Liên kết website

Bảo vệ ngôi chùa quê hương

11/10/2012

Chùa Quang Minh cổ kính tọa lạc bên cạnh một triền sông xanh mát. Năm vừa rồi, chùa Quang Minh đã được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chứng nhận là di tích lịch sử văn hóa. Từ ngày đó, du khách thập phương đến lễ bái nhiều hơn, cảnh chùa cũng thêm phần nhộn nhịp.

Bãi cỏ xanh trước cổng chùa là nơi Minh thường cùng lũ bạn vui đùa. Cứ ngày ngày sau khi tan học, lũ trẻ con trong xóm lại rủ nhau ra cổng chùa bày ra đủ trò chơi, từ thả diều, đá bóng đến đánh trận giả. Chẳng biết từ khi nào mà tình yêu của Minh dành cho di tích lịch sử của quê hương đã ăn sâu vào máu thịt. Những ngày chủ nhật được nghỉ học, cậu thường rủ bạn bè cùng lớp ra quét dọn giúp sư thầy khiến cho cảnh chùa lúc nào cũng sạch sẽ, tinh tươm.

Gia đình Minh có một quán nước nhỏ nằm dưới gốc cây đa gần cổng chùa. Gọi là quán nước nhưng thực ra cũng chỉ là mấy bộ bàn ghế, chút ít hoa quả, tiền vàng phục vụ khách đường xa đến vãn cảnh chùa dừng lại nghỉ chân. Từ ngày chùa Quang Minh được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, du khách kéo về đây ngày một đông nên việc làm ăn của gia đình cũng ngày càng khấm khá.

Một buổi tối, Minh đang dọn hàng phụ bố mẹ thì chợt nghe bố nói chuyện với mẹ:

- Mình à! Dạo này, dịp lễ tết, ngày rằm, mùng một khách rất đông mà quán nước của nhà ta đơn sơ quá. Chỗ che mưa, che nắng cũng chẳng có. Hay là ta xây quán ở đây để mình bán hàng cho tiện hơn.

Mẹ Minh lúc đó đang thoăn thoắt rửa cốc chén, nghe vậy, nghĩ ngợi đăm chiêu một lúc rồi nói:

- Vậy mình định xây như thế nào? Xây quán thì cũng phải xin phép Ủy ban, xin phép nhà chùa chứ? Đất nhà chùa chứ có phải đất mình đâu?

- À, tôi nghĩ kỹ lắm rồi, đã xây phải xây cho nó chắc, xây to một chút để sau này mình tiện buôn bán. Phía nhà chùa thì không lo đâu. Tôi sẽ nhờ chú Đức, bảo vệ chùa nói với sư thầy. Dù gì thì chú ấy cũng là họ hàng nhà mình, chắc là chú ấy sẽ giúp thôi. Còn các bác ở Ủy ban xã, chắc là không sao đâu vì hồi trước nhà mình xin phép bán nước ở đây, các bác ấy cũng đồng ý đấy thôi.

Từ nãy đến giờ, Minh ngồi lặng nghe bố mẹ nói chuyện. Nghe đến đây, cậu bỗng bật dậy như một cái lò xo, chạy đến trước chỗ bố mẹ phân bua:

- Không xây quán được đâu bố ạ. Ở trường con được học là phải giữ gìn cảnh quan di tích văn hóa. Nếu mình xây nhà trái phép ở khu di tích là vi phạm pháp luật và bị xử phạt đấy bố mẹ ạ.

Bố Minh nhìn thấy con trai phân trần như vậy bỗng bật cười rồi xoa đầu Minh trìu mến:

- Con còn nhỏ nên chưa hiểu hết đấy thôi. Nhà mình chỉ xây ngoài cổng chùa, có phạm vào đất chùa đâu mà vi phạm. Với lại, xây quán bán nước, kiếm thêm nhiều tiền thì con càng có tiền tiêu vặt chứ sao?

- Con không cần tiền tiêu vặt, con chỉ thích chùa được sạch đẹp thôi. Nếu bố mẹ xây quán, rồi người khác cũng xây quán ở cổng chùa thì cổng chùa sẽ thành cái chợ mất, đến lúc ấy thì ai đến tham quan nữa ạ?

Nghe đến đây thì bố và mẹ càng cười to hơn. Mẹ vỗ vào vai Minh, khéo trách:

- Gớm. Cho anh đi học nhiều rồi bây giờ anh lý sự quá. Thôi, anh dọn hàng cho mẹ đi rồi còn học bài sớm.

