Liên kết website

CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM CHO NGƯỜI BỊ TAI NẠN LAO ĐỘNG

30/12/2016

NHÂN VẬT Chị Hương: Vợ công nhân bị nạn Ông Kha: Bác họ của Hương Chiến: Con trai ông Kha

[Ông Kha và Chiến vừa đến bệnh viện thì gặp Chị Hương đang xách chai nước lavie từ phòng Hồi sức cấp cứu đi ra]
Chiến: Chị Hương, chị Hương! Chị đây rồi, anh Chúng thế nào rồi chị?
Ông Kha: Cháu à, bác nghe tin chồng cháu bị tai nạn từ chiều qua, nhưng bác phải đợi thằng Chiến hôm nay nghỉ làm mới đưa bác vào thăm hai cháu được. Tình hình thế nào rồi cháu?
Chị Hương: Bác sĩ đã phẫu thuật cho chồng cháu, hiện giờ anh ấy đang nằm trong phòng hồi sức bác và em ạ. Cũng may, tai nạn không ảnh hưởng đến tính mạng ạ, không thì cháu cũng không biết phải làm sao nữa.
Chiến: Trong hoàn cảnh này chị phải bình tĩnh và cố gắng chị nha.
Chị Hương: Chị biết rồi em.
Ông Kha: Bác định vào thăm nó tý, thế bác sĩ có cho người nhà vào không cháu?
Chị Hương: Dạ, mẹ cháu đang ở trong đó với anh Chúng. Bác sĩ với điều dưỡng đang cho anh ấy làm xét nghiệm lại bác ạ. Cháu đang định tranh thủ ra quầy thanh toán để hỏi các thủ tục làm bảo hiểm xã hội cho chồng cháu.
[Chiến dìu bố cùng chị Hương ra dãy ghế ngồi chờ của bệnh viện]
Chiến: Em nghe mọi người ở nhà kể lại là anh Chúng bị máy cắt văng vào chân trong lúc đang làm việc trong xưởng, sự việc thế nào hả chị?
Ông Kha: Em Chiến từng học Luật ra, lại đang làm việc cho công ty Luật trên thành phố nên cũng có hiểu biết về kiến thức pháp luật. Nếu có gì không rõ về quy định và thủ tục cháu cứ hỏi em nó.
Chị Hương: Dạ vâng, cháu cũng đang tính gọi điện hỏi chú ấy mà ngại chú bận nhiều việc.
Chiến: Thế từ lúc anh bị tai nạn đến giờ, công ty anh ấy đã xuống thăm chưa chị?
[Chị Hương chậm rãi kể lại sự việc của chồng cho mọi người nghe]
Chị Hương: Họ vừa mới từ đây ra về đấy chú. Anh Chúng chồng cháu làm việc cho công ty đóng tàu này cũng được hơn hai năm nay rồi. Mọi khi, cả xưởng làm việc đều an toàn. Chả hiểu sao, chiều qua, trong lúc đang cắt nhôm sắt thì máy cắt có vấn đề, anh Chúng và một công nhân khác bị máy rơi vào chân gây tai nạn. Sau đó, công ty đã đưa hai người vào bệnh viện này cấp cứu. Sáng nay, họ cũng cử người đến thăm và có đưa cháu 5 triệu để đóng viện phí trước. Họ nói, con cứ cầm lo cho anh Chúng trước, các thủ tục và chế độ sẽ làm sau. Từ lúc con nghe tin chồng cháu gặp nạn đã vội xuống ngay nên cũng không mang theo nhiều tiền nên cháu cứ nhận tạm tiền của họ trước đã bác ạ.
Ông Kha: Trời đất, con nhà người ta làm việc cho họ bao nhiêu năm nay rồi, đến lúc bị tai nạn thế này mà định đền bù có 5 triệu thôi á? Thế thì vô phúc quá, làm ăn sao thành đạt được.
Chiến: Từ từ đã bố, chưa gì bố đã kết luận rồi.
Ông Kha: Ừ, thì bố cũng lo thế thôi, chứ hai vợ chồng nó đã khó khăn, giờ lại bị thế này thì làm ăn sao được, để phục hồi sức khỏe cũng tốn kém lắm.
Chị Hương: Họ cũng giải thích cho cháu là sau khi bác sĩ thăm khám và có kết luận cuối cùng thì công ty sẽ cùng với người của bên bảo hiểm xuống làm việc và thỏa thuận mức thanh toán chi phí và bồi thường cho chồng cháu.
[Trong lúc ngồi nói chuyện với chị Hương, Chiến đã dùng điện thoại tra cứu lại chính xác các văn bản pháp luật có liên quan đến vấn đề tai nạn lao động]
Chiến: Chị Hương này, sau này khi làm việc với bên công ty và bảo hiểm xã hội, chị nhớ phải khẳng định với họ, trường hợp của anh Chúng là tai nạn lao động tại nơi làm việc và trong giờ làm việc theo đúng điều kiện được quy định tại Điều 142, Bộ luật lao động, Điều 12 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP và khoản 1 Điều 43 Luật bảo hiểm xã hội 2014.
Chị Hương: Chị không rành luật lắm đâu, lúc nào họ xuống, em ra nói chuyện giúp chị nhé.
Chiến: Tất nhiên là em sẽ ra làm việc với họ cùng chị, nhưng bất cứ ai, trong hoàn cảnh nào thì cũng nên tìm hiểu và nắm bắt các thông tin, quy định của pháp luật, trong trường hợp không có em ở đây chị còn xử lý cũng như hướng dẫn cho người nhà mình nữa.
Ông Kha: Thế con xem xem, trường hợp của anh con, nó sẽ được hưởng những chế độ gì từ công ty, bên bảo hiểm xã hội và mức bồi thường ra sao?
Chiến: Vâng, thưa bố và chị. Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trước tiên, người bị tai nạn lao động sẽ được giám định mức suy giảm lao động để làm căn cứ tính các mức trợ cấp cụ thể.
Chị Hương: Cụ thể như thế nào hả em?
Chiến: Nếu người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần. Cứ suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở. Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.
Ông Kha: Luật quy định dài quá, con nói sao cho chị con và bố dễ hiểu hơn đi.
Chiến: Vâng bố. Con lấy ví dụ, nếu mức lương cơ sở hiện nay của anh Chúng là 2.400.000 đồng, mà giả sử mức suy giảm khả năng lao động của anh ấy sau khi giám định là 5% thì mức trợ cấp 01 lần sẽ là 12.000.000 đồng. Cứ tăng thêm 1% nữa thì thêm 1.200.000 đồng nữa.
Chị Hương: Nhưng nếu anh Chúng bị trên 30% thì sao hả chú?
Chiến: Không chị ạ. Theo Điều 47 Luật bảo hiểm xã hội 2014, nếu anh nhà mình bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng. Nếu suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở. Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.
Chị Hương: Thôi, chị chả mong nhận nhiều tiền trợ cấp đâu. Chị chỉ mong sao, anh ấy mau chóng hồi phục, rồi anh chị lại chịu khó làm ăn nhưng bao ngày trước thôi.
Ông Kha: Tất nhiên là như thế rồi cháu, sức khỏe, tính mạng con người là quan trọng hàng đầu, còn tính mạng, còn sức khỏe ắt có của cải để ra. Nhưng Nhà nước đã có những chính sách, quy định pháp luật nhằm bảo vệ người lao động rồi thì ta cũng nên biết và tìm hiểu. Hơn nữa, thằng Chúng bị thế này rồi, tương lai hai đứa các cháu rồi cũng vất vả đấy.
[Chị Hương tiếp thu lời bác Kha nói nhưng vẻ mặt vẫn còn buồn và lo lắng]
Chiến: Chị Hương yên tâm, về phía công ty là người sử dụng lao động, theo Bộ Luật lao động, họ sẽ phải có trách nhiệm thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả cho anh Chúng và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định trong trường hợp anh nhà mình không tham gia bảo hiểm y tế. Không những thế, họ còn phải trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho anh nhà mình trong thời gian điều trị nữa.
[Chị Hương suy nghĩ một lúc]
Chị Hương: À, có lần chị cũng nghe anh kể là công ty anh ấy vẫn đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng đó.
Ông Kha: Vậy thì bác nghĩ thủ tục cũng không phức tạp lắm đâu cháu ạ.
Chị Hương: Cháu cũng mong thế bác ạ. Từ hôm qua đến giờ, tiền đóng viện phí rồi tiền phẫu thuật, làm các xét nghiệm cũng hết khá nhiều tiền rồi, cháu đang tính ra hỏi bệnh viện về thủ tục làm bảo hiểm, chứ nếu không thì tốn kém lắm ạ. Mà chú Chiến theo quy định thì bao giờ anh chị được nhận trợ cấp tai nạn lao động?
[Chiến dùng điện thoại kiểm tra nhanh chóng văn bản pháp luật]
Chiến: Đây chị này, theo Điều 48 Luật bảo hiểm xã hội 2014, thời điểm hưởng trợ cấp một lần hay hàng tháng được tính từ tháng người lao động điều trị xong, ra viện.
[Ông Kha thấy rõ sự lo lắng của chị Hương nên đã trấn an chị]
Ông Kha: Cháu đừng lo lắng quá Hương ạ, các cháu còn anh em, họ hàng và bác đây. Nếu tiền viện phí và thuốc thang tốn nhiều tiền, mọi người sẽ giúp hai cháu. Quan trọng nhất bây giờ là thằng Chúng mau chóng hồi phục, còn cháu trong thời gian chăm chồng cũng phải giữ sức khỏe, kẻo người ốm khỏe rồi, cháu lại ngã bệnh thêm.
Chiến: Còn các thủ tục pháp lý với bên công ty và bảo hiểm về việc tai nạn của anh, em sẽ giúp chị.
Chị Hương: Cháu cảm ơn bác, chị cảm ơn em nhiều. Những thế này, may mà chúng cháu còn có anh, có em, có bác Kha đây giúp đỡ.
Ông Kha: Bây giờ, chắc bác sĩ cũng thăm khám, chiếu chụp xong cho thằng Chúng rồi, bác cháu mình vào hỏi thăm và động viên nó thôi.
Chị Hương: Dạ vâng, bác và em đi với cháu theo lối này ạ.
Chiến: Chị đưa em xách chai nước giúp chị cho.
[Chị Hương đưa ông Kha và Chiến vào giường bệnh nơi anh Chúng, chồng chị đang nằm điều trị tại Khoa hồi sức cấp cứu…]
 
 
 
 
 
Các tin đã đưa ngày: