Thông tư số 38/2012/TT-BGTVT quy định về quản lý, khai thác cầu chung. Thông tư này quy định về công tác quản lý, khai thác đối với các cầu sử dụng chung giữa đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng với đường bộ và áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động liên quan đến công tác quản lý, khai thác, bảo trì cầu chung và người tham gia giao thông trong khu vực cầu chung.">
Liên kết website

Thông tư số 38/2012/T-BGTVT ngày 19 tháng 9 năm 2012 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về quản lý, khai thác cầu chung

02/11/2012

Ngày 19 tháng 9 năm 2012, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 38/2012/TT-BGTVT quy định về quản lý, khai thác cầu chung. Thông tư này quy định về công tác quản lý, khai thác đối với các cầu sử dụng chung giữa đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng với đường bộ và áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động liên quan đến công tác quản lý, khai thác, bảo trì cầu chung và người tham gia giao thông trong khu vực cầu chung.

Theo quy định tại Thông tư  này, đơn vị quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt có trách nhiệm quản lý, khai thác và bảo trì các công trình và thiết bị ở khu vực cầu chung; điều khiển giao thông trên cầu chung; đơn vị quản lý đường bộ có trách nhiệm phối hợp với đơn vị quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt và các cơ quan có liên quan trong việc bảo dưỡng, sửa chữa phần đường bộ ở khu vực cầu chung; kiểm tra phần đường bộ, tình hình giao thông trên đường bộ theo kế hoạch hoặc đột xuất. Việc sửa chữa đường, cầu hoặc làm các công việc khác ở khu vực cầu chung có liên quan đến giao thông đường bộ do đơn vị quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt chịu trách nhiệm nhưng phải được sự thỏa thuận của đơn vị quản lý đường bộ từ cấp Khu quản lý đường bộ trở lên đối với đường do Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý, của Sở Giao thông vận tải đối với quốc lộ ủy thác và đường do địa phương trực tiếp quản lý, hoặc của chủ sở hữu đối với đường chuyên dùng.

Trên cầu chung, trong lòng đường sắt dọc ray chính phải đặt ray hộ bánh hoặc tạo khe ray bằng các kết cấu khác; khe ray phải rộng từ 75 milimét (mm) đến 90 milimét (mm), chiều sâu ít nhất 45 milimét (mm); ray hộ bánh hoặc cấu tạo khe ray phải cao bằng mặt ray chính, độ sai lệch không quá 5 milimét (mm).

Trên đường sắt, ở khu vực cầu chung phải bố trí các biển báo hiệu, tín hiệu: Tín hiệu đèn màu phòng vệ; Biển kéo còi; Biển tốc độ tối đa cho phép.

Trên đường bộ vào cầu chung và khu vực cầu chung phải bố trí các biển báo hiệu, tín hiệu và thiết bị sau: Biển báo hiệu giao cắt giữa đường sắt và đường bộ có rào chắn; Các biển cấm (tùy theo tiêu chuẩn và cấp kỹ thuật tại khu vực cầu chung); Biển cự ly tối thiểu giữa hai xe; Biển tốc độ tối đa cho phép; Các biển báo hiệu, tín hiệu khác theo quy định; Cần chắn hoặc giàn chắn đường bộ (nếu có).

Ở mỗi đầu cầu chung phải có một trạm gác để điều khiển giao thông. Mỗi trạm gác cầu chung tối thiểu phải có đầy đủ các thiết bị sau đây và phải đảm bảo sẵn sàng làm việc: Điện thoại liên lạc với hai ga gần nhất; Đèn, chuông điện, điện thoại liên lạc giữa hai trạm đầu cầu; Thiết bị điều khiển cần chắn hoặc giàn chắn đường bộ; Thiết bị điều khiển tín hiệu đường bộ; Thiết bị điều khiển tín hiệu đường sắt; Đồng hồ để bàn.

Hệ thống biển báo hiệu, tín hiệu trên đường sắt, đường bộ vào cầu chung và ở khu vực cầu chung phải hoạt động và biểu thị theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tín hiệu đường sắt và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ hiện hành. Chắn đường bộ phải đóng ở thời điểm bảo đảm không có người, phương tiện giao thông và các chướng ngại vật khác trên cầu trước khi tàu tới cầu ít nhất 2 (hai) phút và nhiều nhất không quá 5 (năm) phút.

Trên khu vực cầu chung, các phương tiện giao thông đường sắt được quyền ưu tiên đi trước. Khi tín hiệu đường bộ ở trạng thái đóng (chắn đóng, đèn đỏ, cờ đỏ, biển “dừng xe”), người tham gia giao thông đường bộ phải dừng lại trên phần đường của mình và cách chắn đường bộ khoảng cách 1,0 mét (m); khi có hiệu lệnh qua cầu (chắn mở, đèn xanh, cờ vàng, biển “lối đi thuận chiều”) người tham gia giao thông đường bộ mới được đi qua. Các loại xe thô sơ chở hàng nặng, cồng kềnh, đi chậm (như xe ba gác, xe súc vật kéo, các đàn gia súc có người dắt) chỉ được đi qua cầu trong các giờ quy định và bảo đảm cho gia súc và các loại xe này ra khỏi cầu trước khi tàu đến ít nhất là 10 (mười) phút. Cấm dừng, đỗ xe; cấm quay đầu xe; cấm vượt nhau trong khu vực cầu chung.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013; thay thế Quyết định số 356-QĐ/PC ngày 22 tháng 3 năm 1982 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành Điều lệ cầu chung.

Các tin đã đưa ngày: