Liên kết website

Cái kết có hậu

11/10/2012

Tiếng chuông đồng hồ reo làm Kiên giật mình tỉnh giấc. Cố gắng lắm em mới thoát ra khỏi giấc ngủ. Dụi mắt nhìn đồng hồ: 4 giờ sáng rồi! Nhanh chóng làm vệ sinh cá nhân xong, húp vội bát mì tôm, Kiên và mấy người cùng làm ra cửa hàng để chuẩn bị trước khi bà chủ đến.

Quán chỗ Kiên làm là hàng ăn, sáng bán phở, xôi; trưa và chiều bán cơm. Đám làm việc vặt - bà chủ nói thế - toàn choai choai như Kiên, người lớn nhất cũng mới 17 tuổi, còn nhỏ nhất là Kiên và Mạnh, 14 tuổi. Công việc của Kiên ở hàng ăn không cố định: lúc thì dắt xe, lúc thì chạy bàn, khi thì rửa bát hoặc phụ giúp nhà bếp, tùy theo bà chủ yêu cầu. Một ngày của Kiên và những người làm phụ việc như em thường bắt đầu từ 4 giờ sáng, nghỉ 1 tiếng ăn trưa, 1 tiếng ăn tối, còn thì làm đến khi hết khách mới thôi, thông thường vào khoảng 10 giờ đêm. Mỗi ngày của em cứ trôi qua một cách mệt nhọc trong hàng đống những việc không tên. Chẳng thế giờ đã 14 tuổi rồi mà trông Kiên bé như cái kẹo mút dở - các anh cùng làm thường hay trêu Kiên như thế! Ăn, ở của người làm do bà chủ lo, lương thì cuối năm lĩnh một lần, nghỉ ngang coi như mất. Chính vì vậy, nhiều lúc cực quá, Kiên cũng không dám bỏ việc; em cũng chẳng nề hà việc gì vì sợ bà chủ trừ tiền công, như thế sẽ không có nhiều để đưa về cho mẹ, đỡ đần mẹ nuôi các em. 

Lâu không được về thăm nhà, Kiên rất nhớ mẹ và các em. Bố Kiên mất sớm. Làng quê của Kiên cứ vào mùa gió Lào thì đến con người cũng héo quắt nói gì đến cây cối, hoa màu. Nhà Kiên nghèo lắm, mẹ thì sức yếu nhưng cũng cố bươn chải để nuôi anh em Kiên. Thương mẹ, Kiên đã nghỉ học, ra thành phố kiếm việc mong có thêm tiền phụ giúp cho mẹ. Thực ra, phải để Kiên bỏ học, mẹ cũng tủi lắm, nhưng mẹ lo cuộc sống còn không đủ làm sao mà lo cho Kiên học được.

”Thằng Kiên! nhanh nhanh cái tay lên. Lau bàn xong thì ra ngoài kia cùng thằng Cường dắt xe cho khách!”. Tiếng bà chủ the thé làm Kiên giật mình thoát khỏi dòng suy nghĩ. Em chạy ra ngoài hè trước cửa quán. Khách cũng bắt đầu đến đông rồi.

10 giờ sáng, quán đã vãn khách. Uống cốc nước cho tỉnh người, sờ tay vào cái bụng lép kẹp, Kiên nghĩ: cái gói mì tôm ăn vội ban sáng nó đi đằng nào hết rồi! Tiếng là làm ở hàng ăn, nhưng bà chủ cho bọn Kiên ăn uống kham khổ lắm: sáng thì mì tôm không người lái hoặc cái bánh mì khô khốc bà chủ mua từ hôm trước; trưa thì chủ yếu là cơm rau. Miễn là chúng mày no bụng là được chứ gì!- bà chủ vẫn nói thế với bọn Kiên.

Chợt, ngoài cửa hàng có 4, 5 người bước vào. Nhìn những người này, Kiên thấy có vẻ như không phải vào quán để ăn. Một bác trông lớn tuổi trong nhóm hỏi gặp bà chủ. Sau đó, Kiên thấy bác ấy nói gì đó dài dài nhưng em chỉ nghe được hình như đây là Đoàn thanh tra đến kiểm tra về việc sử dụng lao động. Kiên thấy nét mặt bà chủ tái đi. Kiên và mấy người cùng làm được bà chủ gọi ra để gặp Đoàn thanh tra. Các bác, các chú trong Đoàn thanh tra hỏi bà chủ, hỏi Kiên và mọi người nhiều lắm: nào là bao nhiêu tuổi? một ngày làm việc mấy tiếng? được ăn, ngủ, nghỉ như thế nào? có hợp đồng lao động không?... Kiên còn thấy các bác, các chú trong Đoàn thanh tra hỏi bà chủ nhiều vấn đề nữa mà em không hiểu hết, chỉ thấy bà chủ lúng túng, ấp a ấp úng không  trả lời được (khác hẳn bà chủ ghê gớm hàng ngày). Kiên chẳng biết hợp đồng lao động là gì. Khi được người quen dắt đến xin việc chỗ bà chủ, bà chủ chỉ nói với Kiên về công việc mà em phải làm và tiền công bà sẽ trả thôi.

Sau một hồi làm việc, kiểm tra các giấy tờ bà chủ xuất trình, hỏi những người làm, Kiên thấy bác lớn tuổi trong Đoàn thanh tra cầm tờ giấy lên đọc, em nghe thì đó là biên bản thanh tra. Theo như những gì bác ấy nói thì bà chủ đã vi phạm pháp luật lao động trong việc sử dụng lao động chưa thành niên, như: không ký hợp đồng lao động, giữ lương và khấu trừ lương bất hợp lý, đặc biệt cơ sở kinh doanh của bà chủ thuộc ngành nghề không được sử dụng lao động dưới 15 tuổi. Kiên thấy giọng bác thanh tra khá gay gắt. Bác ấy nói với bà chủ: ”Không những thế chị còn vắt kiệt sức lao động của các cháu, bắt các cháu làm việc quá thời gian quy định. Khoản 2 Điều 163 Bộ luật Lao động năm 2012 đã quy định rõ: thời giờ làm việc của người lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không được quá 8 giờ trong một ngày và 40 giờ trong một tuần; của người dưới 15 tuổi không được quá 04 giờ trong một ngày và 20 giờ trong một tuần. Riêng lao động dưới 15 tuổi không được sử dụng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm”. Kiên còn nghe thấy bác ấy nói: với các lao động đang ở độ tuổi chưa thành niên, độ tuổi trẻ em như các cháu ở đây đã không có đủ kiến thức để nhận biết rằng mình đang bị bóc lột, bị lạm dụng sức lao động! Kiên nhìn bà chủ, em chợt thấy bà như già đi hàng chục tuổi. Bà ngồi, cúi mặt trong lúc bác thanh tra đọc biên bản.

Theo kết luận của Đoàn thanh tra thì bà chủ bị xử phạt vi phạm hành chính vì các hành vi vi phạm pháp luật lao động trong việc sử dụng lao động; buộc phải ký kết hợp đồng lao động, phải thanh toán tiền công hàng tháng, đảm bảo các điều kiện ăn, ở cho lao động; nếu còn tiếp tục sử dụng lao động chưa thành niên thì phải tuân theo các quy định của pháp luật đối với lao động này. Riêng đối với 2 lao động trẻ em, Đoàn thanh tra yêu cầu bà chủ phải thanh toán hết tiền công và cơ sở kinh doanh của bà chủ từ nay không được nhận lao động dưới 15 tuổi vào làm việc.

Nghe đến đây, Kiên thấy lo lắng. Mặc dù làm ở đây cực nhọc, vất vả, nhưng cuối năm em cũng có một khoản tiền mang về cho mẹ. Bây giờ, bà chủ không được thuê những lao động như Kiên, em không biết sẽ phải tìm việc ở đâu? Nơi nào sẽ được nhận những lao động như em vào làm việc?

Bỗng một bàn tay mềm mại đặt nhẹ lên vai Kiên. Ngước mắt nhìn lên, Kiên thấy một khuôn mặt trẻ trung với đôi mắt dịu dàng đang nhìn mình. Cô ấy đi cùng với các bác, các chú trong Đoàn thanh tra. Cô nắm lấy tay Kiên và tay Mạnh, cô nói, giọng thật ấm: ”Cô được các chú trong Đoàn thanh tra phân công lo chỗ ăn, nghỉ cho các cháu đến khi các cháu về với gia đình. Bây giờ các cháu thu xếp đồ đạc cá nhân của mình, cô sẽ đưa các cháu đến nghỉ tạm tại trường dạy nghề trong thành phố. Cô sẽ liên lạc với gia đình để đưa các cháu về quê”. Thấy vẻ mặt lo lắng của Kiên, cô cười nói tiếp: ”Cô hiểu hoàn cảnh gia đình các cháu nên cứ yên tâm, các cô, các chú sẽ có trách nhiệm liên hệ với các cơ quan chức năng ở địa phương các cháu để sắp xếp cho các cháu làm việc tại những cơ sở được phép tuyển lao động dưới 15 tuổi. Ở đó, các cháu sẽ có công việc phù hợp với lứa tuổi, với sức khỏe, được đảm bảo quyền lợi. Các cháu vẫn có thể vừa làm vừa học, không có điều kiện học ở trường thì các cháu có thể học tại các lớp học tình thương, học ngoài giờ... Các cháu thấy thế nào?”

Kiên không ngờ mình lại có một cái kết có hậu như vậy. Lời cô nói như làn gió mát thổi bay đi hết những mệt nhọc, lo âu trong lòng Kiên. Như trong các câu truyện cổ tích, ông Bụt, cô Tiên luôn hiện lên giúp những người tốt khi họ gặp khó khăn, còn đối với Kiên thì đây là cổ tích giữa đời thường. Ngước đôi mắt vẫn còn nét trẻ thơ nhìn cô, Kiên cười rạng rỡ.

Các tin đã đưa ngày: