Liên kết website

CON ĐƯỜNG TƯƠNG LAI

29/12/2017

Nhân vật: Ông Thông: người dân làng Bưởi Anh Mạnh: con rể ông Thông Mai: con gái ông Thông là vợ anh Mạnh Bà Hà: vợ ông Thông

Hoàng hôn buông đỏ rực phía dãy núi xa xa, ông Thông ngồi trầm ngâm uống trà và suy nghĩ về nơi ở tương lai cho gia đình.
Chả là, ở cái vùng nông thôn vốn dĩ yên bình này- nơi mà gia đình ông đã an cư lạc nghiệp mấy thế hệ giờ đây chính quyền cho vào vùng đất qui hoạch làm đường giao thông liên Xã, và gia đình ông thuộc diện phải giải tỏa. Đang miên man trong dòng suy nghĩ bỗng có người gọi và chào ông.
Anh Mạnh: Bố ơi, con chào bố.
Ông Thông: ừ, mới về hả con? Con Mai đâu?
Anh Mạnh: Dạ, nhà con tan làm về sau ạ.
Ông Thông: Bà ơi, con nó về rồi, bà ra chợ mua đồ về làm cơm đi
Bà Hà: Tôi biết rồi! Tôi đi một lát, ông trông hộ tôi nồi cơm nhé!
Anh Mạnh: Bố mẹ cứ để chúng con tự lo ạ
Bà Hà: con nghỉ ngơi đi, đi đường xa chắc mệt lắm, mẹ làm loáng cái là xong mà.
Lúc này anh Mạnh đang ngồi với ông Thông, hai bố con chậm rãi hỏi chuyện nhau
Ông Thông: Con có nghe nói đến việc Tỉnh chuẩn bị làm đường qua làng mình không? Hôm nay bố đi họp về, thấy con đường đó đi ngay qua nhà này đấy con ạ.
Anh Mạnh: Dạ, con có nghe nói đến. Vì làng mình nằm giữa hai xã. Con đường đi qua làng mình rất thuận tiện cho việc đi lại cho người dân ở cả hai bên nên Tỉnh quyết định mở đường đó ạ. Khi nào thực hiện thì sẽ có quyết định thu hồi đất gửi đến cho các hộ dân. Nhà mình nằm trong khu vực cần giải tỏa nên cũng sẽ nhận được quyết định thu hồi đấy bố ạ!
Ông Thông: Ừ, chính sách của nhà nước thì mình phải nghe thôi. Con có biết đất nhà mình sẽ được bồi thường như thế nào không? Giờ bố mẹ chỉ có mảnh đất này để ở thôi. Nhà nước thu hồi rồi thì biết đi đâu bây giờ? Ông Thông nói, vẻ mặt buồn rầu
Anh Mạnh: Không biết nhà đất này của mình đã có Sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất) chưa bố?
Ông Thông:  Bố chỉ có tờ giấy này thôi.
(nói rồi ông đi về phía buồng, lấy ra một tờ giấy đã ngả sang màu vàng )
Đây là đất các cụ để lại, nay các cụ mất cả rồi. Ông nội chỉ có mỗi mình bố. Đây con xem giấy tờ này như thế nào? Nhà mình có được bồi thường không?
Anh Mạnh nhận tờ giấy, đó là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trên đó có dấu đỏ “tạm cấp” được cấp từ năm 1987. Đây chính là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời, xã ban hành loại giấy này nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý và tạo tâm lý an tâm cho người sử dụng đất trong quá trình đợi cấp GCNQSD đất. GNCQSD đất tạm thời cũng có giá trị pháp lý như GNCQSD đất. Tuy nhiên các cụ ở quê cũng không quan tâm lắm nên mới để đến bày giờ vẫn chưa làm thủ tục cấp Sổ đỏ.
Anh Mạnh: Dạ, vậy thì bố yên tâm. Mặc dù chưa có sổ đỏ nhưng bố có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời này, bố lại là người thừa kế duy nhất của các cụ nên theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai 2013, bố có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do vậy, theo quy định tại khoản 1 Điều 75 của Luật này, gia đình mình được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Ông Thông: Thế hả con, thật may quá!
Thế bây giờ nhà đất nhà mình bị thu hồi thì sẽ được bồi thường như thế nào hả con? Giờ thu hồi không có chỗ ở thì phải làm sao?
Anh Mạnh: Dạ thưa bố, trên Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cũ này thì đất nhà mình được xác định là đất ở. Theo quy định tại Điều 79 Luật đất đai năm 2013, hướng dẫn cụ thể tại Điều 6 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, việc bồi thường được xác định như sau:
Trường hợp thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà  không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở tái định cư;
Trường hợp thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà còn đất ở, nhà ở khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì được bồi thường bằng tiền. Đối với địa phương có điều kiện về quỹ đất ở thì được xem xét để bồi thường bằng đất ở.
Ngoài ra, gia đình mình còn được bồi thường theo nguyên tắc: “Khi Nhà nước thu hồi đất mà chủ sở hữu tài sản hợp pháp gắn liền với đất bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường.” Như vậy, khi thu hồi đất, gia đình mình sẽ có thiệt hại về tài sản là ngôi nhà hiện tại bố mẹ đang ở. Việc bồi thường về tài sản được quy định tại Điều 89 Luật Đất đai 2013, hướng dẫn cụ thể tại Điều 9 Nghị định 47/2014/NĐ-CP. Theo đó, đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt gắn liền với đất của gia đình khi Nhà nước thu hồi đất phải tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần mà phần còn lại không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì chủ sở hữu nhà ở, công trình đó được bồi thường bằng giá trị xây dựng mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương.Trường hợp phần còn lại của nhà ở, công trình vẫn bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì bồi thường theo thiệt hại thực tế. Như vậy, nhà nước mình có chính sách rất cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất. Do đó, bố mẹ không phải lo lắng quá đâu nhé!
Ông Thông: Vậy thì tốt rồi! Tuy rằng bố vẫn không muốn rời xa đất ông cha, nhưng chủ trương của Tỉnh như thế thì biết làm sao, đặc biệt nó còn mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân hai xã liền kề. Thôi, một người vì mọi người, bố cũng sẽ chấp nhận đi nơi khác nêu được bồi thường chính đáng.
Câu chuyện giữa hai bố con ông Thông vừa chấm dứt thì Mai-con gái ông Thông, vợ anh Mạnh và Bà Hà cũng vừa về tới sân. Cả nhà cùng bắt tay vào nấu bữa cơm gia đình đầm ấm, và họ lại rôm rả nhiều câu chuyện xoay quanh cuộc sống của họ.
 
Các tin đã đưa ngày: