Liên kết website

Lỗi tại ai

22/08/2012

 Trời còn mờ mờ tối, những chú gà rừng chưa cất tiếng gáy, vợ chồng Mười A Dóng đã thức dạy và vội vã dắt ngựa ra khỏi chuồng, chất lên lưng ngựa những món hàng để mang ra chợ phiên trao đổi, mua bán gồm mộc nhĩ, nấm hương, mật ong, bầu bí, rau, gà…rồi hối hả đi cho kịp buổi chợ phiên.

Chợ huyện nằm trên một bãi đất rộng, ngay trước sân vận động, khi ánh nắng ban mai mới lấp ló qua tán cây lưng chừng núi, thì dòng người từ các ngả đã ùn ùn kéo về nhộn nhịp. Mười A Dóng chọn một khoảng đất để vợ bày hàng bán, còn mình chạy đi nếm rượu, mỗi nơi một chút và cuối cùng dừng lại ở dãy hàng ăn. Trong tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng mặc cả, tiếng ríu rít trò chuyện, quán thắng cố nườm nượp người, thắng cố được múc ra, rượu rót đầy bát, A Dóng say sưa bưng cả hai tay mà uống, mà ăn. Bỗng có người ngồi bên cạnh bắt chuyện với Dóng.

-         Mày ở bản nào?

-         Tao ở bản Lý Phèn đó.

Người lạ mặt thể hiện sự rạng rỡ: Đúng rồi, bản đó còn nhiều cây, nhiều rừng lắm.

A Dóng tiếp lời: Ra khỏi bản, đi chừng cây số là tới rừng tự nhiên à. Tao thường vào rừng lấy mật ong đó.

-  Mày có muốn thoát khỏi cuộc sống khó khăn này không, tao chỉ cách kiếm tiền cho.

- Chỉ cần có rượu uống là được rồi, không cần nhiều tiền.

- Có tiền để mua xe máy mà đi, không phải đi ngựa nữa (vừa nói hắn vừa chỉ về chiếc xe máy phía ngoài).

- Thật à!

Hắn đứng dậy, đi về phía chiếc xe máy và quay lại với 1 bao tải trong tay đưa cho Dóng: Trong này là cái cưa, mày vào rừng chặt cây mang về đây bán cho tao, cây càng to càng tốt, bao nhiêu tao cũng mua hết.

-         Mày dựng mấy cái nhà mà cần nhiều gỗ thế?

-         Tao làm nhiều thứ lắm.

A Dóng nhận cái bao tải từ tay hắn.

 

          Hôm sau, Dóng sang nhà A Chớ rủ Chớ cùng vào rừng lấy gỗ cùng mình, bố A Chớ thấy hai đứa rì rầm bàn chuyện đốn chặt cây rừng thì không bằng lòng, nói:

-         Tụi bay tính chuyện vào rừng đốn cây lấy gỗ bán à?

-         A Dóng đáp lời: Thì có người dưới phố huyện đặt mua, rừng nhiều cây to tha hồ chặt mà bán.

-         Không được, rừng là nóc nhà bảo vệ, che chở cho bản làng ta, chặt phá rừng, làm giàu bất chính từ rừng là vi phạm. Phải bảo vệ rừng chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta. Tau cấm tụi bay vào rừng chặt cây.

A Dóng hậm hực ra về. Nhưng từ hôm đó, ngày nào Dóng cũng vào rừng đốn cây. Một hôm, Dóng mang gỗ xuống phố huyện giao thì ở nhà lũ ầm ập đổ về cuốn trôi nhà cửa, lợn, gà, cũng may vợ con Dóng được bà con giúp đi sơ tán. Dóng trở về nhìn căn nhà như chưa từng tồn tại, chỉ còn lại khoảng đất trống và vương vãi trên đất những mảnh vỡ, mấy cái nắp vung nồi nhôm quăn queo mắc trên vệ cỏ, thế là mất hết. Vừa lúc đó, bố A Chớ dẫn vợ con Dóng trở về, cùng đi có các chú bộ đội đến giúp dựng lại nhà cho bà con.

Ông nói: Cơn lũ quét tàn khốc chỉ xảy ra trong thời gian 20 phút, nhưng đã gây thiệt hại lớn, cũng may xảy ra ban ngày nên mọi người đã kịp chạy thoát.

-         Vâng cảm ơn mọi người đã giúp đỡ vợ con cháu

-         Thế anh có biết tại sao cơn lũ lại khủng khiếp và gây thiệt hại lớn thế này không?

A Dóng gãi tai: Thì tại trời mưa to quá, nước từ thượng nguồn đổ về…

Bố A Chớ chỉ thẳng vào Dóng nói: Tại anh, tại anh chặt rừng nên không còn cây để cản nước, giữ đất, các triền đồi trơ đất đã bị đổ sập, nước lũ cuốn trôi tất cả, anh biết chưa?

Một chú bộ đội nói: Bác đây nói rất đúng, rừng là cái nôi, là lá chắn bảo vệ cho dân làng ta. Luật bảo vệ môi trường năm 2005 quy định nghiêm cấm việc phá hoại, khai thác trái phép rừng và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác đấy A Dóng ạ. Chặt rừng là có tội với dân bản, với Nhà nước.

Đứng trước cảnh nhà tan hoang, A Dóng hiểu rõ hành động nông nổi của mình, Dóng hứa sẽ từ bỏ việc chặt rừng và cam kết sẽ trồng thêm nhiều cây để giữ đất, giữ bản.

Các tin đã đưa ngày: