây, con bé Liên nói chen vào:

- Trường cháu cũng phát động phong trào bảo vệ đường sắt đấy cô ạ. Cô nghe có hay không này: “Em yêu đường sắt quê em”! Trường của anh Hữu cũng có đấy, cô cứ hỏi anh ấy mà xem.

Thằng Hữu lườm con bé, rồi nói:

- Vâng, ở trường cháu có phong trào “Đoạn đường sắt em chăm”. Bạn nào có hành vi ném đất đá lên tàu sẽ bị nêu tên trước toàn trường. Tại sáng nay bọn cháu ham nghịch quá, nên…- thằng Hữu ngập ngừng.

Thấy vậy, chị Duyên tiếp lời con:

- Hôm nay ở trên Ủy ban xã, cu cậu cũng biết lỗi và nhận ra bài học nhớ đời rồi. Cũng may, hành vi của cháu chưa gây ra hậu quả gì nên chỉ bị nhắc nhở và viết kiểm điểm thôi, chứ nếu làm hành khách bị thương hay làm vỡ cửa kính tàu thì không biết rồi sẽ ra sao.

Để chia sẻ kiến thức pháp luật với chị và các cháu, tôi nói:

- Thế này chị ạ, theo quy định của pháp luật, thì hành vi ném đất, đá hay bất cứ vật gì khác vào nhà, tàu, thuyền, xe lửa hoặc các phương tiện giao thông khác, vào người, đồ vật, tài sản của người khác là những hành vi vi phạm về trật tự công cộng và sẽ bị xử phạt hành chính. Mức xử phạt đối với những hành vi này là phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng[1].

Nghe tôi nói vậy, chị Duyên tỏ vẻ ngạc nhiên:

- Thế hả cô? Sao chị không thấy cháu bị phạt tiền gì cả? Nếu bị phạt thì số tiền ấy cũng bằng cả tháng chi tiêu của nhà chị! Hay là các anh ở Ủy ban xã thấy hoàn cảnh nhà chị “mẹ góa con côi” nên thông cảm không phạt, hả cô?

Tôi cười nhẹ nhàng giải thích cho chị:

- Trước pháp luật, mọi người đều bình đẳng. Ai có hành vi vi phạm thì đều phải chịu trách nhiệm theo quy định, không có chuyện thông cảm hay nể nang ở đây chị ạ. Chỉ vì cháu Hữu mới 11, 12 tuổi nên chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính. Vì vậy, như em đã nói lúc trước, biện pháp đối với các cháu chủ yếu là nhắc nhở, giáo dục giúp các cháu ý thức được hành vi ném đất đá lên tàu là sai.

Tôi vừa dứt lời thì chị Duyên tiếp lời luôn:

- Đấy, con nghe cô nói chưa hả Hữu? Ném đất đá vào tàu là hành vi vi phạm pháp luật chứ không phải trò nghịch vui đấu nhé. Con nhớ không được lặp lại đâu đấy! Các con phải sống sao để trở thành người tốt, có ích cho xã hội, bố các con nơi chín suối cũng mới yên lòng được.

Nói đến đây thì chị Duyên đã rơi nước mắt từ bao giờ. Thằng Hữu ngồi bên đã tỏ ra hiểu chuyện và rất hối hận về hành động của mình. Nó chỉ cúi mặt, lắng nghe và không nói gì.

Có tiếng mẹ gọi, tôi xin phép chị ra về. Chị cũng đứng dậy chuẩn bị bữa cơm chiều.

Thấp thoáng sau rặng cây, một đoàn tàu vun vút lao qua, tiếng còi tàu vang lên như gửi lời chào đến làng quê yên bình của tôi.

[1] Điểm d, Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 73/2010 ngày 12/7/2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội

Các tin đã đưa ngày: