NHÂN VẬT
Nam: Học sinh lớp 4
Hiếu: Học sinh lớp 5
Chị Mai: Mẹ Hiếu
Chị Thủy: mẹ Nam
Anh Tân: Chi hội trưởng Chi hội Nông dân, hòa giải viên
[Hiếu và Nam ở cùng xóm. Hiếu học lớp 5, còn Nam học lớp 4 cùng trường tiểu học. Trên đường đi học về, do va quệt xe đạp với nhau nên Hiếu và Nam đã xảy ra cãi vã, hai em đều bị chày xước chân tay, xe đạp của Hiếu bị hỏng bánh trước. Hiếu cho rằng, tại Nam đi ẩu, phóng vượt xe Hiếu nên cả hai bị ngã. Nam thì đổ tại Hiếu vừa đi vừa dàn hàng ngang với các bạn khác nói chuyện trên đường nên không chú ý người đi đường khác. Thấy Hiếu vừa về đến nhà, mặt mếu máo khóc, chị Mai đã sửng sốt]
Chị Mai: Ối con ơi, con sao thế này? Con nói mẹ nghe xem nào, con bị bạn nào đánh hả Hiếu?
Hiếu: Con đang đi đường tự nhiên thằng Nam nó phóng lên đâm vào xe con làm con bị ngã.
Chị Mai: Sao nó lại đi đứng như thế? Thằng Nam nhà cô Thủy á?
Hiếu: Chính nó đấy mẹ ạ. Con ghét nó. Nó động vào con mấy lần rồi.
Chị Mai: Thôi được rồi, để mẹ dẫn con sang nhà nó ba mặt một lời, mẹ bắt mẹ nó phải đền cho con cho nó chừa thôi, vô cớ làm sao cứ xô xát với con mẹ.
[Chị Mai đưa con sang nhà Nam để bắt đền bố mẹ Nam về việc làm ngã con trai mình. Vừa sang đến nhà thì chị Thủy, mẹ Nam cũng đang bực tức về chuyện con trai mình bị đụng xe với bạn. Hai bên lời qua tiếng lại, không ai chịu nhận lỗi về mình. Cả giận mất khôn, từ chuyện nhỏ của bọn trẻ hai gia đình trở nên mâu thuẫn với nhau, mặc dù là người cùng xóm, cùng thôn, cách nhau vài bước chân. Mấy hôm sau, anh Hân, Chi hội trưởng Chi hội nông dân, hòa giải viên của thôn qua nhà Nam có chút việc riêng, thì được chị Thủy kể lại chuyện hai đứa Nam, Hiếu gây chuyện với nhau khiến gia đình hai bên bất hòa, mâu thuẫn]
Anh Hân: Các chị cũng thật là… chuyện chẳng đâu vào đâu mà cũng cãi cọ, hiểu lầm lẫn nhau.
Chị Thủy: Bây giờ nguôi ngoai rồi nghĩ lại, chị mới thấy mình cũng nóng giận quá. Nhưng mà cũng tại cái cô Mai, sang nhà người ta bắt đền ăn vạ như đúng rồi, xong làm ầm hết lên như thể con mình không có lỗi gì hết ấy.
Anh Hân: Ừ thì hai chị đều nóng, nhưng trước mặt con cái như thế, nhất là khi chúng có lỗi thì mình là bậc phụ huynh phải hết sức nghiêm khắc và chừng mực. Hai chị như thế, bảo sao thằng Nam với thằng Hiếu chả gây sự với nhau cho được. Cũng xóm giềng với nhau thế này, không nên làm căng thẳng mọi chuyện hơn, chị và chị Mai làm hòa với nhau đi cho các con nó hòa đồng.
Chị Thủy: Thôi thì chị cũng sai rồi, có điều giờ bảo chị làm lành với cô Mai kia thì chị chịu thôi.
Anh Hân: Vậy chị có thực sự muốn giảng hòa với chị Mai không? Cháu Nam có muốn chơi với cháu Hiếu nữa không?
[Do nhận ra lỗi của mình rồi nên Nam rất ngượng ngùng khi anh Tân hỏi]
Nam: Dạ, cháu có ạ.
Anh Hân: Còn chị Thủy thì sao?
Chị Thủy: Tất cả là tại cái thằng này này.
[Chị Thủy vẫn còn giận trong lòng vì chuyện của Nam nên vừa nói vừa quay sang ấn Nam dúi dụi]
Anh Hân: Bọn trẻ sai nhưng mình không thể sai được, chị Thủy ạ
Chị Thủy: Chú nói đúng, thôi thì vì con cái tôi cũng sẽ xuống nước, nói chuyện với cô Mai xem sao. Nhưng chú cũng biết cô Mai xưa nay thế nào rồi, tính cô ấy thì chú, người cùng làng còn lạ gì nữa, không dễ mà làm lành với cô ấy đâu. Hôm nọ, cô ấy sang còn đòi tôi phải bồi thường cho con cô ấy kia kìa. Trong khi đó, thằng Hiếu con cô ấy cũng có lỗi. Nếu bắt chị bồi thường thì tôi cũng phải yêu cầu cô ấy bồi thường cho con trai tôi đấy. Con tôi cũng bị thương mà.
Anh Hân: Vậy em nhờ đến Tổ hòa giải của thôn can thiệp giúp chị nhé.
Chị Thủy: Ấy chú Hân, chị không dám làm phiền đến Tổ hòa giải thế đâu. Mấy chuyện cỏn con thế này, chắc Tổ hòa giải cũng không giải quyết, nên thôi chú ạ.
Anh Hân: Sao chị lại nói vậy, Tổ hòa giải ở thôn ta được thành lập để tiến hành hòa giải các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp và vi phạm pháp luật nhằm giữ gìn tình làng nghĩa xóm, tình đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng, tập thể, hàn gắn, vun đắp sự hòa thuận, hạnh phúc cho từng gia đình. Đối với trường hợp này thì lại càng cần phải hòa giải chứ. Các cháu còn học hành, trưởng thành, các chị còn phải gặp và giúp đỡ lẫn nhau nhiều nữa.
Chị Thủy: Thế chuyện của cháu Nam và cháu Hiếu cũng thuộc trường hợp được hòa giải hả chú?
Anh Hân: Vâng, đúng chị ạ. Chắc là chị không biết, Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật sau đây: mâu thuẫn giữa các bên; tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp về quyền sở hữu, nghĩa vụ dân sự, hợp đồng dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất; tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình.
[Anh Tân chưa nói hết thì chị Thủy đã ngắt lời]
Chị Thủy: Thế trường hợp của chị thuộc nội dung nào hả chú Tân?
Anh Tân: Chưa hết đâu chị, các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật được tiến hành hòa giải ở cơ sở còn bao gồm: vi phạm pháp luật chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính; vi phạm pháp luật hình sự trong các trường hợp: không bị khởi tố vụ án và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; pháp luật quy định chỉ khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại, nhưng người bị hại không yêu cầu khởi tố theo quy định và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; vụ án đã được khởi tố, nhưng sau đó có quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng về đình chỉ điều tra theo quy định hoặc đình chỉ vụ án theo quy định và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; vi phạm pháp luật bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định và những vụ, việc khác mà pháp luật không cấm.
Chị Thủy: Quy định dài và nhiều quá chú Tân nhỉ?
Anh Tân: Trường hợp của chị thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở có liên quan đến mâu thuẫn giữa các bên về quan niệm sống, lối sống, cách dạy dỗ con cái và tranh chấp dân sự và yêu cầu bồi thường cho con cái của hai bên khi bị ngã xe.
Chị Thủy: À, ra vậy.
Anh Tân: Chị Thủy và cháu Nam đừng lo, nếu chị và cháu nhận ra lỗi của mình và còn mong muốn giữ tình cảm xóm giềng, hòa thuận với nhà chị Mai thì thật là đáng quý. Tổ hòa giải của thôn ta do bác Trưởng thôn làm tổ trưởng cùng các bác, các cô có uy tín trong thôn sẽ đến gặp gia đình chị Mai cùng chị và cháu để giúp hai gia đình hóa giải mâu thuẫn, cùng giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Chị Thủy: Được như vậy thì thật cảm ơn chú Tân và Tổ hòa giải lắm.
Anh Tân: Nhưng chị và cháu Nam cũng phải rút ra bài học kinh nghiệm cho mình. Đặc biệt là cháu Nam, cháu đã được học về an toàn giao thông rồi thì phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật. Đối với bạn bè, như Hiếu, cháu phải giữ hòa khí, tình bạn, không được xô xát, cãi vã lẫn nhau chỉ vì nhưng mâu thuẫn nhỏ như vụ va chạm xe vào nhau. Đó đều do lỗi của hai bên, một cháu thì phóng nhanh vượt ẩu, một cháu thì dàn hàng ngang trên đường. Như vậy là không được, đã là bạn bè cùng xóm, cùng trường thì phải yêu thương, giúp đỡ nhau cùng nhau tiến bộ, nghe không?
Nam: Dạ vâng, cháu hiểu rồi ạ
[Sau khi nhận được thông báo của anh Tân về trường hợp cần hòa giải, Tổ hòa giải thôn đã cử bác Ánh, tổ trưởng Tổ hòa giải đồng thời là Trưởng thôn cùng anh Tân đến nhà gặp chị Thủy, cháu Nam và gia đình chị Mai để tháo gỡ mâu thuẫn giữa hai bên. Vụ việc được hòa giải thành công]