Liên kết website

Hòa Bình: Tổ chức thành công Hội thi "Hòa giải viên giỏi" tỉnh Hòa Bình lần thứ IV, năm 2016

23/08/2016

Kỷ niệm 71 năm ngày Cách mạng tháng 8, Quốc khánh 2/9 và ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam 28/8, ngày 16/8, tại thành phố Hoà Bình đã tưng bừng diễn ra hội thi “Hoà giải viên giỏi” tỉnh lần thứ IV, năm 2016.

11 đội hòa giải viên đại diện 2.089 tổ hòa giải cơ sở, được lựa chọn từ 11 hội thi “Hoà giải viên giỏi” cấp huyện đã tham gia Hội thi cấp tỉnh. Danh sách 33 thành viên chính thức của 11 đội thi, cho thấy là sự “nối tiếp” của các thế hệ làm công tác hòa giải ở cơ sở: Thí sinh nhiều tuổi nhất là ông Nguyễn Văn Khoa (đội trưởng Đội thi của thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn 53 tuổi), thí sinh ít tuổi nhất là chị Nguyễn Phạm Huyền (thành viên đội thị trấn Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn, 23 tuổi), người có “thâm niên” làm công tác hòa giải cao nhất là 17 năm, ít nhất là 2 năm, nhưng đến với Hội thi, ai cũng đều mang một tâm trạng hồi hộp, háo hức.
Phát biểu khai mạc Hội thi, đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi đã nhấn mạnh: Tổ chức Hội thi “Hòa giải viên giỏi”, chính là dịp để “sát hạch, đánh giá” sát nhất về kiến thức, kỹ năng của các Hòa giải viên, đánh giá chính xác nhất sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền cơ sở đối với công tác hòa giải, đồng thời cũng đánh giá được vai trò tham mưu, phối hợp của cơ quan Tư pháp các cấp với hoạt động hòa giải ở cơ sở. Hội thi cũng là dịp để cơ quan tư pháp các cấp gặp gỡ, ghi nhận, tôn vinh các Hòa giải viên, những người “Chỉ có một tấm lòng/Mang nghĩa tình sâu nặng” đã lặng thầm tham gia vào “Việc làm không lệ phí/Không chấm điểm, ghi công/Không trống mở, cờ giong” để góp phần giữ cho xóm, bản bình yên, giữ cho các gia đình hạnh phúc”.
Vào nội dung chính của Hội thi, các đội thi đã cùng nhau tranh tài qua 4 phần, gồm: giới thiệu về công tác hoà giải tại cơ sở và các thành viên đội thi; thi kiến thức chung; xử lý tình huống;, tiểu phẩm. Các đội thi đã đem đến cho khán giá và Ban giám khảo nhiều bất ngờ khi thể hiện xuất sắc các phần thi với nhiều nét riêng độc đáo mang nặng dấu ấn vùng miền, dân tộc.
Ở phần thi giới thiệu, bằng các thể hiện sinh động, hấp dẫn, các đội thi đã giới thiệu về đặc thù của địa phương, về tình hình công tác hòa giải ở cơ sở và về các thành viên tham gia đội thi, đảm bảo ngắn gọn, đầy đủ. Màn giới thiệu của một số đội thi như: xã Thanh Nông (huyện Lạc Thủy), phường Chăm Mát (TP Hòa Bình), thị trấn Kỳ Sơn (huyện Kỳ Sơn), xã Tân Lập (huyện Lạc Sơn) nhận được sự cổ vũ nhiệt tình nhất của khán giả.
Ở phần thi kiến thức chung, các đội thi đã tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với Ban Giám khảo và khán giả, khi trả lời xuất sắc các câu hỏi thể hiện sự hiểu biết pháp luật khá toàn diện về các lĩnh vực: Bình đẳng giới; Phòng, chống bạo lực gia đình; đất đai; dân sự; hôn nhân và gia đình...
Ở phần thi xử lý tình huống, các hòa giải viên đã khéo léo kết hợp hài hòa giữa lý và tình để xử lý tốt các tình huống mâu thuẫn, tranh chấp cụ thể do Ban Tổ chức đưa ra, thể hiện được thực tiễn hoạt động hòa giải ở cơ sở, giải quyết kịp thời và thành công những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư.
Hấp dẫn hơn cả là phần thi tiểu phẩm, mỗi tiết mục dự thi là một mảng màu sáng, tối của cuộc sống thường ngày trong mỗi gia đình, mỗi xóm bản, khu dân cư đã được đưa lên sân khấu. Nếu tình huống của đội xã Thanh Nông (huyện Lạc Thủy) là chuyện anh chồng sa chân vào tệ nạn cờ bạc, lô đề bị chủ nợ truy đuổi, vợ giận dỗi bỏ đi, con thơ nheo nhóc, gia đình suýt tan vỡ, thì tình huống của đội xã Toàn Sơn (huyện Đà Bắc) là bà mẹ do mê tín dị đoan mà suýt nữa đã cản trở hôn nhân tiến bộ, tự nguyện của con mình. Tình huống của đội thị trấn Kỳ Sơn (huyện Kỳ Sơn), đội phường Chăm Mát (thành phố Hòa Bình) là mâu thuẫn giữa hàng xóm với nhau về gianh giới sử dụng đất; tình huống của các đội xã Bắc Phong (huyện Cao Phong), xã Tân Lập (huyện Lạc Sơn) và các đội còn lại, xoay quanh vấn nạn “trọng nam, khinh nữ”, “rượu chè, bạo lực gia đình”…đã được các đội thi đưa lên sân khấu một cách nhuần nhuyễn, phê phán những thói hư, tật xấu, những hành vi sai trái,
Điều đặc biệt là tại phần thi tiểu phẩm, song song với đưa ra các căn cứ pháp lý, các đội thi đã sử dụng khá nhuần nhuyễn kỹ năng hòa giải thông qua phân tích, thuyết phục các bên có mâu thuẫn, tranh chấp để giải quyết vấn đề (dựa trên phương diện tình cảm, kết hợp với quy định pháp luật) chứ không đưa ra một “phán quyết” mang tính quyền lực, áp đặt ; giúp các bên nhận thấy hành vi sai trái của mình, tự giác điều chỉnh hành vi theo chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Đây là yếu tố quan trọng nhất, thể hiện bản chất của công tác hòa giải, đã được các đội thi thể hiện thành công.
Thông qua Hội thi, các hòa giải viên cũng có dịp giao lưu, học hỏi, tiếp thu nhiều hơn kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ, từ đó nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động hòa giải ở địa phương. Những kết quả tại Hội thi cho thấy: Các địa phương đã có sự quan tâm nhất định đến công tác hòa giải ở cơ sở, đặc biệt là sự quan tâm đầu tư cho việc tổ chức Hội thi “hòa giải viên giỏi” cấp huyện và đầu tư thời gian, công sức, kinh phí cho đội Hòa giải viên dự Hội thi cấp tỉnh; giúp hoạt động hòa giải ở cơ sở lan tỏa trong cộng đồng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, khu dân cư văn hóa ở cơ sở, giữ ổn định trật tự, trị an ở địa bàn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Hội thi cũng đã bộc lộ một số hạn chế nhất định như: Có đội thi dường như “học thuộc” chứ không “học hiểu” một cách nhuần nhuyễn các quy định của pháp luật liên quan đến các nội dung của Hội thi. Một số đội thi chưa nghiên cứu kỹ thể lệ, lại ôm đồm nhiều nội dung trong Tiểu phẩm, dẫn đến vượt quá nhiều thời gian thi so với quy định, nên đã bị trừ rất nhiều điểm, ảnh hưởng đến kết quả chung cuộc của Đội. Cũng có đội do quá “ham” diễn xuất, đã đẩy các hành vi, ngôn ngữ ứng xử của các nhân vật trong tiểu phẩm hơi quá so với thực tiễn, vô hình dung đem lại sự chát chúa, ít nhiều làm giảm sức hẫp dẫn của tiểu phẩm. Những hạn chế này, rất cần các đội dự thi rút kinh nghiệm để làm tốt hơn trong các Hội thi sau.
Kết thúc hội thi, Ban Tổ chức đã trao giải nhất cho đội hoà giải xã Thanh Nông (huyện Lạc Thuỷ); giải nhì cho thị trấn Kỳ Sơn (huyện Kỳ Sơn) và xã Tân Lập (huyện Lạc Sơn); giải ba cho xã Ngọc Mỹ (huyện Tân Lạc), phường Chăm Mát (TP Hòa Bình) và thị trấn Lương Sơn (huyện Lương Sơn); giải khuyến khích cho các xã: Mỵ Hoà (huyện Kim Bôi), Yên Lạc (huyện Yên Thuỷ), Phúc Sạn (huyện Mai Châu), Toàn Sơn (huyện Đà Bắc), Bắc Phong (huyện Cao Phong). Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao giải “đội có phần thi giới thiệu xuất sắc nhất” cho đội thị trấn Kỳ Sơn (huyện Kỳ Sơn); “đội có phần thi tiểu phẩm xuất sắc nhất” cho đội xã Thanh Nông (huyện Lạc Thuỷ); giải “đội vượt khó đến với Hội thi” cho đội xã Toàn Sơn (huyện Đà Bắc) và đội xã Phúc Sạn (huyện Mai Châu).
Hội thi “Hòa giải viên giỏi” tỉnh Hòa Bình lần thứ IV năm 2016 đã khép lại với niềm vui, nụ cười của các đội đoạt giải cao và chút ngậm ngùi, nuối tiếc của các đội chưa đoạt giải như mong muốn (do bị trừ điểm vì vượt thời gian thi), nhưng sức lan tỏa của cuộc giao lưu văn hóa pháp lý của những người làm công tác hòa giải ở cơ sở, đã đến được với các xóm, bản, khu dân cư, hứa hẹn sức bền của công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục được vun đắp./.
Các tin đã đưa ngày: