Liên kết website

Người con hiếu thảo

11/10/2012

Nhà Hương rất nghèo. Là chị cả trong một gia đình, tuổi thơ của Hương không được may mắn như những bạn bè cùng trang lứa. Khi Hương vừa tròn 10 tuổi, mẹ Hương đã bị căn bệnh trầm cảm sau khi sinh đứa em út rồi biến chứng sang một dạng tâm thần phân liệt. Bán trâu, bán hết lúa trong nhà, bố đưa mẹ ra Hà Nội chữa bệnh.

Sau một thời gian điều trị ở Bệnh viện, số tiền mang theo cũng đã hết nhẵn. Bố Hương đưa mẹ về quê tiếp tục điều trị tại nhà. Nhưng căn bệnh của mẹ Hương không có dấu hiệu thuyên giảm mà ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Mẹ Hương không còn nhận ra ngay các con của mình nữa.

Khi trong nhà không còn cái gì đáng giá để bán lấy tiền mua thuốc điều trị cho mẹ, bố Hương quyết định để các con ở nhà và ra Hà Nội làm thuê. Bố đi vắng, mẹ bị bệnh, các em còn nhỏ, cô bé Hương lúc đó mới 13 tuổi đã phải gánh vác toàn bộ trách nhiệm trong một gia đình: làm cha, quán xuyến tất cả công việc; làm mẹ, chăm lo miếng cơm, manh áo hàng ngày cho mẹ và các em; làm bảo mẫu, chăm lo cho các em. Ngoài ra, Hương còn phải lo vệ sinh giặt giũ cho mẹ, bón cơm cho mẹ ăn, cho mẹ uống thuốc và dỗ dành mẹ khi mẹ lên cơn bệnh …

Buổi sáng, Hương dậy sớm làm mọi việc trong nhà, giặt quần áo, nấu ăn cho các em, bón cơm cho mẹ, chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho mẹ rồi đến trường. 

Buổi trưa cho mẹ và các em ăn xong, em vội đạp chiếc xe đạp cà tàng đến quán cơm thị trấn rửa bát thuê kiếm đồng tiền công ít ỏi thêm vào tiền mua thuốc, mua thức ăn cho mẹ và em.

Tối, sau khi tắm rửa thay quần áo cho mẹ, dỗ em ngủ xong, Hương mới có thời gian học tập để chuẩn bị năm tới thi vào lớp 10. Nhưng vất vả nhất đối với Hương là dỗ mẹ uống thuốc. Có lần khi cho mẹ uống thuốc, vừa cho thuốc vào miệng rồi, vừa dỗ mẹ uống một ngụm nước cho thuốc trôi vào trong thì mẹ bất ngờ phun thẳng cả nắm thuốc vào mặt em.

“Những lúc đó em chỉ biết khóc thôi, tủi thân thì ít mà thương mẹ thì nhiều. Em lo mẹ uống thuốc không đủ liều thì bệnh càng lâu khỏi”.

Bà nội, bà ngoại đều tuổi đã cao nên cũng chẳng giúp chị em Hương được nhiều. Các chú, các dì cũng khó khăn, vất vả nuôi con ăn học nên chỉ giúp đỡ chị em Hương được một phần. Còn lại phải trông vào tài quán xuyến việc nhà của em. Với số tiền mỗi tháng bố gửi về gần 1 triệu đồng cộng với số tiền đi rửa bát thuê, Hương tằn tiện chi tiêu để dành tiền mua thuốc cho mẹ và mua thức ăn cho cả nhà.

“Chị em mình khoẻ mạnh, ăn như thế nào cũng được nhưng em Út còn bé đã thiệt thòi nhiều thứ phải để dành phần tốt cho em”, Hương thường nói với Thành, em thứ hai như vậy. Có những ngày bố chưa kịp gửi tiền về, còn một ít tiền Hương chỉ dám để dành mua thức ăn cho mẹ và mua ít thịt nấu cháo cho em út ăn, còn hai chị em Hương và Thành ăn cơm với mấy quả cà mặn chát.

Theo thời gian, bệnh của mẹ có dấu hiệu thuyên giảm, mẹ không còn la hét hay đập phá nữa mà chỉ ngồi nói luyên thuyên cả ngày. Những lúc tỉnh táo hiếm hoi, mẹ cũng giúp Hương nấu nồi cơm nhưng phần sống luôn nhiều hơn phần chín. Những lúc như thế, Hương càng hy vọng ngày mẹ khỏi bệnh sẽ không còn xa.

Cuộc sống tuy khó khăn vất vả nhưng Hương rất cố gắng học. Em thường được các thày, cô giáo trong trường nêu gương là một trong những học sinh nghèo vượt khó.  Năm tới Hương đã bước vào lớp 10. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi hiếm hoi, Hương tập trung ôn luyện kiến thức cho kỳ thi lớp 10 sắp tới. Nói về dự định tương lai của mình, Hương tâm sự: “Mơ ước của em là trở thành giáo viên hoặc bác sỹ. Vì thế em rất muốn được tiếp tục đi học. Nhưng đó chỉ là ước mơ, không biết em còn có thể đến trường được nữa hay không, khi gia đình quá khó khăn, mẹ còn đau ốm và các em còn nhỏ quá, em không thể ích kỷ mà chỉ nghĩ cho riêng mình được”.

Nói như vậy, nhưng không phải không có lúc Hương muốn buông xuôi tất cả. Tuổi đời còn quá nhỏ so với gánh nặng gia đình đang đè lên đôi vai của em, khiến em không ít lần muốn gục ngã. Thế nhưng tình thương với cha mẹ, với các em; trước trách nhiệm, bổn phận làm con, Hương đã gạt nước mắt, đứng dậy tận dụng tất cả quỹ thời gian của mình để chăm sóc mẹ và các em, để bố yên tâm làm việc.

Trong đợt tuyên dương các tấm gương “Người con hiếu thảo” của địa phương, Hương đã vinh dự nhận Bằng khen. Trên sân khấu buổi lễ vinh danh, Hương nghẹn ngào: “Đã là con thì phải hiếu thảo với cha mẹ. Dẫu khó khăn, cực nhọc em cũng chịu được, chỉ mong mẹ nhanh khỏi bệnh để cả gia đình được xum vầy bên nhau, để em có điều kiện được tiếp tục đi học”.

Tin vui bất ngờ đến với Hương, sau lễ tuyên dương, một nhà hảo tâm đã nhận đỡ đầu Hương, giúp em thực hiện ước mơ của mình, vì như nhà hào tâm đó đã nói: những người con hiếu thảo như Hương là tấm gương sáng cho tinh thần sống đẹp, sống có ích trong xã hội còn nhiều những tệ nạn như hiện nay.

 

 Nghĩa vụ và quyền của con

Con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ, lắng nghe những lời khuyên bảo đúng đắn của cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.

Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.

Nghiêm cấm con có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm cha mẹ.

(Điều 35 Luật hôn nhân và gia đình)

Các tin đã đưa ngày: