Quy này quy định công tác quản lý công dân Việt Nam học tập ở nước ngoài, bao gồm: quyền lợi và trách nhiệm của công dân Việt Nam học tập ở nước ngoài, khen thưởng và xử lý vi phạm, chế độ báo cáo và việc tổ chức thực hiện. Quy chế áp dụng đối với công dân Việt Nam học tập ở nước ngoài, bao gồm: học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh và người theo học các khóa đào tạo, bồi dưỡng liên tục từ 06 tháng trở lên (sau đây gọi chung là lưu học sinh); tổ chức, cá nhân có liên quan.
Quyền lợi của lưu học sinh: Lưu học sinh sẽ được ưu tiên trong việc xét chọn và tạo điều kiện để tiếp tục học ở trình độ cao hơn nếu có kết quả học tập, nghiên cứu xuất sắc, được cơ sở giáo dục nước ngoài xác nhận; được về nước thực tập, thu thập tài liệu để phục vụ chương trình học tập; được nghỉ hè, nghỉ lễ theo quy định của cơ sở giáo dục; trong thời gian nghỉ hè, nghỉ lễ được về nước, đi thăm thân nhân ở nước khác (nước thứ ba), mời thân nhân đến thăm nếu được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại đồng ý; được Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài bảo hộ về lãnh sự, bảo vệ quyền lợi chính đáng trong thời gian lưu trú học tập ở nước ngoài; trường hợp có nhu cầu giải quyết những vấn đề về lãnh sự, tư pháp được Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài giải quyết theo thẩm quyền (so với trước đây, bỏ quy định về quyền được Nhà nước sử dụng tài năng và được hưởng chế độ đãi ngộ theo những quy định hiện hành sau khi tốt nghiệp về nước công tác; bỏ quyền được Nhà nước khuyến khích tham gia các hoạt động khoa học do cơ sở đào tạo tổ chức; bỏ quyền được bảo vệ luận án của thực tập sinh; bỏ quy định có thể ở lại nước ngoài để học tập, nghiên cứu từ một đến ba năm; bỏ quyền được hưởng chế độ tài chính).
Nghĩa vụ của lưu học sinh: Nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật Việt Nam, pháp luật và phong tục tập quán của nước sở tại; thực hiện nội quy, quy chế của cơ sở giáo dục; giữ gìn và phát triển quan hệ hữu nghị với các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư nước sở tại; thực hiện đăng ký công dân Việt Nam ở nước ngoài theo quy định hiện hành của Bộ Ngoại giao; thực hiện đăng ký thông tin lưu học sinh vào Hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử quản lý lưu học sinh - https://lhsvn.vied.vn trong thời hạn 30 ngày sau khi đến nước ngoài; 06 tháng một lần báo cáo kết quả học tập, nghiên cứu tại địa chỉ: https://lhsvn.vied.vn (quy định cũ phân định rõ nghĩa vụ công dân; nghĩa vụ học tập, nghiên cứu, thực tập; nghĩa vụ tham gia sinh hoạt tập thể; nghĩa vụ bồi hoàn kinh phí đào tạo).
Lưu học sinh học bổng phải thực hiện đúng quy định về thời gian học, trình độ đào tạo, ngành học, nước đi học và cơ sở giáo dục theo Quyết định cử đi học của cơ quan có thẩm quyền; nếu không hoàn thành nghĩa vụ học tập hoặc không chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi tốt nghiệp thì phải bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo theo quy định hiện hành. Khi hết thời hạn được phép học tập ở nước ngoài, nếu chưa hoàn thành chương trình học tập thì phải gửi hồ sơ đề nghị gia hạn thời gian học tập ở nước ngoài tới cơ quan cử đi học.
Trường hợp có lý do chính đáng phải thay đổi thời gian học, ngành học, nước đi học, cơ sở giáo dục thì phải báo cáo với cơ quan cử đi học và phải được cơ quan đó đồng ý bằng văn bản.
Việc chuyển tiếp sinh thực hiện theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 9 và Điều 11 Quy chế tuyển sinh đi học nước ngoài ban hành kèm theo Thông tư số 01/2013/TT-BGDĐT ngày 29/0/2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chỉ tiêu chuyển tiếp sinh các diện học bổng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý được xác định tại thông báo tuyển sinh các chương trình học bổng.
Lưu học sinh chưa tốt nghiệp về nước, nếu có nguyện vọng được học tiếp trong nước và có đủ hồ sơ theo quy định thì được đăng ký học tiếp tại cơ sở giáo dục trong nước.
Quy chế cũng quy định việc khen thưởng và xử lý vi phạm đối với lưu học sinh; quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cử lưu học sinh đi học nước ngoài; trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.