Mẹ từ từ đẩy Minh về chỗ cốc chén mà Minh đang rửa. Sau đó, hai bố mẹ lại tiếp tục bàn với nhau về việc mua vật liệu và thuê nhân công để xây quán. Nhìn dáng vẻ quả quyết của bố mẹ, Minh biết rằng mình chẳng thể thuyết phục được nữa. Cậu chỉ ước là cậu hiểu biết nhiều hơn về pháp luật để giải thích cho bố mẹ.

Đêm hôm đấy, Minh nằm trằn trọc mãi mà không ngủ được. Minh muốn tìm một ai đó có thể thay mình ngăn bố mẹ lại. Chợt Minh bỗng mỉm cười sung sướng. Cậu đã nghĩ ra một người vừa giỏi về pháp luật, vừa giỏi về tuyên truyền có thể giúp được cậu trong việc này. Nghĩ đến đấy thì mắt Minh díp lại. Gió từ triền sông thổi vào mát rượi, ru Minh dần chìm vào giấc ngủ, trên miệng cậu vẫn nhoẻn một nụ cười.

****

Hôm đấy là ngày mùng một âm lịch, lại là ngày chủ nhật nên khách từ muôn nẻo đường đổ về nhộn nhịp hơn ngày thường. Quán nước nhà Minh đông khách hẳn. Cả buổi sáng, Minh giúp được bố mẹ bao nhiêu là việc, ai đi qua cũng khen cậu chăm chỉ. Đến trưa, khách cũng vãn dần, mẹ tranh thủ ra ngoài chợ mua ít hoa quả về thắp hương, chỉ còn bố và Minh trông hàng.

Hai bố con đang ngồi chơi thì bác Nam phó chủ tịch xã, từ từ dắt chiếc xe đạp tiến về quán nước. Vừa nhìn thấy bác, bố Minh đã mời chào:

- Bác phó chủ tịch tranh thủ đi lễ chùa đấy ạ? Bác vào quán em nghỉ chân chút đã.

- Vâng, anh cho tôi xin chén nước - Bác đáp lại lời bố Minh, dựng chiếc xe đạp một bên, rồi ngồi xuống bên cạnh Minh. – Hôm nay được ngày nghỉ, tranh thủ đưa bà xã lên chùa.

Bố Minh nhanh chóng rót chén nước chè xanh, đặt cẩn thận phía trước. Bác đón lấy, nhẹ nhàng uống từng ngụm. Từ từ thưởng thức chén chè thơm, bác xoay người, nhìn chăm chăm về phía cổng chùa. Được một lúc, bác quay về phía bố Minh bắt chuyện:

- Cảnh chùa ta đẹp thật đấy anh Phương nhỉ. Tôi đi nhiều nơi mà ít thấy nơi đâu có được di tích lịch sử đẹp như ở quê ta. Cũng may là người dân ở xã chúng ta có ý thức giữ gìn, chứ không như ở những nơi khác, người dân cứ đua nhau xây hàng quán ở trước cổng chùa. Việc đấy vừa vi phạm pháp luật, vừa mất cảnh quan.

Câu nói dường như động chạm đến những gì mà bố Minh đang suy nghĩ. Với giọng đầy ngạc nhiên, bố Minh hỏi lại:

- Xây hàng quán trước cổng chùa mà cũng là vi phạm pháp luật hả bác? Em không hiểu lắm, nhờ bác giải thích cụ thể hơn cho em và cháu Minh đây được biết.

- Ừ, đúng là vi phạm pháp luật đấy anh ạ. – Bác Nam từ tốn trả lời – Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc bảo tồn những di sản văn hóa. Chính vì vậy, nhà nước đặt ra những quy định pháp luật rất nghiêm ngặt để bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa. Để tôi cho anh xem nhé.

Vừa nói, bác Nam lấy ở trong chiếc cặp da ra một quyển sách, lật vài trang rồi chỉ cho bố Minh:

- Đây nhé, - Bác Nam giảng giải- Theo Luật Di sản văn hóa, Điều 13, thì việc chiếm đất đai của khu di tích bị nghiêm cấm. Những hành vi này bị xử phạt nặng lắm – Bác lật từng trang sách, đọc theo một cách chậm rãi – theo Điều 34 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP thì hành vi xây dựng trái phép trong các khu vực di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh bị xử phạt từ 20 đến 30 triệu đồng. Người vi phạm còn bị buộc phải tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.

Minh cùng bố nghe bác Nam đọc những quy định pháp luật một cách chăm chú. Những kiến thức pháp luật mà bác nêu ra quả thật rất tuyệt. Nghe bác kể, Minh mới hiểu thêm rằng nhà nước ta đã ban hành những quy định pháp luật rất chặt chẽ để bảo vệ các di sản văn hóa, đồng thời trừng trị rất nghiêm minh những kẻ chiếm đoạt, hủy hoại, mua bán trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia…

Còn bố Minh thì chuyển hết từ sự ngạc nhiên này đến sự ngạc nhiên khác khi nghe những lời phân tích đó, dường như còn nhiều điều băn khoăn, bố hỏi lại bác:

- Bác Nam ạ, đất đai phía bên ngoài cổng chùa không thuộc khu di tích. Việc xây dựng quán xá phía bên ngoài sao lại có thể là vi phạm pháp luật được?.

Bác Nam nghe câu hỏi đó thì tủm tỉm cười rồi chìa cho bố Minh xem điều luật mà bác vừa đánh dấu:

- Đây anh xem nhé. Theo Điều 32 của Luật di sản văn hóa thì khu vực bảo vệ di tích gồm hai phần. Khu vực một là vùng có các yếu tố gốc tạo nên di tích. Khu vực hai là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực một. Cả hai khu vực này, trong trường hợp có yêu cầu xây dựng những công trình phục vụ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích thì cũng không được làm ảnh hưởng tới kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

- À ra thế. – Bố Minh có vẻ rất ngỡ ngàng với câu trả lời – Nếu như ở chùa Quang Minh của chúng ta, thì khu vực ngoài cổng chùa là khu vực hai và được nhà nước bảo vệ, nếu ta muốn xây dựng thì phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Còn nếu cứ cố tình xây dựng trái phép thì là vi phạm pháp luật phải không bác?

- Đúng đấy anh ạ. Nhưng anh lưu ý, như tôi nói lúc trước, trong trường hợp cần thiết phải xây dựng thì chỉ được xây dựng công trình phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Nếu như chùa Quang Minh ở xã ta cần phải xây dựng công trình như thế thì cũng phải được sự đồng ý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Ngừng lại uống chén nước chè, bác Nam nói tiếp: - Bây giờ người ta cứ đua nhau xây dựng quán xá ở những khu di tích lịch sử văn hóa, khiến cho các khu di tích càng ngày càng xuống cấp. Các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp xử lý rồi nhưng vì cái lợi trước mắt mà một số người dân vẫn chưa có ý thức trong việc bảo vệ, giữ gìn di tích lịch sử văn hóa. Cứ cái đà này, đến lúc cu Minh lớn lên, các di sản văn hóa này sẽ bị mai một hết. Mỗi người dân phải có ý thức bảo vệ những di sản mà cha ông để lại, đây vừa là trách nhiệm theo quy định pháp luật, vừa là trách nhiệm đạo đức. – Rồi bác quay về phía Minh nói – Tôi nghe cháu Minh kể là anh chị định xây một quán nước nhỏ ở phía ngoài cổng chùa, nhưng chắc bây giờ thì anh đã hiểu việc này là trái pháp luật rồi chứ?.

Nghe bác Nam nói về dự định của mình, bố Minh tự nhiên đỏ mặt, cười xòa chữa ngượng:

- Vâng, nhờ có bác mà em hiểu thêm nhiều điều. Vợ chồng chúng em sẽ không làm như thế nữa. Xây hàng quán trước cổng chùa vừa làm mất cảnh quan vừa bị xử phạt nặng theo pháp luật nữa. - Rồi bố vỗ vỗ vào vai Minh nói – Con trai em cũng tinh nghịch quá bác nhỉ!

Từ nãy đến giờ Minh cứ tủm tỉm cười thầm. Cảm giác thấy mình làm được một việc có ích, cậu thấy rất vui. Cậu càng tự hào hơn khi nghe bác Nam khen: “cháu Minh tuy nhỏ mà đã học được nhiều điều hay, cháu phải cố gắng học để sau này xây dựng quê hương giàu đẹp hơn”.

Các tin đã đưa ngày: