Liên kết website

HÃY LẮNG NGHE CON NÓI!

23/12/2016

Mấy hôm nay, không thấy chị Nhàn - hàng xóm trong khu phố cũng là bạn cùng sinh hoạt trong Câu lạc bộ thể dục thẩm mỹ đi tập, bà Mai là Chủ nhiệm Câu lạc bộ cũng là Tổ trưởng Tổ hòa giải của khu phố thấy sốt ruột thay cho chị.Hoàn cảnh chị Nhàn thế nào, bà Mai biết rất rõ, nhà chị chỉ có một mẹ, một con vì chồng chị Nhàn đã mất do tai nạn giao thông được mấy năm rồi. Hai chị em cũng hay tỷ tê tâm sự, rất chân tình, thân thiết, nên sáng nay nhân tiện có việc gần đó, bà Mai đã ghé vào thăm chị Nhàn.

Sang tới nhà, thấy cửa cổng khép hờ, nên bà Mai không bấm chuông mà đi thẳng vào nhà lúc nào mà chị vẫn không hay biết. Bà nói to: Cô Nhàn đang nghĩ gì mà thần mặt ra thế? Chị Nhàn đang ngồi một mình trên ghế, thấy bà Mai liền đứng dậy: Hôm nay, rảnh rỗi thế nào mà rồng lại đến nhà tôm thế này? Mời bác vào nhà ạ.
Đỡ chén chè nóng từ tay chị Nhàn, bà Mai hỏi: Mấy hôm nay không thấy cô đi sinh hoạt cùng chị em cho vui, nên tôi đến hỏi thăm nhà có việc gì hay không? Hay ốm đau thế nào mà không thấy đi tập?
Chị Nhàn thừ người ra: Em bận mấy việc, với lại cũng đang buồn vì thằng bé ở nhà quá. Sắp thi chuyển cấp hai rồi, mà nó lại còn bỏ học…
Nghe chị Nhàn nói thế, bà Mai kêu to: Sao lại bỏ học? Đâu, thằng Hòa có nhà không, ra bác hỏi chuyện xem nào. Thằng này vốn ngoan ngoãn, nghe lời mẹ lắm cơ mà.
Hòa đâu, ra đây. Bác Mai đến nhà chơi này ! Chị Nhàn quay vào buồng gọi con ra.
Thấy mẹ gọi, thằng Hòa từ phòng đi ra. Nhìn thấy bà Mai, nó lễ phépchào: Cháu chào bác ạ!
Bà Mai kéo Hòa ngồi lại gần,  xoa đầu thằng bé: Nào, thằng cháu của bác hôm nay lại làm mẹ buồn lòng. Thế đầu đuôi câu chuyện là gì? Kể cho bác nghe xem nào?
Thấy bà Mai quan tâm, như chạm vào mạch tâm sự riêng, thằng Hòa nức nở: Cháu không thích học võ, mà mẹ cứ bắt cháu học. Mẹ tự ý đăng ký mà có thèm quan tâm đến ý kiến của cháu đâu…!
Chị Nhàn nghe con nói thì lớn tiếng: Con trai phải học võ cho khỏe người, chứ học mấy cái vẽ vỡi để làm gì, chẳng được việc gì cả.
Em khổ quá, chị Mai ạ. Có mỗi nó, em đầu tư không tiếc tiền. Thế mà nó có biết thương mẹ gì đâu. Nó đã bỏ học thêm được 2 ngày, mà em không biết gì. May mà hôm nay có việc về sớm, tranh thủ qua trường xem nó học hành thế nào, mới phát hiện ra.
Nghe mẹ nói, cu Hòa ấm ức khóc và nói: Ngay từ đầu, con đã nói là con không thích học võ mà mẹ cứ ép rồi lại đăng ký học không hỏi ý kiến con gì cả. Con chỉ muốn tham gia học thêm môn mỹ thuật thôi ạ.
Thấy căng thẳng, bà Mai nhẹ nhàng: Cô Nhàn cứ bình tĩnh, xem cháu Hòa nói gì. Nghe qua câu chuyện là tôi hiểu vấn đề rồi. Do hai mẹ con chưa thống nhất được quan điểm chung thế nên mới ra cơ sự này.
Quay sang chị Nhàn, bà Mai nói: Cô Nhàn à, bây giờ trẻ em cũng có chứng kiến lắm. Cháu Hòa cũng đã lớn, cô phải để em nó được bày tỏ đầy đủ các mong muốn, nguyện vọng của mình.
Bà Mai lấy trong cái túi mang theo người ra một một cuốn sách đưa cho chị Nhàn, rồi nói tiếp:Sắptới, Hội phụ nữ quận tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến các hộ gia đình trong phố mình về các quy định của Luật trẻ em mới được ban hành, để các gia đình tăng cường hơn nữa việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Điều 34 Luật trẻ em đã quy định rõ, trẻ em có quyền được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em; được cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân lắng nghe, tiếp thu, phản hồi ý kiến, nguyện vọng chính đáng. Do vậy, cháu nó thích học vẽ thì cô nên tạo điều kiện cho cháu được học theo đúng sở thích cúa mình.
Nghe bà Mai nói, chị Nhàn giải thích: Em thì mong nó học võ thuật cho khỏe khoắn hơn. Con trai phải cứng cáp, sau này phải biết bảo vệ bản thân. Xã hội giờ đầy rẫy nguy hiểm…
Bà Mai từ tốn: Thì đúng là như thế, nhưng không chỉ học võ mới khỏe người, mà cháu nó còn có thể tham gia nhiều hoạt động thể dục thể thao khác như bóng đá, cầu lông hay hai mẹ em buổi tối đi bộ mấy vòng quanh khu phố cũng khỏe người mà. Như cô bây giờ, đang thích nhảy thể dục thẩm mỹ mà lại bắt cô học dưỡng sinh hay thái cực quyền thì liệu cô có chịu không?
Chăm chú lắng nghe bà Mai nói xong, thằng Hòa gật gù đồng tình: Bác Mai nói đúng quá ! Mẹ cháu không bao giờ lắng nghe hết câu chuyện của cháu. Cháu vẽ nhiều tranhlắm, còn muốn gửi đăng báo mà mẹ cháu không đồng tình. Cháu muốn đi thăm quan bảo tàng mỹ thuật hay đi dã ngoại, học ngoại khóa cùng các bạn ở lớp, mẹ cháu ít cho đi lắm. Mẹ bảo đi đâu không có mẹ, mẹ không yên tâm.
Nghe Hòa nói, bà Mai quay sang chị Nhàn: Thế thì không được rồi, Nhàn à. Trẻ em ngoài học tập còn phải được vui chơi, giải trí.
Thứ nhất, việc Hòa muốn học vẽ, muốn phát triển mỹ thuật là việc đúng. Vì Điều 16 Luật trẻ em quy định rất rõ về quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu, trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân. Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh.
Thứ hai là Điều 17 của Luật còn quy định trẻ em có quyền vui chơi, giải trí; được bình đẳng về cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với độ tuổi.
Chị Nhàn phân bua: Thực tình là không đến mức thế, chị Mai ạ. Em muốn con dành nhiều thời gian cho học tập vì qua hết năm nay là chuyển cấp 2. Rồi nhà có một mẹ một con, có mỗi mình nó em không yên tâmđể nó đi đâu tý nào. Nó có làm sao thì em chết…
Thấy chị Nhàn có vẻ ngẫm nghĩ, bà Mai nói thêm: Cô mà quan niệm thế thì không được rồi. Trẻ em còn phải được tham gia các hoạt động xã hội phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành, nhu cầu, năng lực của trẻ em. Giờ nhà trường tổ chức các hoạt động thăm quan, dã ngoại cũng quy củ, bài bản lắm, đảm bảo cho các cháu vui chơi an toàn tuyệt đối.
Chị Nhàn nghe có vẻ hiểu ra nên nói: Vâng, em sẽ rút kinh nghiệm. Nhưng mà chị ạ, nó cũng bướng bỉnh lắm, mẹ không đồng ý cái gì là đùng đùng bỏ vào phòng, giận dỗi mẹ cả ngày không nói gì, cứ lầm lì. Lại còn chống đối mẹ, nhịn ăn, ở lỳ trong phòng…
Quay sang thằng Hòa, bà Mai mềm mỏng: Còn cháu nữa, nếu mà phản đối mẹ bằng cách như thế là sai rồi. Mẹ có ý kiến gì, phải phân tích, thuyết phục mẹ, nếu không thì nhờ ông bà, các thầy cô giáo gặp mẹ để trình bày các nguyện vọng của mình. Nếu tự ý bỏ học, bỏ ăn, như thế là không được. Luật trẻ em quy định rất rõ, trẻ em không chỉ có quyền mà còn rất nhiều bổn phận khác nhau.
Điều 37 của Luật quy định bổn phận của trẻ em đối với gia đình là phải kính trọng, lễ phép, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; yêu thương, quan tâm, chia sẻ tình cảm, nguyện vọng với cha mẹ và các thành viên trong gia đình, dòng họ. Trẻ em có bổn phận học tập, rèn luyện, giữ gìn nề nếp gia đình, phụ giúp cha mẹ và các thành viên trong gia đình những công việc phù hợp với độ tuổi, giới tính và sự phát triển của trẻ em.
Ngoài ra, Điều 41của Luật còn quy định về bổn phận của trẻ em với bản thân, đặc biệt là có trách nhiệm với bản thân; không hủy hoại thân thể, danh dự, nhân phẩm, tài sản của bản thân; sống trung thực, khiêm tốn; giữ gìn vệ sinh, rèn luyện thân thể; chăm chỉ học tập, không tự ý bỏ học, không rời bỏ gia đình sống lang thang; không sử dụng đồ chơi hoặc chơi trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của bản thân…
Nghe bà Mai phân tích, Hòa thấy hối hận vì đã làm mẹ buồn, nó nói: Vâng ạ, cháu biết lỗi của mình rồi, lần sau cháu không bỏ ăn, bỏ học nữa ạ.
Nó chạy sang ghế chị Nhàn, quàng tay vào người, ôm chặt với mẹ: Con xin lỗi mẹ ạ !
 Bà Mai nghe Hòa nói thế, cười vui vẻ: Mai cô Nhàn đến trường xin ngay cho cháu Hòa chuyển lớp học từ võ thuật sang vẽ cho cháu ngay nhé. Gia đình chính là trường học đầu đời của con trẻ. Hãy lắng nghe con nói nhiều hơn nhé, để trẻ em được bày tỏ đầy đủ các ý kiến, nguyện vọng của mình. Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho con mình.Thế nhé, mai đăng ký học cho con, rồi lại đi sinh hoạt cùng các chị em cho vui.
Chị Nhàn nói “dạ” rõ to, rồi cười. Hai mẹ con chị thấy nhẹ nhàng,thấu hiểu và chia sẽ với nhau nhiều hơn.
Ngoài sân nắng vàng lên rực rỡ, báo hiệu một ngày thật đẹp trời./.
 
Các tin đã đưa ngày: