Liên kết website

NÔNG SẢN HAY KHOÁNG SẢN

22/12/2016

Nhân vật: Bà Hiền: bán nước gần chợ Công: Cán bộ điều tra giả làm người buôn bán đến uống nước. Hậu: Chủ hàng nông sản. Tấn: Lái xe

Cảnh 1: Tại quán nước của bà  Hiền, gần chợ vùng biên.
Bà Hiền đon đả: Vào uống nước chú.
Công: Vâng, bà cho cháu chén nước ạ.
Bà Hiền: Đi đâu thế chú?
Công: Cháu theo bạn đi buôn bà ạ.
Bà Hiền: Nhìn cái tướng chú thì buôn bán gì! Nhà báo hả.
Công: Cháu không phải nhà báo. Định đi buôn thật.
Bà Hiền nheo nheo mắt: Hàng gì.
Công: Thì thấy hàng gì lãi thì làm. Buôn hàng nông sản thôi. Cháu đang định buôn vải khô để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Bà Hiền: Hàng ấy khó lắm.
Công: Sao ạ?
Bà Hiền: Không phải dân ở đây nên không biết. Hàng ấy có chủ buôn thao túng hết rồi. Ai muốn làm phải thông qua họ. Không làm riêng được đâu. Giá bán thế nào, bán cho ai, phải qua họ hết.
Công: Kiểu như độc quyền ấy ạ.
Bà Hiền: Đúng đấy. Riêng hàng ấy. Bà bảo cháu đừng buôn. Đánh nhau giành khách ghê lắm. Ơi, cháu vào đây uống nước đi. Trời nóng ghê nhỉ.
Công im lặng nhìn kỹ người bán nước đang đon đả mời chào khách kia. Đúng là gừng càng già càng cay. Chỉ nhìn thôi đã biết anh không phải dân buôn. Tuy là bà ấy cứ thẳng đuột nói cho anh nhiều thông tin như thế. Nhưng cũng không thể không đặt nghi vấn là bà ấy đang thăm dò anh.
Công: Thế bà bảo buôn hàng gì lãi bây giờ?
Bà Hiền: Buôn ngô, khoai, sắn. Trông thế thôi chứ lãi lắm.
Công: Sao bà biết.
Bà Hiền: Sao lại không? Nhà Hậu kia kìa, đang ngồi ăn mỳ đấy. Có hơn chục xe hàng, chuyên buôn hàng nông sản đấy. Chủ yếu là ngô, khoai, sắn. Cứ bảo buôn hàng ấy thì cò con, lãi ít nhưng nhà ấy giầu nhanh lắm. Đúng là buôn bán cũng có số chú ạ. Chắc mát tay.
Công nghĩ thật may mắn vì không mất công để gợi ý thì bà Hiền đã nói đến đối tượng anh đang cần điều tra. Đúng là giàu nhanh thật. Không trốn thuế thì khó mà giàu nhanh vậy. Nhưng chỉ dựa vào buôn hàng nông sản thôi sao?
Công: Anh ấy là người ở đây ạ.
 Bà Hiền: Người xuôi, không phải người trên này. Nhanh nhẹn lắm. Cũng xởi lởi, nhưng hình như không buôn chung với ai. Nghe bảo ngày xưa làm chung, đến khi lỗ lại xích mích nên chỉ làm riêng thôi.
Công nghĩ: Sẽ buôn cùng loại hàng với Hậu để tiếp cận dần. Buôn có bạn, bán có phường cơ mà.
 
Cảnh 2: Tại cửa khẩu:
Công và một số trinh sát móc nối đi buôn ngô. Sau vài tháng, tuy là gương mặt mới nhưng cũng được biết như một chủ hàng. Cũng có vài bận ngồi uống nước cũng Hậu, tiện thể dò la luôn:
Công: Ông anh buôn bán may mắn thật đấy. Bọn em mới buôn bị ép giá kinh quá.
Hậu: Chú em sốt ruột làm gì. Ai chả bắt đầu như vậy. Quen ngay thôi mà.
Công: Nhưng sắp cụt hết vốn rồi. Sợ là phải bỏ anh ạ.
Hậu: Nhụt trí nhanh thế, đi buôn làm sao được. Anh mày ngày xưa mới đầu còn làm cửu vạn kia kìa.
Công: Anh nói thế nào chứ, em không tin.
Hậu: Sông có khúc, người có lúc. Đến anh mày còn chả tin được nữa cơ mà. Phải biết chớp thời cơ. Cửu vạn chán anh mày còn đi đào vàng mãi trong núi.
Công: Chắc anh trúng mỏ vàng nên giờ mới được thế này.
Hậu: Mày đoàn mò thế mà cũng đúng. Đúng là cũng được một ít làm vốn.
Công: Em chả được may mắn như anh nhỉ.
Hậu: Cứ làm đi rồi sẽ biết thôi.
 
Cảnh 3: Trên đường đưa hàng đến cửa khẩu xuất qua biên giới:
Công: Xe phía trước có phải xe lão Hậu không. Bị sụt đường rồi thì phải.
Tấn: Đúng xe nhà lão rồi. Dạo này mưa nhiều, đường trơn lắm. Xe mình đi chả sụt bao giờ mà xe lão hay sụt lắm.
Công: Toàn trở quá trọng tải chả thế. Đường nào chịu được.
Tấn: Em cân xe cùng với xe nhà lão. Cứ thấy là lạ. Cùng cân mà sao xe nhà lão đi ì ạch hơn hẳn.
Công: Thì xe tã rồi.
Tấn: Không anh ạ. Em cảm tưởng chở gì nặng hơn. Không phải ngô như mình. Lúc bốc vác hàng sang xe em cứ thấy nghi nghi. Bao ngô gì mà nặng thế.
Công: ý em là nhà lão chở hàng khác trên xe.
Tấn: Em nghĩ thế. Hàng của nhà lão bao giờ cũng được ưu tiên trả hàng trước.
Công: Phải tìm hiểu xem lão trộn hàng gì với nông sản mới được. Làm sao móc nối với bốc vác, trộm hàng về xem.
Tấn: Cứ cho tiền là xong thôi mà. Một hai bao chắc chả ai biết.
Công: cứ phải cẩn thận. lão Hậu mà biết thì nát xương.
Tấn: em sẽ làm kín kẽ. Coi như mình là dân mua hàng ăn cắp, bảo bốc vác móc trộm đi bán thôi.
 
Cảnh 4: Trong căn nhà tạm của Công và Tấn ở giáp biên
Mười ngày sau Tấn mang về được một bao tải.
Công: Lần này là ngô hay sắn.
Tấn: Anh cứ đùa em. Lần này có khi lấy được trúng hàng mình muốn tìm.
Tấn rạch bao hàng ra. Ngô trộn lẫn đá.
Công: Chắc chắn là quặng. Nhưng quặng gì nhỉ?
Tấn: Em chịu chết. Mang về phòng để xác định xem. Biết đâu lại là vàng.
Công: Hóa ra lão Hậu buôn khoáng sản nhưng lại ngụy trang là hàng nông sản.
Tấn: Vừa buôn lậu vừa trốn thuế, lão này trông ngố ngố thế mà kinh phết.
Công: Lão có kể ngày xưa từng đi đào vàng. Chắc có quen với dân đào vàng. Khi đào vàng, có thể phát hiện ra quặng rồi khai thác khoáng sản và đi buôn lậu.
Tấn: Có thể lắm. Nông sản thì thuế xuất khẩu thấp, có 10%, có hàng còn 0%. Nếu là khoáng sản thì thuế xuất khẩu là 20%, cao nhất lên đến 40%. Lãi gấp mấy lần. Thảo nào lão giầu là phải. Em còn tưởng lão buôn ma túy hay hàng nóng cơ.
Công: Mai mang đi xác định ngay đấy.
Tấn: Vâng.
 
Cảnh 5:  Trong phòng thẩm vấn của  cơ quan điều tra
Cảnh sát điều tra: Anh Hậu, trên xe của anh có rất nhiều quặng bô xit. Đây là hàng buôn lậu, không có trong giấy tờ khai báo hải quan. Số lượng hàng nông sản thực tế so với số lượng hàng kê khai cũng không thống nhất, đây là dấu hiệu hành vi trốn thuế.
Hậu: Tôi chỉ buôn hàng nông sản thôi. Tôi không biết gì cả.
Cảnh sát điều tra: Anh là chủ hàng mà không biết xe hàng nhà mình chở gì à? Chở bao nhiêu cũng không biết
Hậu: Tôi không biết. Có thể lái xe trộn hàng vào. Tôi không biết gì thật
Cảnh sát điều tra: Chúng tôi đã điều tra người bán quặng cho anh. Anh không phải chối.
Hậu cúi gằm mặt: Họ đổ oan cho tôi
Cảnh sát điều tra: Anh nên thành khẩn khai báo thì hơn. Lái xe của anh đã khai hết rồi.
Hậu: Tôi không biết gì.
Cảnh sát điều tra: Anh lỳ lợm thật đấy.
Đoạn đưa ra những bức ảnh Hậu mua hàng khoáng sản. Ảnh Hậu và đồng bọn trộn quặng vào trong bao.
Cảnh sát điều tra: Anh nói anh không biết gì? Vậy anh giải thích cho tôi xem.
Hậu im lặng một hồi rồi lên tiếng: - Nếu đã biết hết thì hỏi tôi làm gì, mất công.
Cảnh sát điều tra: Chúng tôi cho anh cơ hội để thú nhận. Cũng là cho anh cơ hội để cứu mình, nhưng anh không hợp tác.
Hậu: Tôi nhận tội, nhưng tôi chỉ buôn ít thôi.
Cảnh sát điều tra: Ít hay không thì đã có cơ quan điều tra rồi.
Hậu: Các anh ghi vào biên bản tôi buôn ít thì tôi sẽ được nhẹ tội. Mà các anh cũng có phần.
Cảnh sát điều tra: Anh đang hối lộ chúng tôi đấy à.
Hậu: Anh giúp tôi lần này, tôi sẽ giúp anh lần khác. Chỉ là nhiều hay ít thôi mà.
Cảnh sát điều tra: Đúng là tiền thì ai thích. Tôi cũng biết anh có nhiều tiền. Nhưng đạo đức của chúng tôi không dễ mua thế đâu, anh Hậu ạ. Anh nên thật thà khai báo. Việc anh hối lộ cán bộ hải quan hay cán bộ thuế đều đã được chúng tôi điều tra ra cả. Họ cũng đang bị thẩm vấn về hành vi tham nhũng của mình.
Hậu: Bị bắt cả rồi à.
Cảnh sát điều tra: Anh hợp tác hơn rồi đấy. Anh buôn hàng cấm mà trót lọt như vậy, chắc chắn có móc nối với cơ quan nhà nước, chỉ là cụ thể đó là ai thôi.
Hậu: Thả lỏng để vây bắt à?
Cảnh sát điều tra: Không phải thả lỏng, chỉ là các anh tinh vi quá thôi, cần nhiều thời gian tra xét hơn.
Hậu: Nhưng tôi vẫn có thắc mắc, làm sao các anh biết được hành tung của tôi.
Cảnh sát điều tra: Anh rất thông minh. Tôi nghĩ anh sẽ tự có câu trả lời.
Hậu: Cài cắm người vào trong chúng tôi chứ gì? Hoặc giả có ai bán đứng tôi để lập công. Nhưng thôi, giờ thì không còn ý nghĩa nữa. Tôi sẽ phải chịu phạt như thế nào?
Cảnh sát điều tra: Trốn thuế thì phạt tiền. Nếu giá trị tiền trốn thuế trên 150 triệu thì sẽ phạt tù. Còn buôn lậu thì phạt tù. Còn bao nhiêu năm thì phải xem mức độ thành khẩn của anh.
Hậu: Anh có thể giải thích rõ hơn không?
Cảnh sát điều tra: Hành vi trốn thuế của anh có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 13 Thông tư số 166/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về thuế hoặc có thể bị xử lý Hình sự theo quy định Điều 161 Bộ luật Hình sự 1999 về tội trốn thuế.
Hậu im lặng như đang suy nghĩ./.
Điều 13. Xử phạt đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế
Người nộp thuế có hành vi trốn thuế, gian lận thuế theo quy định của pháp luật bị xử phạt theo số lần tính trên số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận như sau:
1. Phạt tiền 1 lần tính trên số thuế trốn, số thuế gian lận đối với người nộp thuế vi phạm lần đầu (trừ các trường hợp bị xử phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu thuế tại Khoản 1 Điều 12 Thông tư này) hoặc vi phạm lần thứ hai mà có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên khi có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 32 Luật quản lý thuế hoặc kể từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại Điều 33 của Luật quản lý thuế, trừ trường hợp quy định tại Khoản 6 Điều 9 Thông tư này và Khoản 9 Điều này.
b) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; sử dụng bất hợp pháp hóa đơn, chứng từ; hóa đơn không có giá trị sử dụng để kê khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm.
c) Lập thủ tục, hồ sơ hủy vật tư, hàng hóa hoặc giảm số lượng, giá trị vật tư, hàng hóa không đúng thực tế làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, được miễn, giảm.
d) Lập hóa đơn sai về số lượng, giá trị hàng hoá, dịch vụ bán ra làm căn cứ kê khai nộp thuế thấp hơn thực tế.
đ) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp; không kê khai, kê khai sai, không trung thực làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm.
e) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hoá, dịch vụ đã bán và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế.
g) Sử dụng hàng hóa được miễn thuế, xét miễn thuế (bao gồm cả không chịu thuế) không đúng với mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thuế với cơ quan thuế.
h) Sửa chữa, tẩy xoá chứng từ kế toán, sổ kế toán làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm.
i) Hủy bỏ chứng từ kế toán, sổ kế toán làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm.
k) Sử dụng hóa đơn, chứng từ, tài liệu không hợp pháp trong các trường hợp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn; khai sai căn cứ tính thuế phát sinh số thuế trốn, số thuế gian lận.
l) Người nộp thuế đang trong thời gian xin tạm ngừng kinh doanh nhưng thực tế vẫn kinh doanh.
m) Hàng hóa vận chuyển trên đường không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp.
2. Phạt tiền 1,5 lần tính trên số thuế trốn đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi trốn thuế, gian lận thuế quy định tại Khoản 1 Điều này trong các trường hợp: vi phạm lần đầu, có tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm lần thứ hai, có một tình tiết giảm nhẹ.
3. Phạt tiền 2 lần tính trên số thuế trốn đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi trốn thuế, gian lận thuế quy định tại Khoản 1 Điều này trong các trường hợp: vi phạm lần thứ hai mà không có tình tiết giảm nhẹ hoặc vi phạm lần thứ ba và có một tình tiết giảm nhẹ.
4. Phạt tiền 2,5 lần tính trên số thuế trốn đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi trốn thuế, gian lận thuế quy định tại Khoản 1 Điều này trong các trường hợp: vi phạm lần thứ hai mà có một tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm lần thứ ba mà không có tình tiết giảm nhẹ.
5. Phạt tiền 3 lần tính trên số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi trốn thuế, gian lận thuế quy định tại Khoản 1 Điều này trong các trường hợp: vi phạm lần thứ hai mà có từ hai tình tiết tăng nặng trở lên hoặc vi phạm lần thứ ba có tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm từ lần thứ tư trở đi.
6. Các hành vi trốn thuế, gian lận thuế bị xử phạt quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều này còn bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là nộp đủ số tiền thuế trốn, gian lận vào ngân sách nhà nước.
Số tiền thuế trốn, gian lận theo quy định tại Điều này là số tiền thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật mà người nộp thuế bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện và xác định trong biên bản, kết luận kiểm tra, thanh tra.
7. Các hành vi vi phạm quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g, h, i, k, Khoản 1 Điều này bị phát hiện trong thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế hoặc bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, nhưng không làm giảm số thuế phải nộp hoặc chưa được hoàn, không làm tăng số thuế miễn, giảm và không thuộc trường hợp bị xử phạt đối với hành vi trốn thuế thì bị xử phạt về hành vi vi phạm về thủ tục thuế theo quy định tại Khoản 4 Điều 8 hoặc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán.
8. Trường hợp người nộp thuế đang thuộc diện được miễn thuế, được hoàn thuế theo quy định của pháp luật, kê khai không đúng căn cứ xác định số thuế được miễn, số thuế được hoàn nhưng không làm thiệt hại đến số thuế của ngân sách nhà nước thì không bị xử phạt đối với hành vi trốn thuế mà xử phạt về hành vi vi phạm về thủ tục thuế quy định ở Điều 8 Thông tư này với mức phạt cao nhất.
9. Trường hợp, người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, đã tự giác nộp đầy đủ số tiền thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế thì bị xử phạt về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế quy định Khoản 6, Điều 9 Thông tư này. Trường hợp, người nộp thuế đã nộp hồ sơ khai thuế nhưng khai sai, gian lận thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp, gian lận, trốn thuế thì ngoài việc bị xử phạt về thủ tục thuế còn bị xử phạt về khai thiếu thuế hoặc trốn thuế theo quy định tại Điều 12, Điều 13 Thông tư này.
10. Trường hợp người nộp thuế nộp thuế theo phương pháp kê khai đang trong thời hạn hưởng ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp bị phát hiện có hành vi vi phạm như khai sai làm tăng khống chi phí để tăng số lỗ, để giảm lãi; giảm chi phí để tăng lãi và xác định không đúng các điều kiện để được hưởng miễn thuế thu nhập doanh nghiệp thì:
a) Nếu vi phạm được kiểm tra phát hiện ngay trong thời gian đang được ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp thì không xử phạt về hành vi trốn thuế mà thực hiện xử phạt vi phạm về thủ tục thuế hoặc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán;
b) Nếu vi phạm chưa được kiểm tra phát hiện mà cá nhân, tổ chức không tự điều chỉnh hậu quả làm giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp của năm tiếp sau khi hết thời hạn được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp thì bị xử phạt về hành vi trốn thuế.
Điều 161. Tội trốn thuế:
1. Người nào trốn thuế với số tiền từ năm mươi triệu đồng đến dưới một trăm năm mươi triệu đồng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232,233, 236 và 238 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm ;
2. Phạm tội trốn thuế với số tiền từ một trăm năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng hoặc tái phạm về tội này, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm;
3. Phạm tội trốn thuế với số tiền từ năm trăm triệu đồng trở lên hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm;
 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến ba lần số tiền trốn thuế.
 

 
Các tin đã đưa ngày: