Liên kết website

Tập trung kiện toàn bộ máy, hoạt động các cơ quan tư pháp

12/01/2021

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu được Bộ Tư pháp xác định trong năm 2021 là tiếp tục tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, hoạt động của các cơ quan tư pháp; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp, pháp luật.

Đến nay, theo đánh giá của Bộ Tư pháp, cơ cấu tổ chức của các cơ quan tư pháp ngày càng tinh gọn; đội ngũ cán bộ của Ngành có sự lớn mạnh đáng ghi nhận về chất lượng. Kết quả đào tạo các chức danh tư pháp, cử nhân luật, bổ trợ tư pháp… trong giai đoạn qua đã góp phần quan trọng đối với công cuộc cải cách tư pháp, cải cách pháp luật của đất nước.

Các cơ quan tư pháp trong toàn Ngành đã tập trung kiện toàn tổ chức, bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 6 khóa XII và các yêu cầu của Chính phủ, bảo đảm thống nhất, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao. 

Bộ Tư pháp đã xây dựng, ban hành nhiều quy định liên quan đến công tác quản lý cán bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chuyên môn ở các cấp, đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ.

Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo và đội ngũ công chức làm chuyên môn được Bộ, ngành Tư pháp quan tâm, chú trọng, đổi mới từ phát hiện, tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo và bố trí, sử dụng.

Đến nay, cả nước hiện có 4.271 công chức làm việc tại các Sở Tư pháp (giảm 34 người, tương đương 0.8% so với năm 2019); 2.815 công chức làm việc tại Phòng Tư pháp (giảm 33 người tương đương 1,17%  so với năm 2019), đạt bình quân 4.0 người/Phòng Tư pháp; có 18.349 công chức Tư pháp - Hộ tịch.
 
Đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế được quan tâm bổ sung về số lượng. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có 4.625 người làm công tác pháp chế (tăng 452 người so với năm 2019), trong đó chỉ có 1.398 người chuyên trách (giảm 219 người); các địa phương hiện có 71 Phòng Pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, có tổng số 2.353 người làm công tác pháp chế, trong đó chỉ có 452 người được bố trí làm công tác pháp chế chuyên trách. Tại các doanh nghiệp nhà nước ở trung ương, có 1.488 người làm công tác pháp chế, trong đó, có 564 người làm công tác pháp chế chuyên trách.

Cùng đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức được Bộ, Ngành chú trọng. Công tác đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống tư pháp (đào tạo luật, đào tạo nghề) luôn được Bộ Tư pháp coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của Ngành. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh khối lượng công việc và yêu cầu về chất lượng, tiến độ ngày càng tăng, việc sắp xếp, tinh giản biên chế cán bộ tư pháp và kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp, pháp chế tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn. Số lượng cán bộ tư pháp ở cấp tỉnh, cấp huyện và pháp chế chuyên trách giảm so với các năm trước.

Công chức Tư pháp - Hộ tịch tư pháp cấp xã có nhiều biến động, đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng, hiệu quả công tác tư pháp ở cơ sở. Công tác đào tạo, bồi dưỡng có nhiều chuyển biến tích cực song nội dung chương trình vẫn còn nặng về lý thuyết, chưa thực sự phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm…

Năm 2021 và các năm tiếp theo, Bộ Tư pháp sẽ tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, hoạt động của các cơ quan tư pháp theo các nghị định mới của Chính phủ. Nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện Nghị định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. Rà soát, hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức làm công tác pháp chế. 

Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm về đào tạo pháp luật; xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp. Hoàn thành việc xây dựng chương trình, giáo trình và tổ chức tuyển sinh, đào tạo tốt tại các Trường Cao đẳng luật mới được thành lập.
Nguồn: baophapluat.vn
Các tin đã đưa ngày: